Khoanh vùng dập dịch
Tính đến ngày 11/2, thế giới đã ghi nhận hơn 40.000 ca nhiễm bệnh viêm đường hô hấp cấp do virus corona chủng mới (2019-nCoV) gây ra, với hơn 1.000 người tử vong. Riêng Việt Nam có 15 trường hợp dương tính với nCoV, trong đó có một cháu bé mới 3 tháng tuổi. Một nữ công nhân ở tỉnh Vĩnh Phúc sau khi đi tập huấn ở Vũ Hán (Trung Quốc) về đã lây lan nCoV cho 5 người, gồm 4 người thân và hàng xóm.
Có ý kiến cho rằng cần phong tỏa tỉnh Vĩnh Phúc để khống chế dịch bệnh, tránh lây lan nhanh ra cộng đồng, song cũng có luồng ý kiến cho là chưa cần thiết.
Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên và Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc Hoàng Thị Thúy Lan thăm cơ sở vật chất Bệnh viện đa khoa tỉnh Vĩnh Phúc nơi phục vụ công tác phòng, chống dịch bệnh viêm phổi cấp do chủng mới virus corona gây ra.
Cả hai luồng ý kiến nghe ra đều có lý. Nếu phong tỏa một phạm vi địa lý thì việc khống chế, dập dịch sẽ dễ dàng hơn rất nhiều so với việc phải điều tra quá trình dịch tễ của từng bệnh nhân. Dễ dàng hơn bởi những người có nguy cơ lây nhiễm sẽ không thể di chuyển rộng tạo ra nguy cơ lây lan nCoV cho nhiều người khác. Hơn nữa, việc xác định quá trình dịch tễ cũng không thể đúng 100% với thực tế, không loại trừ khả năng bỏ sót những điểm mà người nhiễm bệnh đã từng lui tới, những người đã từng giao tiếp với bệnh nhân, rồi những người đó lại giao tiếp với những người khác nữa...
Nhược điểm của biện pháp phong tỏa là sẽ gây ra tâm lý hoang mang cho nhiều người, ảnh hưởng xấu tới các lĩnh vực kinh tế, xã hội, văn hóa, thể thao... Khi đó ngoài thiệt hại về kinh tế, còn phát sinh ra những hệ lụy khó lường, gây khó khăn cho công tác phòng chống, ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh nCoV. Đơn cử, khi hoang mang, nhiều người sẽ không hiểu việc phong tỏa chỉ với mục đích khống chế, ngăn chặn dịch bệnh lây lan, họ sẽ tìm cách trốn ra khỏi địa phương để rồi nguy cơ lây nhiễm nCoV từ những người này ra cộng đồng rất khó kiểm soát.
Nói gì đến lệnh phong tỏa, mới chỉ bị cách ly 14 ngày để phòng dịch thôi mà đã có người thiếu ý thức bỏ trốn khỏi nơi quản lý. Một phụ nữ 44 tuổi (quê Thủy Nguyên, Hải Phòng) từ Trung Quốc về Việt Nam được đưa vào nơi cách ly của Trung đoàn 123 (đóng trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn) đã bỏ trốn khiến lực lượng chức năng của nhiều tỉnh, thành phố đang phải cất công truy tìm. Ai dám đảm bảo người phụ nữ này chưa mang mầm bệnh nCoV? Nếu, chỉ là nếu thôi, người phụ nữ này đang mang mầm bệnh nCoV mà bỏ trốn rồi tiếp xúc với nhiều người khác thì hậu quả sẽ là khôn lường.
Chẳng phải nữ công nhân ở tỉnh Vĩnh Phúc đã làm lây lan nCoV cho nhiều người khác đó sao? Đó là còn chưa kể những người bị nhiễm bệnh thứ phát trong quá trình chưa phát hiện bệnh liệu đã lây cho bao nhiêu người khi họ giao tiếp? Để đề phòng, cơ quan chức năng tỉnh Vĩnh Phúc đã tiến hành cách ly nhiều em học sinh và giáo viên đã giao tiếp với em gái nữ công nhân về từ Vũ Hán. Vậy nên nếu một người thực sự mang mầm bệnh nCoV trong người mà tự do đi lại ngoài đường sẽ khiến nhiều người khác nhiễm bệnh, rồi cứ tăng lên theo cấp số nhân chứ không phải là cấp số cộng.
Nói như vậy không có nghĩa là chỉ có biện pháp phong tỏa địa phương có dịch mới là lựa chọn tối ưu. Mọi lo ngại được đưa ra ở trên sẽ là thừa nếu như mỗi người dân đều thực sự hiểu biết về dịch bệnh nCoV đồng thời mỗi cá nhân đều sống có trách nhiệm, có ý thức phòng chống dịch bệnh không chỉ cho bản thân, gia đình mà cho cả cộng đồng xã hội. Khi mọi người đều hiểu về dịch nCoV, sẽ không còn ai trốn khỏi nơi cách ly tạo ra nguy cơ lây lan dịch bệnh. Khi mọi người có ý thức thì sẽ chủ động thông tin đến cơ quan chức năng về khả năng lây bệnh, nguồn bệnh, thậm chí sẽ tự cách ly bản thân...
Hiện, Chính phủ chỉ đạo rất quyết liệt, các bộ, ngành, địa phương cũng đang rốt ráo triển khai hàng loạt biện pháp cần thiết để ngăn ngừa sự lây lan, bùng phát dịch nCoV. Tuy nhiên, quan điểm của Chính phủ là không được chủ quan với dịch bệnh, nhưng cũng không được bi quan, mà phải bình tĩnh để khống chế dập dịch. Với quan điểm đó, nhiều công dân Việt Nam tại Trung Quốc đã được đón về nước để đảm bảo an toàn trong cơn bão dịch tại nước này. Song, tất cả mọi người đều phải thực hiện biện pháp cách ly 14 ngày tại Quảng Ninh để đảm bảo không mang nCoV lây lan ra cộng đồng.
Mọi nỗ lực của các cơ quan chức năng trong việc phòng chống dịch nCoV, nếu không nhận được sự ủng hộ, đồng lòng của người dân thì cũng sẽ trở nên vô nghĩa. Hiện, trên cả nước có khá nhiều điểm cách ly tập trung và cách ly tại gia đình, nếu mọi người đều có trách nhiệm, có ý thức, không tìm cách bỏ trốn khỏi nơi cách ly thì dịch bệnh nCoV sẽ không thể có cơ hội bùng phát. Nếu những người từng giao tiếp với người bệnh chủ động thông tin đến cơ quan chức năng mà không “chạy loăng quăng” thì sao có thể lây nhiễm nCoV cho người khác?
Tất nhiên, bên cạnh việc tuyên truyền, giáo dục về dịch bệnh nCoV để mỗi người dân hiểu và có ý thức phòng ngừa cho bản thân, gia đình và xã hội, thì cũng cần có những biện pháp mạnh tay đối với những người cố tình vi phạm. Cần siết chặt hơn nữa an ninh tại các điểm cách ly tập trung để đảm bảo không ai có thể tự ý trốn khỏi những nơi đó mang mầm bệnh đi reo rắc ngoài xã hội. Những người nghi nhiễm không chấp hành việc cách ly sẽ bị cưỡng chế để đảm bảo công tác phòng dịch đạt hiệu quả cao nhất. Mong rằng, tất cả mọi người sẽ đồng lòng với Chính phủ dập dịch để sớm vượt qua cửa ải khó khăn này.