Mối nguy đến từ nước sát khuẩn rởm

Thanh Hà 13/02/2020 08:00

Với một số vụ do cơ quan chức năng phát hiện cho thấy, nhiều cơ sở sản xuất dung dịch sát khuẩn, nước xịt tay sạch khuẩn... không có hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ, gia tăng nguy cơ nhiễm bệnh đến từ đây trong khi dịch bệnh nCoV đang diễn biến phức tạp.

Mối nguy đến từ nước sát khuẩn rởm

Cơ quan chức năng kiểm tra nước lọc và dung dịch nước xịt tay sạch khuẩn.

Theo Bác sĩ chuyên khoa II Bùi Quang Hào - Trưởng khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn (Bệnh viện Da liễu trung ương) sử dụng nước sát khuẩn rởm không những không sạch mà còn làm tăng nguy cơ lây nhiễm bệnh. Do tính tiện dụng, có thể bỏ túi mà nhiều người dân đã tìm mua các loại dung dịch sát khuẩn vì cho rằng có thể ngăn ngừa được sự lây lan của virus. Bác sĩ Hào cho rằng, với dung dịch sát khuẩn đạt chuẩn sẽ diệt được phần lớn vi sinh vật bám trên bề mặt da. Đa số các loại nước sát khuẩn có hương vị dễ chịu. Loại dung dịch này không gây kích ứng/dị ứng da (như đỏ da, khô/tróc vảy da, ngứa), có thể làm mềm da. Khi một lượng nhỏ dung dịch sát khuẩn vô tình bay vào mắt, mũi, miệng hoặc thực phẩm thì không gây nguy hiểm.

Thành phần của dung dịch sát khuẩn thường bao gồm những chất có tác dụng khử khuẩn (như ethanol, isopropanol, chlorhexidine), chất giữ ẩm (glycerin) và nước cất. Nồng độ cồn sử dụng trong dung dịch khử khuẩn phải phù hợp để tránh làm đông vón lớp protein trên bề mặt vi khuẩn, virus mất tác dụng diệt khuẩn.

BS Hào cảnh báo, khi sử dụng phải dung dịch sát khuẩn không rõ nguồn gốc (rởm) thì tiềm ẩn 2 nguy cơ thường gặp đó là: Dung dịch sát khuẩn nhưng không có tác dụng sát khuẩn, diệt khuẩn (do thành phần hoạt chất, nồng độ... không đảm bảo quy chuẩn) và như vậy rất dễ làm tăng nguy cơ lây nhiễm bệnh. Nước sát khuẩn rởm dễ gây ra phản ứng phụ tại chỗ (như viêm da kích ứng hoặc dị ứng) hoặc gây độc hại khi dung dịch bay vào mắt, mũi, miệng hoặc thức ăn.

Vì thế, người dân nên chọn mua dung dịch sát khuẩn, nước rửa tay ở những cơ sở sản xuất có địa chỉ, nhãn mác rõ ràng (đã được Cục Quản lý Dược, Bộ Y tế cấp phép) và thực hiện rửa tay nhiều lần trong ngày. Chú ý lau chùi bằng dung dịch sát khuẩn các vật dụng như tay nắm cửa, tay vịn cầu thang, bàn phím máy tính, điện thoại...

Cũng cần lưu ý rằng, chỉ nên chà tay bằng dung dịch cồn sát khuẩn nhanh khi không nhìn thấy vết bẩn bằng mắt thường. Trường hợp nếu có vết bẩn nhìn thấy bằng mắt thường thì rửa tay bằng dung dịch rửa tay, xà phòng diệt khuẩn sẽ mang lại hiệu quả hơn.

