Rối nước Việt Nam: Đa dạng để phục vụ công chúng
Trong một số loại hình nghệ thuật thu hút sự chú ý của công chúng, khách du lịch, không thể không nhắc tới nghệ thuật rối nước. Bên cạnh những tích trò cổ, cũ để gìn giữ bản sắc cũng cần có những tích trò mới để múa rối Việt Nam vươn xa.
Một tiết mục múa rối nước của Nhà hát Múa rối Thăng Long.
Cả nước hiện có 6 đơn vị nghệ thuật múa rối chuyên nghiệp, cùng hàng chục phường rối phân bố rải rác vùng đồng bằng Bắc Bộ. Trong đó Nhà hát Múa rối Việt Nam, Nhà hát Múa rối Thăng Long đang là những “cánh chim đầu đàn” trong việc bảo tồn và phát triển nghệ thuật múa rối nước hiện nay. Phong trào biểu diễn múa rối nước dân gian, hoạt động của các đơn vị nghệ thuật múa rối chuyên nghiệp, các phường rối dân gian ở các địa phương hiện đang được duy trì. Thậm chí những địa phương vốn không có múa rối nước như ở miền Trung và Nam Bộ thì giờ đây cũng thường xuyên tổ chức biểu diễn.
Tuy nhiên, bên cạnh những thành công thì thực tế hiện nay việc biểu diễn múa rối nước vẫn chủ yếu phục vụ khách du lịch nước ngoài để thu lợi. Tuy nhiên, nhiều tích trò cổ chưa được khai thác và phát huy. Một số trò diễn đã được phục dựng nhưng việc biểu diễn chưa thực sự điêu luyện, vì hầu hết là diễn viên trẻ mới đào tạo ngắn ngày nên tay nghề chưa cao. Những đề tài thời sự, sáng tác kịch bản mới chưa thực sự hấp dẫn vì chạy theo tích “chuyện” mà quên “trò” là yếu tố quan trọng nhất của nghệ thuật sân khấu múa rối nước dân gian truyền thống. Không những vậy múa rối nước dân gian Việt Nam đang có xu hướng hiện đại hóa và đang mờ dần bản sắc trước tác động của cơ chế thị trường, đồng thời chưa được quản lý rõ ràng.
Đơn cử như múa rối nước dân gian đang tồn tại ở một số địa phương đang phát triển theo hướng tự do và tùy theo nhận thức của người tổ chức, hoặc theo định hướng riêng của mỗi phường rối hoặc theo khả năng nhân lực và tài chính. Chưa kể câu chuyện có nên xây dựng những sân khấu thủy đình hiện đại thay thế ao làng như vốn có ở nông thôn hiện nay hay không vẫn là một sự tranh luận đầy mâu thuẫn giữa những nghệ sĩ biểu diễn, người làm nghề múa rối nước trong các đơn vị nghệ thuật chuyên nghiệp với các nghệ nhận trình diễn rối nước xuất ở các làng quê. Bởi một số nghệ nhân cho rằng, múa rối nước xuất thân từ chiếc ao làng, không gian văn hóa, không gian nghệ thuật cần phải giữ nguyên, như thế mới là dân gian, không gian của múa rối nước không thể thay đổi. Còn một nguyên nhân khác nữa là việc sưu tầm, nghiên cứu, quảng bá, tuyên truyền, giáo dục thẩm mỹ văn hóa dân gian, truyền thống của dân tộc cho công chúng về múa rối nước cũng chưa được quan tâm đúng mức, chưa làm cho công chúng được sống, được cảm nhận, được hòa mình vào trong không gian nghệ thuật của loại hình nghệ thuật dân gian truyền thống này đề thấy hết cái hay, cái đẹp, cái độc đáo.
Trước thực trạng này, theo PGS.TS Nguyễn Thị Minh Thái: Phải cố giữ lấy cái lề văn hóa văn minh lúa nước cổ truyền không chỉ trong 16 trò rối cổ truyền. Theo nhà nghiên cứu rối nước Nguyễn Huy Hồng, ông đã sưu tầm được khoảng 250 trò rối cổ truyền trên khắc các phường rối ở châu thổ sông Hồng. Lẽ nào ta lại quay lưng hoặc không khai thác tử tế những trò rối cổ truyền ấy làm phong phú kịch mục trò diễn? Và lẽ nào không phải là con đường tìm về nguồn của rối nước Việt?... “Và hội nhập cũng còn là việc sáng tạo những vở rối vẫn giữ được bản thể văn hóa riêng, mà vẫn tìm tòi đổi mới, kiểu bộ ba chèo “Bài ca giữ nước” của Tào Mạt, cùng với một số diễn rối nước cách tân cũng làm dòng chảy khác của sự phát triển rối nước trong xã hội Việt Nam hiện đại, nhằm lôi kéo người trẻ về với nghệ thuật truyền thống Việt, như một món quà độc đáo mà cha ông để lại”- PGS Minh Thái bày tỏ.
Đồng quan điểm, theo NSND Tiến Dũng- Giám đốc Nhà hát Múa rối Việt Nam: Hiện khán giả nhí vẫn là đối tượng chính mà rối phục vụ. Các chương trình múa rối nước dành cho khán giả lớn tuổi hiện nay đang khai thác chung với khách du lịch qua chương trình 16 trò cổ. Việc sưu tầm trong kho tàng trò diễn rối nước truyền thống tại các phường rối địa phương cần được phát huy để có thêm những trò diễn mới đáp ứng nhu cầu thưởng thức của người dân. Cũng theo ông Dũng: Mảng sân khấu thiếu nhi cần bổ sung thêm chương trình biểu diễn phù hợp các lứa tuổi thiếu nhi từ 3 đến 10 tuổi để phong phú thêm hoạt động cùng với múa rối cạn lâu nay đã có chỗ đứng trong mắt trẻ thơ và cha mẹ các em. Theo đó, các chương trình thiếu nhi đòi hỏi ngày càng phải đa dạng, phong phú về thể loại với những bài học giáo dục nhẹ nhàng, gần gũi. Đặc biệt, các nghệ sĩ múa rối phải nên đi đúng vào tâm lý, sở thích của con trẻ và điều đang nói ở đây là các chương trình thiếu nhi phải phần nào cạnh tranh được với băng đĩa, truyền hình.
Hiện nay với xu thế hội nhập giao lưu trên mọi lĩnh vực thì cơ hội giao lưu, học hỏi, trao đổi kinh nghiệm giữa các đối tác cũng như bạn nghề trên thế giới là rất quan trọng. Ở đó sân khấu múa rối Việt Nam nói chung hay hội nhập quốc tế ngoài việc hòa nhập cuộc sống nghệ thuật đương đại cần phải gần gũi với đời sống, nhu cầu của công chúng. Các tiết mục phải vừa khai thác được vốn cổ, vừa có cách tân để công chúng thưởng thức không nhàm chán.