Gỡ rào cản, thu hút đầu tư vào nông nghiệp
Quỹ đất, nguồn vốn, cơ chế chính sách, sự đồng hành của các địa phương… vẫn đang là những rào cản khiến doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp thấp, quy mô còn nhỏ.
Số doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp vẫn còn khiêm tốn.
Chưa khi nào xu hướng đầu tư vào nông nghiệp của các doanh nghiệp (DN), tập đoàn lại lớn như hiện nay. Trong 3 năm qua số doanh nghiệp đầu tư trực tiếp vào nông nghiệp đã tăng 3 lần, từ hơn 3.000 lên 11.800 DN, trải đều khắp các vùng miền và các lĩnh vực từ sản xuất đến chế biến và tiêu thụ nông sản.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Xuân Cường đánh giá: Số DN đầu tư vào lĩnh vực này vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu, mới chiếm 8% tổng số DN của cả nước. Đáng chú ý, số DN nông nghiệp có quy mô vừa và nhỏ chiếm gần 80%. “Quỹ đất, nguồn vốn, cơ chế chính sách, sự đồng hành của các địa phương… đang là những rào cản khiến doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp còn thấp, quy mô còn nhỏ” - Bộ trưởng thẳng thắn nêu hạn chế.
Phó Giám đốc Sở NNPTNT Hà Nội Tạ Văn Tường cho hay: Khó khăn lớn nhất là quỹ đất sạch cho DN. Để triển khai các mô hình nông nghiệp công nghệ cao, thành phố đã có cơ chế, chính sách thu hút DN vào đầu tư. Nhưng ở Hà Nội, một số DN cần quỹ đất từ 100 đến 150ha là yêu cầu rất khó đáp ứng. Đây cũng là thực trạng chung của nhiều địa phương trong cả nước.
Về thực trạng khó tiếp cận nguồn vốn, bà Nguyễn Thị Phương Liên - Giám đốc Công ty cổ phần Nông nghiệp hữu cơ Tuệ Viên (Hà Nội) tâm tư: để có nguồn vốn đầu tư vào khâu chế biến các sản phẩm từ cây ổi, công ty cần từ 10 tỷ đồng đến 20 tỷ đồng, song các thủ tục xác nhận, chứng minh tài sản… tiếp tục cản trở việc tiếp cận nguồn vốn từ các ngân hàng thương mại.
Tuy nhiên, cũng có sự chậm trễ từ các địa phương khi Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Võ Thành Thống thông tin: Theo Điều 19, Nghị định số 57/2018/NĐ-CP về cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn ngày 17/4/2018 của Chính phủ, các địa phương phải ban hành 5 cơ chế, chính sách để thực hiện. Nhưng báo cáo của các địa phương gửi về Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đến nay chỉ có 20/63 tỉnh, thành phố đã ban hành chính sách đặc thù; chưa có tỉnh, thành phố nào ban hành cơ chế thúc đẩy tập trung đất đai và chỉ 3/63 tỉnh, thành phố ban hành quyết định chủ trương đầu tư về danh mục dự án khuyến khích đầu tư…
Nhằm gỡ khó để thu hút DN đầu tư vào nông ngiệp, Chính phủ ban hành Nghị quyết về giải pháp khuyến khích, thúc đẩy DN đầu tư vào nông nghiệp hiệu quả, an toàn và bền vững nhằm thúc đẩy, khuyến khích DN đầu tư vào nông nghiệp. Mục tiêu phấn đấu đến năm 2030 có 80.000 đến 100.000 DN hoạt động đầu tư kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp hiệu quả, trong đó khoảng 3.000 đến 4.000 DN quy mô lớn và 6.000 đến 8.000 DN quy mô vừa.
Ông Đinh Ngọc Minh, Phó Vụ trưởng Vụ Kinh tế nông nghiệp (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho biết, Chính phủ yêu cầu Ngân hàng Nhà nước Việt Nam nghiên cứu, chỉ đạo các tổ chức tín dụng cân đối nguồn vốn, đáp ứng nhu cầu phát triển nông nghiệp - nông thôn. Nghị quyết cũng yêu cầu Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành và địa phương nghiên cứu, đề xuất, điều chỉnh chính sách thuế nhằm khuyến khích DN đầu tư vào nông nghiệp, bảo đảm ổn định chính sách vĩ mô…
Ở góc nhìn chuyên gia, PGS.TS Đinh Dũng Sỹ - Vụ trưởng Vụ Pháp luật, Văn phòng Chính phủ cho rằng, Nhà nước với vai trò “bà đỡ” cần xây dựng các chính sách ưu đãi, thay đổi cơ chế cho DN, hợp tác xã để đưa khoa học, công nghệ hiện đại vào nông nghiệp. Các DN, hợp tác xã, các tổ chức liên kết của người nông dân khi ứng dụng khoa học công nghệ cần được tiếp cận vốn tín dụng với lãi suất ưu đãi, thủ tục đơn giản, được giảm thuế thu nhập, được khuyến nông - khuyến ngư, cũng như được cung cấp miễn phí các thông tin về sản phẩm, về thị trường...
Với vai trò chủ đạo, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cũng cho biết, Bộ NNPTNT sẽ tiếp tục cùng các địa phương quy hoạch vùng sản xuất. Phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn quốc gia, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia trong lĩnh vực nông nghiệp…
Tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng, cùng với hỗ trợ của Nhà nước cũng như các bộ, ngành thì vấn đề quan trọng nhất là các địa phương phải nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, trên cơ sở lợi thế tự nhiên để đưa ra các chính sách khuyến khích DN vào đầu tư.