Sách giáo khoa lớp 1: Lựa chọn theo từng môn học
Trước băn khoăn của nhiều người về việc lựa chọn liệu việc lựa chọn SGK lớp 1 trong chương trình giáo dục phổ thông mới (GDPT) tới đây, liệu các nhà trường, địa phương có nhất thiết phải chọn sách theo từng bộ hay không? PGS.TS Nguyễn Xuân Thành- Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học, Bộ GDĐT cho hay: lựa chọn SGK không nhất thiết phải theo bộ mà chọn theo từng môn học, hoạt động giáo dục.
Sở GDĐT có trách nhiệm tham mưu UBND tỉnh, TP quy định cụ thể tiêu chí lựa chọn SGK phù hợp.
Các trường lựa chọn SGK lớp 1
Theo Thông tư hướng dẫn lựa chọn SGK trong cơ sở GDPT mới ban hành của Bộ GDĐT, hai tiêu chí lựa chọn SGK là phải phù hợp với đặc điểm kinh tế - xã hội của địa phương cũng như phù hợp với điều kiện tổ chức dạy - học tại cơ sở giáo dục phổ thông. Những hướng dẫn triển khai thực hiện Chương trình GDPT mới đã hoàn thiện và trách nhiệm các bên liên quan trong việc chọn SGK mới được xác định rõ ràng. Tuy nhiên, trên thực tế vẫn còn những băn khoăn về tiêu chí cụ thể trong quá trình chọn sách, về việc chọn sách theo bộ hay chọn theo từng môn trong mỗi bộ sách?
Xung quanh vấn đề này, ông Nguyễn Xuân Thành chia sẻ: Căn cứ tiêu chí chọn SGK quy định trong Thông tư, sở GDĐT có trách nhiệm tham mưu UBND tỉnh, TP quy định cụ thể tiêu chí lựa chọn SGK phù hợp. Nghĩa là cần cụ thể hóa đặc điểm kinh tế - xã hội của địa phương (môi trường tự nhiên, địa lý, lịch sử, văn hóa, xã hội; ngành, nghề sản xuất, kinh doanh, dịch vụ...) làm căn cứ lựa chọn SGK có ngữ liệu, thông tin (thể hiện qua kênh chữ, kênh hình) phù hợp để tạo thuận lợi cho việc gắn kiến thức với thực tiễn tại địa phương. Sở cũng cần cụ thể hóa điều kiện dạy và học trong các nhà trường (cơ sở vật chất, thiết bị dạy học) làm căn cứ để lựa chọn SGK có cách thức thể hiện phù hợp, tạo thuận lợi cho việc đổi mới phương pháp, hình thức tổ chức dạy học.
Theo quy trình chọn SGK, Hội đồng lựa chọn SGK của các trường sẽ do người đứng đầu nhà trường thành lập. Mỗi trường thành lập một hội đồng, đối với trường phổ thông có nhiều cấp học, mỗi cấp học thành lập một hội đồng. Các tổ chuyên môn sẽ tổ chức nghiên cứu, thảo luận và đánh giá SGK của các môn học thuộc chuyên môn phụ trách theo tiêu chí lựa chọn. Giáo viên bỏ phiếu kín lựa chọn một đầu sách cho mỗi môn học thuộc phạm vi đánh giá, lựa chọn của tổ chuyên môn. Sau đó, tổ chuyên môn báo cáo hội đồng danh mục SGK được lựa chọn, sắp xếp theo thứ tự số phiếu đồng ý lựa chọn từ cao xuống thấp. Hội đồng sẽ họp, thảo luận, đánh giá SGK trên cơ sở danh mục SGK do các tổ chuyên môn đề xuất chọn theo các nguyên tắc quy định và tiêu chí lựa chọn. Như vậy, việc lựa chọn SGK không nhất thiết phải theo bộ mà chọn theo từng môn học, hoạt động giáo dục.
