Nghĩa cử cao đẹp

Lê Anh Đức 13/02/2020 08:00

Những ngày qua, dư luận TP Hồ Chí Minh xôn xao bàn tán, hỏi nhau tên những người có tấm lòng Bồ tát nhưng lại không muốn ai biết đến họ. Đó là những người đã bỏ tiền túi ra mua 10 tấn dưa hấu của nông dân tỉnh Gia Lai, thuê xe chở về TP HCM phát miễn phí cho người dân.

Trong khi thương lái ép giá chỉ trả nông dân 800-1.000 đồng/kg dưa hấu, thì các Mạnh thường quân này sẵn sàng trả cho bà con nông dân 4.000 đồng/kg rồi mang đi phát miễn phí.

Nghĩa cử cao đẹp

Nhiều siêu thị bán dưa hấu không lợi nhuận để ủng hộ nông dân.

Những người có nghĩa cử cao đẹp như vậy nhưng lại không muốn mọi người biết đến thật là hiếm có, thật đáng nể phục và kính trọng.

Được biết, hiện nhiều nhà vườn tại tỉnh Gia Lai đang điêu đứng do dưa hấu tới mùa thu hoạch nhưng không tiêu thụ được vì ảnh hưởng của dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do virus corona chủng mới (Covid-19) gây ra. Lâu nay dưa hấu của bà con nông dân chủ yếu xuất khẩu sang Trung Quốc, nhưng nay do dịch bệnh bùng phát ở quốc gia này nên không tiêu thụ được. Bình thường giá dưa hấu dao động 8.000-10.000 đồng/kg, nhưng nay các thương lái chỉ thu mua của bà con nông dân với giá bèo (bằng 1/10 giá trị) khiến nhiều nông dân “khóc ròng”.

Theo tính toán, với giá thu mua của thương lái hiện nay thì bà con nông dân sẽ lỗ nặng, không đủ chi phí cho giống, phân bón... Từ thực tế đó, các vị Mạnh thường quân giấu tên đã bỏ tiền túi ra mua 10 tấn dưa hấu với giá 4.000 đồng/kg, đủ để bà con nông dân tỉnh Gia Lai có lời. Bỏ ra một số tiền không hề nhỏ mua dưa hấu giúp bà con nông dân tỉnh Gia Lai, nhưng các anh chị không mang bán, dù chỉ là bằng vốn đã mua. Không những thế, những người có lòng hảo tâm này còn thuê xe chở dưa hấu từ Gia Lai về TP HCM phát miễn phí cho người dân, mỗi người hai quả.

Phải mất thời gian tìm hiểu khá lâu mới biết được những người có tấm lòng bồ tát đó là anh Phong “bụi”, chị Tưởng và nhóm bạn đã âm thầm làm việc tốt mà không muốn báo chí nhắc đến tên của họ. Cả nhóm đã phải thức trắng đêm về Gia Lai thu mua dưa hấu của bà con nông dân, rồi thuê xe chở ngay về TP HCM vào sáng sớm cùng ngày kịp phát cho mọi người. Vốn là phát miễn phí, nhưng do có khá nhiều người dân TP HCM khi nhận dưa đề nghị được quyên góp để nhóm anh Phong, chị Tưởng lại có thể giúp đỡ thêm cho nông dân trồng dưa nên cả nhóm đã làm một thùng quyên góp tự nguyện.

Điều đáng nói là hầu hết những người nhận dưa hấu đều vui vẻ bỏ tiền vào thùng, người ít, người nhiều với mong muốn góp phần nhỏ bé của mình để “giải cứu” bà con nông dân. Khi khó khăn hoạn nạn càng rạng ngời lên sự sẻ chia, đùm bọc, tương thân tương ái của mọi tầng lớp trong xã hội. Chẳng riêng gì nhóm anh Phong, chị Tưởng, nhóm nhân viên một công ty ở quận 2, TP HCM cũng đã góp tiền mua 1,5 tấn dưa hấu của bà con nông dân tỉnh Gia Lai về phát miễn phí cho người dân Sài Gòn. Hay, lác đác có người mua vài trái, có người mua cả tạ, cả tấn để đi làm từ thiện.

“Phong trào giải cứu” nông dân không chỉ có ở riêng TP HCM mà còn lan rộng trên toàn quốc. Nhiều Mạnh thường quân, tình nguyện viên tự nguyện bỏ tiền túi ra mua dưa hấu và các mặt hàng nông sản, rồi mang bán được đồng nào hay đồng đó, với tinh thần giúp bà con nông dân là chính. Có không ít siêu thị nhập dưa hấu, thanh long vào bán hòa vốn, hoặcthậm chí là bán hộ để giảm bớt khó khăn cho bà con nông dân. Ở Hà Nội, từng hàng người xếp hàng mua dưa hấu, thanh long hết sức trật tự để giúp đỡ bà con nông dân, bởi người xưa từng nói của cho không quan trọng bằng cách cho.

Đặc biệt, biết tình hình khó khăn của bà con nông dân trong mùa dịch Covid-19, không thể tiêu thụ các sản phẩm nông sản, Đại sứ quán Qatar đã mua 4 tấn dưa hấu ủng hộ đồng bào miền Trung và phát miễn phí cho người dân tại Hà Nội sáng ngày 11/2. Theo chị Đặng Thị Thanh Hải -Thư ký Đại sứ quán Qatar tại Việt Nam, đây là ý tưởng của Đại sứ Mohamed Al-Emadi, vì ông theo dõi thông tin về nông sản Việt Nam đang không xuất khẩu được do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Đại sứ Mohamed Al-Emadi mong muốn bằng hành động nhỏ của ông để cùng chung tay giúp đỡ nông dân Việt Nam trong thời điểm này.

Từ ngàn đời nay, dân tộc Việt Nam có truyền thống tương thân tương ái, thương người như thể thương thân, lá lành đùm lá rách... Mỗi khi gặp khó khăn, thử thách thì truyền thống ấy lại có dịp bùng lên như những ngọn lửa làm ấm lòng mọi người. Đó còn là sự đoàn kết trăm người như một, “một con ngựa đau cả tàu không ăn cỏ”, cố gắng giúp đỡ nhau hết mức có thể trong khả năng để cùng nhau vượt qua khó khăn thử thách.

Lê Anh Đức