An toàn cho người lao động trước dịch nCoV: Luôn được ưu tiên hàng đầu
Đây là chia sẻ của ông Nguyễn Nguyễn Anh Thơ - Phó Cục trưởng Cục An toàn lao động (Bộ LĐTBXH). Theo ông Thơ, song song với việc đảm bảo ổn định sản xuất, phát triển thì công tác đảm bảo sức khỏe người lao động luôn được các ban ngành, địa phương và doanh nghiệp chú trọng, ưu tiên hàng đầu.
Lãnh đạo Liên đoàn Lao động tỉnh Quảng Trị thăm hỏi sức khỏe người lao động trong dịch bệnh nCoV.
Để đảm bảo an toàn cho hơn 161.000 người lao động làm việc tại 9 khu công nghiệp, chế xuất và khu công nghệ cao trên địa bàn Hà Nội, hiện nay Sở LĐTBXH Hà Nội đã rà soát, yêu cầu 1.129 lao động là người Trung Quốc đang làm việc tại Hà Nội phải trích yếu thông tin về: tên, tuổi, đơn vị làm việc, giấy phép lao động, quốc tịch, hộ chiếu… để cơ quan chức năng và các địa phương theo dõi, giám sát theo khuyến nghị của ngành Y tế.
Theo ông Nguyễn Đình Thắng - Phó Chủ tịch Công đoàn Các khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội, trước thực tế dịch bệnh nCoV đang diễn biến phức tạp, công đoàn ngành đã yêu cầu các ban chấp hành công đoàn cơ sở phối hợp chặt chẽ với doanh nghiệp thực hiện có hiệu quả các biện pháp phòng chống dịch bệnh: Bảo đảm an toàn thực phẩm tại các bếp ăn tập thể, cung cấp đủ nước uống, nước sạch... cho người lao động. Bên cạnh đó, theo dõi, quản lý tốt sức khỏe công nhân lao động, phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh, kiên quyết không để dịch lây lan trong doanh nghiệp. Ngoài các biện pháp trên, công đoàn cũng yêu cầu các doanh nghiệp thực hiện nghiêm túc việc đo thân nhiệt cho lao động trước khi bước vào khu vực làm việc, đeo khẩu trang, rửa tay bằng xà phòng, dung dịch sát khuẩn… Ngoài ra, trong thời gian xảy ra dịch bệnh, các khu công nghiệp phải tạm dừng các hoạt động vui chơi tập thể để công nhân đảm bảo sức khỏe làm việc.
Tại Khu công nghiệp Bắc Thăng Long, ông Hoàng Đức Khang- Phó Chủ tịch UBND xã Kim Chung cho biết, từ ngày 22/1, UBND huyện đã họp triển khai kế hoạch tập huấn với các xã, thị trấn, nhất là địa phương có khu công nghiệp nằm trên địa bàn. Ngày 31/1, toàn huyện đồng loạt triển khai các biện pháp phòng, chống dịch: Tổng vệ sinh môi trường ở tất cả các khu vực dân cư, xóm trọ, khu nhà ở công nhân; công an các xã, thị trấn liên tục rà soát lượng người nước ngoài đến và làm việc, tiếp xúc với công nhân để kịp thời báo cáo ngành Y tế có biện pháp cách ly.
Chia sẻ về giải pháp đảm bảo an toàn cho người lao đông trước diễn biến dịch nCoV, ông Nguyễn Anh Thơ cho biết, hiện có rất nhiều cơ quan, doanh nghiệp chủ động có các biện pháp phòng ngừa dịch bệnh như trang bị các thiết bị cảm ứng nhiệt, nước rửa tay, phát khẩu trang miễn phí. Bản thân người lao động cũng đã ý thức tốt các biện pháp phòng bệnh từ nhà, trên đường đi làm và đến nơi làm việc. Tuy nhiên người lao động cần tuân thủ đảm bảo an toàn vệ sinh lao động ngoài giờ làm việc như giờ nghỉ ngơi hay thời gian bắt đầu, kết thúc khi làm việc thì các doanh nghiệp cũng nên hướng dẫn người lao động làm sao tránh tụ tập, tránh việc trao đổi không cần thiết để hạn chế những việc tiếp xúc.
Cũng theo ông Thơ, hầu hết công việc đều được quy định về trang bị các loại phương tiện bảo vệ cá nhân. Nếu chúng ta tuân thủ đầy đủ quy định về đảm bảo an toàn tại nơi làm việc, hướng dẫn về phòng dịch thì vẫn đảm bảo đủ điều kiện để làm việc bình thường.
Trước thắc mắc của người lao động trong trường hợp nào thì lao động sẽ có quyền nghỉ làm hoặc làm ở nhà để phòng chống dịch, khi nghỉ làm trong trường hợp này có được tính lương bình thường hay không, ông Thơ cho hay, trong trường hợp có nguồn lây nghi nhiễm hay các ổ dịch xảy ra theo quy định về phòng chống dịch thì Chủ tịch UBND các tỉnh/thành phố sẽ quyết định việc dừng làm việc một số doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức có khả năng lây nhiễm. Mặt khác theo Khoản 3, Điều 98 Bộ luật Lao động 2012 có quy định về chế độ tiền lương ngừng việc do nguyên nhân khách quan là dịch bệnh nguy hiểm như sau: “Nếu vì các nguyên nhân khách quan khác như thiên tai, hoả hoạn, dịch bệnh nguy hiểm, địch hoạ, di dời địa điểm hoạt động theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoặc vì lý do kinh tế, thì tiền lương ngừng việc do hai bên thoả thuận nhưng không được thấp hơn mức lương tối thiểu vùng do Chính phủ quy định”.