Làng trong phố
Đô thị hóa, hiện đại hóa là quy luật của sự phát triển. Nhưng không vì thế mà làm mất đi, hoặc đánh đổi bằng mọi giá các giá trị truyền thống tốt đẹp của mình. Lịch sử Hà Nội là lịch sử phát triển của một đô thị từ làng lên phố và trong phố có làng.
Cổng làng Đông Xã nằm trên phố Thụy Khuê, Hà Nội. (Ảnh: Hữu Thắng).
1. Nói đến Hà Nội, là nói đến vùng đất thiêng, đất “Rồng bay” có đến hơn ngàn năm tuổi. Không rõ cư dân đầu tiên đặt chân lên đất kinh kỳ để làm ăn, buôn bán là ai, chỉ biết rằng, trước khi kinh thành Thăng Long được xây dựng vào năm 1010, thì nơi đây đã là vùng đất trù phú, cư dân đông đúc. Thành Thăng Long có hai khu vực chính, đó là nội thành và ngoại thành. Nội thành là nơi vua ở, là trung tâm hành chính-chính trị của nhà nước tập quyền. Còn ngoại thành là khu vực thị dân bao gồm các làng xóm nông nghiệp, phố phường buôn bán và hệ thống chợ, bến thuyền… Khu phố cổ Hà Nội, xưa thường gọi là khu 36 phố phường, được hình thành từ đấy. Gọi là thị dân, nhưng thực chất cũng vẫn là nông dân từ các làng nghề ven đô và nhiều nơi khác quần tụ về làm ăn buôn bán. Lâu dần thành phường, thành phố. Và những người nông dân ấy chính là thế hệ cư dân đô thị đầu tiên của lịch sử phát triển Hà Nội. Cho đến tận hôm nay, đường phố trong khu phố cổ vẫn còn các tên gọi: Hàng Ngang, Hàng Bông, Hàng Đào, Hàng Đường, Hàng Mắm, Hàng Bạc, Hàng Thiếc, Hàng Cân, Hàng Hòm… hay Lò Sũ, Lò Vôi .v.v…và nơi đây cũng có rất nhiều ngôi chùa, đình, đền, miếu… những di tích kiến trúc đặc trưng của cấu trúc làng. Đó chính là nét văn hóa độc đáo của khu phố cổ Hà Nội.
Trải qua hơn ngàn năm phát triển, sau nhiều lần đô thị hóa, kể từ cuộc đô thị hóa sơ khai lịch sử, do vua Lý Thái Tổ (tức Lý Công Uẩn) tiến hành, bằng việc chọn đất, dời đô từ Hoa Lư (Ninh Bình) đến Thăng Long định đô, đến nay diện mạo kiến trúc đô thị Hà Nội đã không ngừng biến đổi. Những nông dân vốn quen trồng lúa, trồng rau, làm nghề thủ công… từ các nơi tụ hội về ngoài thành Thăng Long thủa xưa chính là những cư dân đô thị đầu tiên của lịch sử đô thị Hà Nội. Nói như thế để thấy rằng, vì sao, cho đến những năm đầu thế kỷ 21, nét đặc trưng của cấu trúc thành phố này bao gồm các làng truyền thống và làng nghề vẫn không thay đổi. Cũng như mối quan hệ “ phố- làng” và “ văn minh đô thị - văn hóa làng” vẫn cứ tồn tại, hòa quyện với nhau, thậm chí còn đan xen chặt chẽ, nhằng nhịt (kể cả mặt tiêu cực) thể hiện qua kiến trúc, lối sống, hành vi ứng xử, lề thói và cả trong cung cách quản lý của thành phố có ngàn năm tuổi.