Đánh giá chương trình theo chuẩn đầu ra
Trên thực tế, khi giao việc chọn SGK cho mỗi nhà trường thì sẽ có thể dẫn tới một quận, huyện có nhiều bộ SGK được lựa chọn vì mỗi trường chọn 1 bộ. Một băn khoăn cũng đang được đặt ra: Điều này có ảnh hưởng chất lượng dạy và học, đến quản lý, kiểm tra, đánh giá không? Theo ông Thành: Việc đổi mới chương trình, SGK lần này khác với trước đây. Bộ GDĐT đã ban hành chương trình GDPT bao gồm chương trình tổng thể và các chương trình môn học. Việc dạy học, kiểm tra, đánh giá và thi phải theo chương trình; đáp ứng mục tiêu, nội dung, yêu cầu cần đạt quy định tại chương trình. Mọi SGK đều phải đáp ứng yêu cầu của chương trình mới được phê duyệt, cho phép sử dụng. Trong cùng một bài học hay chủ đề theo chương trình môn học, với cùng nội dung kiến thức, các SGK khác nhau có cách thể hiện khác nhau, sử dụng ngữ liệu, thông tin khác nhau nhưng đều phải chuyển tải cùng nội dung kiến thức đó. Vì vậy, các trường có thể sử dụng các SGK khác nhau cho cùng một môn học, hoạt động giáo dục nhưng không ảnh hưởng hay khó khăn gì trong quản lý, kiểm tra, đánh giá. Ông Thành cũng nhấn mạnh việc dạy học, kiểm tra, đánh giá và thi phải theo chương trình, đáp ứng mục tiêu, nội dung, yêu cầu cần đạt quy định tại chương trình.
Nhiều phụ huynh cũng bày tỏ băn khoăn việc nắm bắt, theo dõi quá trình học tập của con khi mỗi trường tiểu học lựa chọn SGK khác nhau dẫn tới tình huống học sinh gặp khó khăn khi phải chuyển trường hoặc một gia đình có hai con học ở hai trường khác sẽ có hai bộ SGK khác nhau… Về điều này, ông Thái Văn Tài- Vụ Trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học (Bộ GDĐT) lý giải rõ hơn: Ở lần đổi mới này chương trình là pháp lệnh. Trong chương trình ban hành có chương trình tổng thể và chương trình môn học. Trong chương trình môn học chi tiết hóa những yêu cầu cần đạt của chương trình và từ những yêu cầu cần đạt đó thì SGK là cụ thể hóa phương án tổ chức thực hiện để hình thành nên yêu cầu cần đạt của mỗi học sinh. Vì vậy, sau này việc tổ chức đánh giá sẽ theo chuẩn đầu ra của chương trình chứ không phải theo ngữ liệu SGK.
Nếu có tình huống chuyển trường, các con có thể học sách này hay sách kia nhưng cùng một chương trình, cùng chuẩn đầu ra. SGK là phương tiện để học sinh hình thành nên kĩ năng, năng lực so với chương trình quy định chứ không hề có sự khác biệt. Chuyển đổi sách học cũng đều nằm trong khung chương trình quy định. Vì vậy, phụ huynh học sinh cần biết và nên yên tâm để có sự đồng thuận tự tin thống nhất, không phải quá lo lắng.
Theo quy định, các trường phải hoàn thành việc chọn SGK trước khi bắt đầu năm học mới ít nhất 4 tháng. Như vậy, đến ngày 30/4, các NXB đã có đầy đủ thông tin về danh mục, số lượng SGK do các Sở GDĐT cung cấp để thực hiện việc in, phát hành phục vụ năm học 2020-2021.
Theo ông Nguyễn Văn Tùng- Phó Tổng biên tập NXB Giáo dục Việt Nam: Hiện nay NXB Giáo dục Việt Nam đang tổ chức in và sẽ chuyển 50.000 bộ SGK (thuộc cả 4 bộ sách của NXB Giáo dục Việt Nam) tới các cơ sở giáo dục và đào tạo tại 63 tỉnh thành trong cả nước để giáo viên nghiên cứu, lựa chọn và góp ý. Giá SGK hiện đang thực hiện các thủ tục kê khai và xét duyệt theo quy định. Khi giá bán được phê duyệt, NXB Giáo dục Việt Nam sẽ tổ chức in sách giáo khoa để phát hành chính thức cùng giá bán trên bìa 4.
Cùng với sách giáo khoa giấy, NXB Giáo dục Việt Nam đã đưa phiên bản điện tử của SGK để giáo viên và phụ huynh có thể tham khảo, lựa chọn.