EVFTA và những kỳ vọng mới
Ngày 12/2, Nghị viện châu Âu đã bỏ phiếu về việc phê chuẩn Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) và Hiệp định Bảo hộ thương mại đầu tư (IPA). Với 508 triệu dân ở khu vực châu Âu, tổng sản phẩm nội địa (GDP) khoảng 18.000 tỷ USD, có thể khẳng định, EU chính là một trong những đối tác thương mại quan trọng nhất của Việt Nam. EVFTA chính là Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới được mong chờ nhất.
EVFTA đang mở ra những cơ hội lớn cho xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam. Ảnh: Quang Vinh.
Nỗ lực cả một thập kỷ
Giới chuyên gia nhận định, EVFTA được phê duyệt sẽ mở ra cơ hội lớn cho xuất khẩu hàng hoá Việt Nam cũng như mục tiêu hướng đến con số 300 tỷ USD xuất khẩu. EVFTA được khởi động từ tháng 10/2010, tính đến nay là gần 10 năm. Nhìn lại quãng đường 10 năm trước hai bên đã đi qua, đặc biệt là những nỗ lực từ phía Việt Nam để hướng đến thực thi Hiệp định này, có thể thấy, cả hai bên đã kỳ vọng hiện thực hóa EVFTA lớn đến mức nào.
Cụ thể, sau khi 2 bên đàm phán, tháng 6/2012, Bộ trưởng Bộ Công thương Việt Nam và Cao ủy Thương mại EU đã chính thức tuyên bố khởi động đàm phán EVFTA. Và liên tục từ năm 2012 cho đến 2019, hàng loạt các hoạt động được xúc tiến nhằm thúc đẩy tiến trình ký kết. Tháng 6/2018, Việt Nam và EU chính thức thống nhất việc tách riêng EVFTA thành hai hiệp định gồm Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) và Hiệp định Bảo hộ thương mại đầu tư (IPA). Và sau nhiều nỗ lực, ngày 30/6/2019, EU và Việt Nam chính thức ký kết EVFTA. Sự kiện diễn ra tại Hà Nội với sự chứng kiến của Thủ tướng Chính phủ.
Và điều được mong đợi nhất cũng đã tới. Ngay đầu năm 2020, Ủy ban Thương mại Quốc tế của Nghị viện châu Âu (INTA) đã thông qua kiến nghị để Nghị viện châu Âu phê chuẩn EVFTA và IPA, và FTA này chính thức được bỏ phiếu vào ngày 12/2.
Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh cho biết, đây là FTA thế hệ mới có chất lượng cao, thể hiện ở tính toàn diện của Hiệp định, trải rộng trong tất cả các lĩnh vực truyền thống và phi truyền thống, kể cả những lĩnh vực rất mới như mua sắm Chính phủ, DN nhà nước, đầu tư công, sở hữu trí tuệ... Do đó, EVFTA thực thi sẽ đưa Việt Nam lên một tầm cao mới, xứng đáng là đối tác chiến lược của EU. “Với EVFTA, xuất khẩu, GDP của Việt Nam sẽ tăng trưởng mạnh mẽ trong những năm tới” – Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nhấn mạnh.
Cơ hội để bứt phá
Với dân số 508 triệu người, tổng sản phẩm nội địa (GDP) khoảng 18.000 tỷ USD, có thể khẳng định, EU chính là một trong những đối tác thương mại quan trọng nhất của Việt Nam. Và EVFTA đang mở ra những cơ hội lớn cho xuất khẩu hàng hóa của nước nhà. Nhìn bao quát bức tranh xuất khẩu hàng hóa trong thời gian tới, khi EVFTA được thực thi, có thể thấy ngay những cơ hội lớn cho chúng ta.
Với EVFTA, xuất khẩu của Việt Nam được kỳ vọng sẽ tăng mạnh. Ảnh: Quang Vinh.
Theo đó, ngay khi Hiệp định này có hiệu lực, EU sẽ xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với khoảng 85,6% số dòng thuế, tương đương 70,3% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU. Và tiếp đó, sau 7 năm kể từ khi Hiệp định có hiệu lực, EU sẽ xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với 99,2% số dòng thuế, tương đương 99,7% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam. Đối với khoảng 0,3% kim ngạch xuất khẩu còn lại, EU cam kết dành cho Việt Nam hạn ngạch thuế quan với thuế nhập khẩu trong hạn ngạch là 0%. Như vậy, có thể nói, gần như 100% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU sẽ được xóa bỏ thuế nhập khẩu sau một lộ trình ngắn.
Theo đánh giá của Bộ Công thương, cho đến nay, đây là mức cam kết cao nhất mà một đối tác dành cho chúng ta trong các FTA đã được ký kết. Lợi ích này đặc biệt có ý nghĩa khi EU liên tục là một trong hai thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam hiện nay.
Cơ hội nhiều, song cũng không ít thách thức khi FTA này thực thi. Bên cạnh những ưu đãi lớn về thuế quan, EVFTA cũng đặt ra những điều kiện, quy định khắt khe mà nếu DN Việt Nam không có sự chuẩn bị kỹ càng, sẽ khó có thể vượt qua được những rào cản đó. Bởi thực tế, mặc dù EVFTA xóa bỏ thuế nhập khẩu lên tới 99,2% số dòng thuế. Song, để được hưởng mức ưu đãi này, hàng xuất khẩu sang EU cần thoả mãn quy tắc xuất xứ. Nếu không đảm bảo được quy tắc xuất xứ, hàng xuất khẩu của Việt Nam sang EU chỉ được hưởng mức thuế đãi ngộ tối huệ quốc chứ không phải là mức thuế suất 0% trong EVFTA.
Bên cạnh đó, EU là thị trường có mức thu nhập cao, cũng là thị trường có chính sách bảo vệ người tiêu dùng chặt chẽ với những rào cản về kỹ thuật cho sản phẩm nhập khẩu là rất lớn. Do đó, hàng hóa Việt Nam muốn thâm nhập sâu rộng vào thị trường này cần phải chú ý một số vấn đề về quy tắc xuất xứ, các quy định về sở hữu trí tuệ, lao động, môi trường và các vấn đề về kỹ thuật. Đây cũng là những thách thức rất lớn đối với các DN Việt Nam...
Dù vậy, theo nhận định của TS. Võ Trí Thành, chuyên gia kinh tế, những sức ép này cũng chính là động lực, đòn bẩy để các DN Việt Nam nỗ lực tái cơ cấu, nâng sức cạnh tranh, hoàn thiện mình để phù hợp với thời kỳ hội nhập.
Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cũng cho rằng, sức ép sẽ đến với nền kinh tế và các DN Việt Nam, nhưng cạnh tranh luôn có tính hai mặt rõ ràng. Một mặt, cạnh tranh sẽ rất tiêu cực đối với các DN yếu kém, mặt khác những DN nào thực sự mạnh, thực sự khỏe sẽ có thể trụ vững và phát triển mạnh mẽ.