2. Cách đây vài năm, Giáo sư Nguyễn Hải Kế, một nhà nghiên cứu về làng Việt, đã từng cho rằng, đến hôm nay, Hà Nội vẫn chưa thể là một đô thị hoàn chỉnh, “ mà vẫn chỉ ở phía bên kia làng xã!”. Đây là một nhận xét thú vị. Vì suy cho cùng, dù phát triển mạnh mẽ theo hướng hiện đại, với tốc độ đô thị hóa nhanh trong khoảng mười lăm năm trở lại đây, thì không gian đô thị Hà Nội vẫn luôn có một phần nông thôn trong đó. Năm 2008, sau khi mở rộng địa giới hành chính, cơn lốc đô thị hóa đã rất nhanh chóng tràn đến một vùng nông thôn rộng lớn của tỉnh Hà Tây cũ, đã làm biến đổi cưỡng bức rất nhiều làng truyền thống, trong đó có cả các làng Việt cổ và làng nghề cổ truyền.
Đô thị hóa với việc hàng ngàn vạn ha đất nông nghiệp bị chuyển đổi để xây khu công nghiệp, khu đô thị mới, khu du lịch nghỉ dưỡng, resort và cả sân golf. Hôm qua còn là nông dân lam lũ, vất vả, quanh năm chân lấm tay bùn, sau một đêm ngủ dậy, ruộng nhà mình bị mất, thay vào đó là một đống tiền đền bù. Từ nghèo hèn bỗng trở nên giầu có! Thế là cả làng đua nhau phá bỏ những ngôi nhà ba gian hai chái, chặt bớt hàng cau, khóm chuối để xây nhà tầng, mua sắm ti vi, tủ lạnh, xe máy như trên phố huyện. Cái cổng làng bình dị, rêu phong, xù xì rễ đa, rễ duối cuốn quanh… có đến gần trăm tuổi, vốn xưa chỉ để người, trâu bò và xe cải tiến, nay phá dỡ để mở đường cho rộng, trải bê tông cho xe công nông và xe ô tô đời mới chạy. Những không gian xanh của làng như rặng tre, vườn cây, bờ ao bị chặt phá, san lấp để lấy chỗ xây nhà. Thậm chí cả vườn chùa, đất chùa, các không gian thiêng cũng bị thu hẹp. Các kiến trúc tín ngưỡng đặc trưng của làng như đình, chùa, đền, miếu vẫn còn giữ được, nhưng nhiều di tích đã và đang bị xuống cấp, hư hỏng. Nếu được trùng tu, sửa chữa thì lại bị biến dạng theo kiểu xây dựng mới như chuyện gác chuông, nhà tổ chùa Trăm Gian. Những làng cổ nổi tiếng như làng Nhật Tân, Ngọc Hà, Ngũ Xá, Láng, Bưởi…đã dần biến mất, thay vào đó là phường, là phố, có chăng cái còn lại như nhân chứng là những cổng làng, vài ngôi đình, chùa và lối sống truyền thống yếu ớt của văn hóa làng mà những lớp người già, cao niên đang cố lưu giữ. Còn ở khu vực vành đai 3, nơi đang đô thị hóa mạnh mẽ, thì nhiều làng cổ, làng nghề đã thành phường, thành phố cũng đang mất dần bản sắc truyền thống lâu đời của mình như làng Cự Đà, làng xóm quanh khu vực Mỹ Đình. Xa hơn nữa, thì Đường Lâm, ngôi làng cổ duy nhất cả nước được xếp hạng Di tích văn hóa quốc gia đặc biệt, cũng đang phải vật vã giải quyết mâu thuẫn gay gắt giữa bảo tồn và phát triển khi mà nhu cầu sống cuộc sống của người dân đang đòi hỏi hàng ngày. Nhưng may thay, giữa cơn lốc đô thị hóa, còn nhiều làng nghề truyền thống, làng cổ như làng Đông Ngạc, Đa Sĩ, Sơn Đồng,Vạn Phúc, Bát Tràng.. vẫn lưu giữ được nghề truyền thống hay cấu trúc cơ bản của làng thuần Việt với hệ thống đường xương cá lát gạch nghiêng đỏ au hình mu rùa; các kiến trúc công cộng, tín ngưỡng như đình, đền, chùa, miếu; những ngôi nhà gỗ cổ truyền lợp ngói ta ẩn khuất trong vòm cây xanh mát rượi…
