Lây nhiễm là vấn đề chính cần được quan tâm
Tại cuộc họp triển khai các biện pháp phòng chống dịch Covid-19 (nCoV) diễn ra sáng 12/2, Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường nhấn mạnh: Sự lây nhiễm dịch bệnh là vấn đề chính cần được quan tâm hiện nay, sau đó mới xét đến độc tố và điều trị. Vì nguy cơ lây nhiễm cao, chúng ta cần tập trung làm tốt công tác cách ly, khoanh vùng cách ly, dập dịch tại chỗ.
Cẩn thận, chu đáo trong khám chữa bệnh.
Sáng 12/2, tại cuộc họp triển khai các biện pháp phòng chống dịch Covid-19 (nCoV) do Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chủ trì, Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường cho biết, theo các số liệu nghiên cứu, tỷ lệ tử vong do nCoV khoảng 2 - 3%. Tuy tỷ lệ tử vong thấp nhưng dịch Covid-19 có tính lây nhiễm cao hơn virus SARS và các virus corona khác với độ lây nhiễm ở hệ số 2,5 - 4.
“Do đó, sự lây nhiễm dịch bệnh là vấn đề chính cần được quan tâm hiện nay, sau đó mới xét đến độc tố và điều trị. Vì nguy cơ lây nhiễm cao, chúng ta cần tập trung làm tốt công tác cách ly, khoanh vùng cách ly, dập dịch tại chỗ”-Thứ trưởng Trương Quốc Cường cho biết.
Đồng quan điểm, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn cho rằng, rút kinh nghiệm từ dịch sởi vào năm 2014, khi nhiều bà mẹ đưa con em đến Bệnh viện Nhi trung ương khám, gây lây nhiễm chéo tại chính bệnh viện, khiến tỷ lệ nhiễm và tử vong tăng cao. Do đó, ngay từ rất sớm, Bộ Y tế đã chỉ đạo phân tuyến (bệnh nhân) ở các cấp.
“Chúng tôi tập trung theo phương châm “4 tại chỗ”, cụ thể, phát hiện, chẩn đoán, cách ly, theo dõi được tổ chức ở các tuyến, đặc biệt các bệnh viện tuyến huyện và sau đó đến các tuyến cao hơn (tỉnh, trung ương) khi có các triệu chứng vượt quá khả năng điều trị thì (cơ sở y tế) sẽ đáp ứng nhu cầu điều trị của người bệnh”-Thứ trưởng Sơn nhấn mạnh.
Trước đó, tại cuộc họp hội đồng chuyên môn cập nhật, hoàn thiện hướng dẫn phòng và kiểm soát lây nhiễm dịch bệnh Covid-19, PGS.TS Lương Ngọc Khuê- Cục trưởng Cục Quản lý khám, chữa bệnh cho biết, Covid-19 là bệnh truyền nhiễm nhóm A và lây từ người qua người. Do đó, kiểm soát nhiễm khuẩn là nhiệm vụ hàng đầu để không lây nhiễm chéo trong bệnh viện (giữa người bệnh – người bệnh, giữa người bệnh – thầy thuốc, giữa người bệnh, thầy thuốc – cộng đồng).
Ông Khuê cho hay, hiện phân tuyến điều trị bệnh nhân ở Việt Nam hoàn toàn hợp lý, đúng với đặc tính của căn bệnh do chủng virus corona mới. Việc thu dung, điều trị, quản lý bệnh nhân nhiễm, nghi nhiễm được thực hiện từ tuyến huyện. Do đó, các bệnh viện phải quan tâm đến công tác cách ly, kiểm soát nhiễm khuẩn, chỉ chuyển tuyến trên khi quá khả năng điều trị. Việc phân tuyến này nhằm phát hiện sớm, điều trị kịp thời, không để bệnh nhân tử vong hay lây nhiễm chéo trong bệnh viện…
Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh cũng nhấn mạnh, với phương châm 4 tại chỗ phân tuyến điều trị tại các bệnh viện của Bộ Y tế, người dân hoàn toàn có thể yên tâm về công tác phòng, chống dịch bệnh.
“Người dân cần hết sức bình tĩnh không nên quá hoang mang, lo lắng, nên chủ động thực hiện các biện pháp phòng bệnh theo khuyến cáo của Bộ Y tế và đặc biệt nâng cao ý thức trong việc phòng chống dịch”- ông Khuê nêu.
Còn Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn khuyến cáo, người dân có những biểu hiện nghi nhiễm Covid-19 nên đến các tuyến cơ sở để khám bệnh. Tại đây, Bộ Y tế đã bố trí đội phản ứng nhanh để hỗ trợ các đơn vị địa phương khi gặp khó khăn trong công tác khám, chữa bệnh chẩn đoán cho người dân.
“Bộ Y tế đã tổ chức nhiều đợt tập huấn, cung cấp các trang thiết bị, vật tư y tế cần thiết cho các tuyến cơ sở cho nên, việc chẩn đoán, theo dõi, điều trị người bệnh có dấu hiệu liên quan đến dịch bệnh do Covid-19 hoàn toàn có thể thực hiện ở các cơ sở y tế địa phương”-Thứ trưởng Sơn cho biết.