Tuyển sinh đại học năm 2020: Giữ ổn định và minh bạch thông tin
Chiều ngày 13/2, Bộ GDĐT tổ chức Hội nghị tổng kết tuyển sinh năm 2019, triển khai công tác tuyển sinh năm 2020 trình độ đại học (ĐH) hệ chính quy, trình độ cao đẳng (CĐ) ngành giáo dục mầm non hệ chính quy.
Kỳ thi đại học luôn nhận được sự quan tâm của xã hội.
Điểm lại những điểm tích cực trong mùa tuyển sinh năm 2019, Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH Nguyễn Thị Kim Phụng cũng chỉ ra một số hạn chế cần khắc phục. Đó là một số cơ sở đào tạo xác định tổ hợp không phù hợp với ngành đào tạo; quy định ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào thấp hoặc nhập điểm sàn, các điều kiện sơ tuyển lên hệ thống không đúng với đề án tuyển sinh đã công bố… Tỷ lệ thí sinh trúng tuyển, nhập học vào ngành sư phạm thấp. Một số ngành chỉ có ít thí sinh đủ điểm sàn, không đủ điều kiện để mở lớp… Một số cán bộ làm công tác tuyển sinh chưa nắm bắt được quy trình và nhiệm vụ, thậm chí còn có sai sót…Còn hiện tượng nhập thiếu, không nhập, nhập không đúng thời gian, cấu trúc, nội dung… theo quy định về việc nhập danh sách thí sinh trúng tuyển, thí sinh xác nhận nhập học, thí sinh đã nhập học lên hệ thống... Có điểm tiếp nhận chưa kiểm tra hồ sơ thí sinh hoặc không hướng dẫn hiệu quả cho học sinh (ví dụ chính sách ưu tiên); dẫn đến khi nhập học không được chấp nhận phải giải quyết từng trường hợp với các trường liên quan.
Tỷ lệ thí sinh trúng tuyển đợt 1 cao (115,39% chỉ tiêu) nhưng nhập học thấp (63,89% so với số trúng tuyển) do trường không nhập đầy đủ danh sách xác nhận nhập học lên hệ thống. Một số trường phổ thông còn chạy theo thành tích về tỷ lệ học sinh đỗ ĐH…
Bộ trưởng Bộ GDĐT Phùng Xuân Nhạ cũng nhận định công tác tuyển sinh năm 2019 vẫn có những vấn đề cần rút kinh nghiệm. “Năm 2020 chúng ta cần làm tốt hơn nữa”- Bộ trưởng yêu cầu và nhấn mạnh tinh thần chung là giữ ổn định tuyển sinh ĐH 2020. Từ năm 2021-2025 là giai đoạn tiếp theo Bộ GDĐT đang nghiên cứu để trình Chính phủ phương án thi tốt nghiệp THPT.
Về những điểm mới trong tuyển sinh 2020, bà Nguyễn Thị Kim Phụng cho biết, dự kiến quy chế tuyển sinh sẽ tích hợp các nội dung điều chỉnh tuyển sinh đào tạo chính quy, vừa làm vừa học, văn bằng 2... vào cùng một quy chế tuyển sinh trình độ ĐH, trình độ CĐ ngành Giáo dục Mầm non để dễ tra cứu, áp dụng. Ngoài ra sẽ tiếp tục quy định tiêu chí xác định ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào đối với nhóm ngành đào tạo giáo viên, sức khỏe. Nhưng trên cơ sở sẽ bổ sung quy định ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào đồng bộ giữa các hình thức, loại hình đào tạo của hai khối ngành này.
Đối với các ngành đào tạo giáo viên và các ngành y khoa, y học cổ truyền, răng - hàm - mặt, dược học, điểm trung bình cộng xét tuyển sử dụng kết quả học tập THPT trình độ ĐH phải tối thiểu là 8,0 trở lên.
Một điểm mới nữa trong tuyển sinh năm 2020 là Bộ sẽ không giao chỉ tiêu tuyển sinh các ngành đào tạo sư phạm trình độ trung cấp; trình độ CĐ, chỉ giao chỉ tiêu đào tạo giáo viên mầm non. Thực hiện việc này để phù hợp với quy định của Luật Sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Giáo dục chính thức có hiệu lực từ ngày 1/7/2020.
Năm 2020 cũng sẽ quy định chế tài chặt chẽ đối với các trường vi phạm, đối với cán bộ, công chức, người lao động và thí sinh vi phạm, đặc biệt là thí sinh gian lận, liên quan đến gian lận trong thi, tuyển sinh… để nâng cao tính tuân thủ pháp luật trong điều kiện thực hiện tự chủ ĐH.
Chưa quyết định lùi kỳ thi THPT quốc gia
Theo Thứ trưởng Bộ GDĐT Nguyễn Hữu Độ, Bộ sẽ cân nhắc về việc có lùi thời điểm thi THPT quốc gia và các mốc thời gian xét tuyển ĐH so với mọi năm trên nguyên tắc đảm bảo quyền lợi cho học sinh, nhưng khả năng lớn là không cần thiết phải lùi thời gian tổ chức kỳ thi.
Lý do là hiện chỉ có tỉnh Vĩnh Phúc là nơi công bố dịch phải xem xét việc học sinh nghỉ thêm. Với các địa phương khác, căn cứ vào tình hình dịch bệnh và khuyến cáo của cơ quan y tế, UBND tỉnh quyết định việc có cho học sinh nghỉ tiếp hay không. Đối với những địa phương cho học sinh nghỉ 2 tuần thì không ảnh hưởng quá lớn đến tiến độ dạy học của các nhà trường.