Chủ động cuộc chiến chống nCoV
Thời gian gần đây, một số thông tin cho rằng lo ngại dịch viêm phổi cấp do chủng mới virus Corona (nCoV) gây ra, người dân đã “mua vét” hàng tại các siêu thị, chợ, đặc biệt là lương thực, thực phẩm- dẫn tới tình trạng đầu cơ, nâng giá. Nhưng thực tế không phải như vậy. Tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh - 2 đô thị lớn của đất nước, nguồn cung lương thực thực phẩm vẫn dồi dào, chủ động trong cuộc chiến chống nCoV.
Các siêu thị tại Hà Nội vẫn dồi dào hàng hóa phục vụ người dân. Ảnh chụp ngày 11/2. Ảnh: Quang Vinh.
Gần 2 tuần qua, dù diễn biến của dịch viêm phổi cấp do chủng mới virus corona gây ra phức tạp, nhưng tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh cũng như các địa phương khác trong cả nước, nguồn cung lương thực, thực phẩm vẫn dồi dào.
Hà Nội: Không còn hiện tượng mua hàng tích trữ
Ngày 11/2, tại các chợ truyền thống ở Hà Nội như chợ Hôm - Đức Viên, chợ Kim Liên, chợ Ô Cách… giá thực phẩm vẫn ổn định, chỉ có các loại rau xanh tăng nhẹ. Đắt nhất vẫn là rau cải xanh, cải ngọt, giá 35.000 đồng/kg, rau muống có giá từ 8.000 – 10.000 đồng/mớ, rau cần giá từ 10.000 – 15.000 đồng/bó, rau cải cúc 8.000 đồng/mớ.
Còn tại các hệ thống siêu thị lớn tại Hà Nội, hiện tượng khan hiếm hàng chỉ xảy ra cục bộ tại một số thời điểm nhất định. Vào thời điểm hiện tại, Vinmart, Hapro, BigC…, vẫn có lượng hàng hóa cung ứng, bày bán dồi dào và phong phú, đặc biệt là các loại hàng hóa thiết yếu như rau xanh, thịt cá, hải sản, gạo… đều được bày trên các kệ hàng, hiện tượng đổ xô đi mua hàng về tích trữ đã không còn.
Ghi nhận tại siêu thị VinMart trên các phố Trường Chinh, Đông Tác, Phố Vọng (Đống Đa); đường Nguyễn Cao Luyện (Quận Long Biên)… các loại rau củ quả, thực phẩm, sữa và một số loại vật phẩm thiết yếu khác khá dồi dào. Siêu thị luôn đảm bảo nguồn cung về rau, củ quả cũng như tất cả các mặt hàng thiết yếu khác cho người tiêu dùng. Vì thế, người dân không lo hàng hóa bị thiếu hụt trong những thời gian cao điểm. Đáng chú ý, giá cả tại các siêu thị vẫn ổn định, nguồn hàng vẫn cung cấp bình thường, không có gì thay đổi nhiều so với cả trước Tết.
Bên cạnh đó, do đã chủ động được nguồn cung nên tại hệ thống siêu thị BigC Thăng Long không xảy ra tình trạng khan hàng hay hết hàng. Ngoài ra, BigC đang áp dụng chương trình khuyến mãi “Tiết kiệm mỗi ngày với BigC,” kéo dài tới hết 13-2, áp dụng giảm giá mạnh đối với các mặt hàng rau củ quả, hàng thực phẩm tươi sống. Cụ thể, giảm giá từ 20%-30% đối với cải bó xôi, nấm kim châm, su hào, bí xanh... nên người dân có thể yên tâm mua sắm.
Đáng chú ý, việc mua sắm online cũng được các siêu thị triển khai nhằm tạo thuận lợi cho người dân mua sắm hàng hóa mà không cần trực tiếp đến siêu thị. Phó Tổng Giám đốc Central Retail Nguyễn Thị Phương (Đại diện siêu thị BigC và Go) cho biết, BigC đang tăng cường hình thức thương mại điện tử, mua sắm online để người tiêu dùng có thể ngồi nhà vẫn nhận được lương thực, thực phẩm, đồ tiêu dùng hàng ngày khi có nhu cầu, không cần tích trữ khiến thực phẩm giảm mất sự tươi ngon.
Cùng với đó, hệ thống siêu thị Co.opmart cũng đang triển khai hoạt động mua sắm online. Giám đốc phụ trách siêu thị Co.opmart Hà Nội Nguyễn Thị Kim Dung cho biết, trước khi diễn ra dịch viêm phổi cấp, tỷ lệ bán qua kênh online tại Co.opmart đạt khoảng 5 - 10%, nhưng hiện tại lượng khách hàng mua online đang tăng mạnh. Hiện, tất cả các sản phẩm bán tại siêu thị Co.opmart đều được “lên mạng”.
“Để kích thích người dân mua sắm online, Co.opmart vận chuyển nội thành miễn phí với hóa đơn mua hàng trị giá trên 200.000 đồng” - bà Dung chia sẻ. Còn đại diện hệ thống siêu thị MM Mega Market cho biết, hiện phần lớn khách hàng chọn đặt hàng qua email, điện thoại và giao hàng tận nơi. Vì vậy, hệ thống này cũng đang đầu tư chăm sóc mạnh kênh bán hàng online.
Trong khi đó, để kích thích người tiêu dùng tăng mua qua kênh trực tuyến, các sàn thương mại điện tử Shopee, Tiki, Lazada… lại chọn hình thức hợp tác cùng siêu thị với nhiều khuyến mại lớn đến 30% đơn hàng trong suốt tháng 2.