Theo Luật sư Phạm Huy Tuyến - Đoàn Luật sư Hà Nội, việc làm giả nước rửa tay sát khuẩn rất nguy hiểm vì gây mất an toàn đối với sức khoẻ người sử dụng. Tổ chức, cá nhân thực hiện hành vi này có thể bị xử lý hình sự. Bởi với sản phẩm nước sát khuẩn, nếu sản phẩm này không đảm bảo chất lượng sẽ không có tác dụng phòng chống dịch bệnh, đe dọa sự an toàn về sức khỏe, tính mạng người dân. Do vậy, theo quy định hiện hành, tổ chức, cá nhân có hành vi buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng tùy theo tính chất, mức độ vi phạm và hậu quả sẽ bị xử lý hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự. Cụ thể, Điều 192 Bộ luật Hình sự 2015 về tội sản xuất, buôn bán hàng giả quy định, người nào sản xuất, buôn bán hàng giả thuộc một trong các trường hợp quy định tại Khoản 1 điều này thì bị phạt tiền từ 100 triệu đồng đến 1 tỷ đồng hoặc phạt tù từ 1-5 năm. Phạm tội thuộc 1 trong các trường hợp quy định tại Khoản 3 sẽ bị phạt tù từ 7-15 năm. Pháp nhân thương mại phạm tội thuộc trường hợp quy định tại Khoản 3 Điều 192 thì bị phạt tiền từ 1 đến 9 tỷ đồng, đình chỉ hoạt động từ 6 tháng đến 3 năm, thậm chí bị đình chỉ vĩnh viễn.

Bạn có biết?

Tiêm phòng cúm làm giảm nguy cơ nhập viện ở trẻ nhỏ

Các nhà khoa học tại Đại học Ben-Gurion (Israel) và Đại học Michigan (Mỹ) đã phân tích dữ liệu tiêm chủng từ hơn 3.700 trẻ em từ 6 tháng đến 8 tuổi được đưa vào 6 bệnh viện ở Israel cho thấy, việc tiêm vaccine phòng cúm có thể giúp giảm 54% nguy cơ nhập viện do các biến chứng liên quan đến cúm ở trẻ. Những phát hiện này cũng ủng hộ các khuyến nghị của các tổ chức y tế rằng trẻ em nên tiêm phòng cúm hàng năm, tốt nhất là trước khi bắt đầu mùa đông và đặc biệt là trong thời thơ ấu vì trẻ em dưới 5 tuổi có nguy cơ cao bị biến chứng do cúm.

TS. Hannah Segaloff - Trường Y tế công cộng thuộc Đại học Michigan cho biết, hơn một nửa dân số trong nghiên cứu có các điều kiện cơ bản có thể khiến trẻ có nguy cơ cao bị các biến chứng liên quan đến cúm nghiêm trọng, vì vậy, việc ngăn ngừa cúm trong nhóm này là rất quan trọng.

Tẩm muối, dầu tràm vào khẩu trang có diệt được virus corona?

Trước dư luận cho rằng đốt bồ kết ở nhà, bôi dầu tràm vào khẩu trang, ngâm muối vào khẩu trang có thể diệt virus corona chủng mới, GS Lê Ngọc Thành- Giám đốc Bệnh viện E trung ương cho biết, đến nay chưa có bất kỳ nghiên cứu và kết luận chính thức nào về việc phòng chống virus corona theo các phương pháp này. Theo GS Thành, những kinh nghiệm dân gian của ông cha ngày xưa như đốt bồ kết, ăn tỏi, bôi dầu tràm… giúp bảo vệ niêm mạc, có tác dụng tăng sức đề kháng trước các bệnh do virus chứ không có bằng chứng khoa học có thể diệt được virus corona. Tương tự, PGS.TS Phạm Như Hả cho rằng, việc đốt bồ kết giúp làm ấm không khí làm ngăn cản virus, ngậm muối để bảo vệ niêm mạc tại chỗ. Dân gian cũng hay uống nước gừng, quất mật ong, cánh hoa hồng… để bảo vệ niêm mạc, đỡ kích thích niêm mạc. Những phương pháp này giúp tăng sức đề kháng chứ không có bằng chứng khoa học có thể diệt virus corona (virus corona chủng mới lại càng không thể).

M.Thủy

Thanh Hà