Đô thị hóa, hiện đại hóa là quy luật của sự phát triển. Nhưng không vì thế mà làm mất đi, hoặc đánh đổi bằng mọi giá các giá trị truyền thống tốt đẹp của mình. Lịch sử Hà Nội là lịch sử phát triển của một đô thị từ làng lên phố và trong phố có làng. Vậy làm thế nào để bảo tồn được các làng truyền thống của Hà Nội trong quá trình phát triển? Đây là bài toán khó, cần có những lời giải khách quan, khoa học và không duy ý chí. Bảo tồn là giữ gìn, bảo vệ sự tồn tại nào đó, để cho nó không mất đi, chứ không phải để cho nó phát triển. Chúng ta phải chấp nhận sự thay đổi, chấp nhận những yếu tố mới phù hợp với cuộc sống hôm nay trong không gian làng cổ. Nhiều ngôi nhà hai, ba tầng kiến trúc hiện đại, tiện nghi sẽ được mọc lên thay thế ngôi nhà ba gian hai chái lợp ngói cũ kỹ. Nhiều con đường làng nhỏ hẹp lát gạch nghiêng xưa cũ sẽ trở thành những con đường bằng bê tông rộng rãi với hệ thống tiêu thoát nước, để thuận tiện cho hoạt động sản xuất và cuộc sống của một nông thôn mới. Nhưng chúng ta phải cố gắng giữ gìn các thành tố cơ bản tạo nên cấu trúc làng Việt truyền thống, đó là các di tích vật thể như đình, đền, chùa, miếu, ao làng, giếng làng, không gian cảnh quan cây xanh mặt nước. Các di sản văn hóa phi vật thể như lễ hội truyền thống, trò chơi dân gian, điệu hát ru, ca dao tục ngữ, lối sống nhân ái trọng tình làng, nghĩa xóm, theo kiểu “chị ngã em nâng”, “lá lành đùm lá rách”…
Vĩ thanh…
Tôi là người hay hoài niệm mỗi khi nghĩ về làng. Nhưng cuộc sống luôn hướng về phía trước và phải có thói quen chấp nhận. Trẻ con sinh ra ở phố giờ không phân biệt được con bê với con nghé. Tai trâu mọc ở trên hay dưới cặp sừng. Âu đó là điều dễ hiểu, nếu như ở lớp mẫu giáo, hay ở nhà người lớn không mấy khi kể cho chúng nghe câu chuyện về làng hay thi thoảng (năm một hai lần) đưa trẻ về thăm làng?!
Hà Nội đến năm 2050 chắc là sẽ có quá nhiều thay đổi. Một Hà Nội hiện đại, văn minh của thời cách mạng công nghiệp 4.0 với đô thị thông minh, với trí tuệ nhân tạo, internets kết nối vạn vật và công nghệ số. Khi ấy, lớp chủ nhân mới của Hà Nội tuổi độ 20, 30 sẽ sống trong các căn hộ cao cấp, đầy đủ tiện nghi. Đi lại trong thành phố bằng tầu điện ngầm, tầu điện trên cao, xe buýt nhanh hay trên những chiếc ô tô đời mới nhất chạy bằng năng lượng sạch. Và cũng khi ấy, không biết những ngôi làng cổ của Hà Nội ngày hôm nay liệu có còn không, hay sẽ lại trở thành phố, thành phường với muôn vàn tòa nhà cao tầng bằng bê tông, thép và kính lạnh lẽo, vô hồn.
Và nếu điều đó xảy ra thì thật đáng tiếc! Bởi vì Hà Nội sẽ bị mất một phần hồn cốt của mình, hồn cốt của một đô thị hình thành và phát triển vốn từ “làng lên phố và trong phố có làng!”.