Ngày 11/2, thực phẩm tại các chợ Hà Nội rất dồi dào. Ảnh: Quang Vinh.
TP Hồ Chí Minh: Không lo thiếu nguồn cung
Đại diện các chợ đầu mối trên địa bàn TP HCM cho rằng, dù không nhập khẩu rau củ quả từ Trung Quốc về thì lượng hàng hóa trong nước vẫn đáp ứng đủ nhu cầu thị trường tiêu dùng. Lý do, rau củ quả nhập khẩu từ Trung Quốc chỉ chiếm khoảng 12 – 20% sản lượng rau của quả trên thị trường, trong khi lượng rau quả từ Lâm Đồng, Long An, Tiền Giang… đổ về thành phố cũng khá nhiều. Đáng chú ý, giá cả các mặt hàng rau củ vẫn ổn định. Ví dụ, cải xanh dao động từ 8.000 – 10.000 đồng/kg, bí xanh 10.000 – 11.000 đồng/kg, đậu côve từ có giá 20.000 – 23.000 đồng/kg…
Không lo lắng về tình trạng thiếu nguồn cung, đại diện các siêu thị cho biết, có thể cung ứng nguồn hàng cho thị trường trong cả tháng 3 và tháng 4. Hiện các sản phẩm như gạo, bún, mì,… tại các kho hàng được duy trì tương ứng trị giá từ 500 – 600 tỷ đồng. Cho nên không có tình trạng khan hiếm.
“Có tình trạng người dân lo lắng thiếu lương thực trong thời gian tới (giống như ở thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc) nên đi mua về tích trữ. Tuy nhiên, hệ thống siêu thị khẳng định, hoàn toàn không thiếu hàng. Để cung ứng tốt cho thị trường đơn vị đã tổ chức lưu trữ một cách tập trung tại các kho ở TP HCM, Bình Dương, Hậu Giang cũng như các tỉnh, thành khác trên địa bàn cả”- ông Nguyễn Anh Đức – Phó Tổng Giám đốc Saigon Co.opmat thông tin.
Đa số doanh nghiệp nhấn mạnh, đủ năng lực sản xuất để cung ứng nếu thị trường khan hiếm hàng hóa. Một số doanh nghiệp như Công ty Cổ phần đầu tư Vinh Phát Wilmar đảm bảo nguồn dự trữ mặt hàng gạo, duy trì cung ứng đến cuối năm 2020. Công ty Cổ phần Acecook Việt Nam đảm bảo nguồn cung, duy trì cung ứng các mặt hàng lương thực, thực phẩm chế biến (mì, phở, hủ tiếu…) đến cuối năm 2020. Theo đơn vị này, công ty đang sản xuất khoảng 3 tỷ gói mì/năm, trong khi công suất tối đa sản xuất lên đến 4,5 tỷ gói mì/năm.
Để chuẩn bị nguồn hàng hóa cung ứng trong giai đoạn ứng phó khẩn cấp đối với dịch viêm phổi cấp do virus corona gây ra, Sở Công thương TP HCM phối hợp các sở ngành đã làm việc với các doanh nghiệp. Theo kế hoạch, trong trường hợp dịch bệnh lan rộng trong cộng đồng, thành phố tiếp tục chuẩn bị nguồn lương thực, thực phẩm thiết yếu trong quý I/2020, tăng 30-40% so vớicùng kỳ năm 2019.
Bà Nguyễn Huỳnh Trang- Phó Giám đốc Sở Công thương TP HCM cho hay, về ngắn hạn sẽ vận động, khuyến khích các doanh nghiệp tiếp tục đẩy mạnh sản xuất, dự trữ, cung ứng các mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu bao gồm lương thực (gạo, mì gói, bún khô …), đường, dầu ăn, thịt gia súc, thịt gia cầm, trứng gia cầm, thực phẩm chế biến, rau củ quả. Đồng thời cam kết cung ứng, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân trên địa bàn.
Trong tháng 2, nhiều doanh nghiệp sản xuất phối hợp hệ thống phân phối bán hàng giảm giá từ 10-15% đối với các mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu. Bàn về giải pháp dài hạn đảm bảo nguồn cung ứng hàng hóa cho thị trường, bà Nguyễn Huỳnh Trang chia sẻ, thành phố chủ động làm việc với các địa phương Đồng Nai, Bình Dương, Lâm Đồng, Bến Tre, Đồng Tháp, An Giang... nắm bắt tình hình hoạt động nuôi trồng, sản xuất, cung ứng hàng hóa. Đây là những địa phương có nguồn cung lượng hàng lớn và ổn định cho thành phố. Bên cạnh đó, ngành công thương thành phố khuyến khích doanh nghiệp thu mua các nguyên liệu, sản phẩm trong nước tăng cường dự trữ đối với sản phẩm thực phẩm chế biến, sản phẩm gia súc, gia cầm. Trường hợp đặc biêt, chuẩn bị phương án nhập khẩu các sản phẩm lương thực, thực phẩm khác thay thế, không để xảy ra tình trạng khan hiếm hàng hóa.
Sở Công thương TPHCM yêu cầu Cục Quản lý thị trường thành phố, UBND 24 quận - huyện tăng cường kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật trong hoạt động sản xuất, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn. Phát hiện, xử lý kịp thời các hành vi lợi dụng tình hình dịch bệnh, khan hiếm cục bộ để đầu cơ, gom hàng, tăng giá bất hợp lý, gây bức xúc trong dư luận xã hội. Song song đó, lực lượng chức năng liên quan phải ngăn chặn kịp thời các hành vi sản xuất, kinh doanh, buôn bán, hàng gian, hàng giả, kém chất lượng, không rõ nguồn gốc, xuất xứ.