Cần giải pháp dài hơi cho xuất khẩu
Do dịch Covid-19, hàng loạt sản phẩm nông nghiệp gặp khó khi xuất khẩu sang Trung Quốc. Trước tình hình đó, nhiều ý kiến cho rằng, các giao dịch hàng hóa nông sản tiến tới phải thông qua các sàn giao dịch độc lập, hoặc qua các chợ đầu mối được thiết lập một cách hiện đại đủ tiêu chuẩn khu vực và quốc tế. Như vậy, nông sản mới hết cảnh ùn tắc.
Ở thời điểm này, khi Trung Quốc lùi thời gian thông quan đến cuối tháng 2, hoạt động xuất khẩu nông sản ở trong thế chờ đợi, trong khi thời gian thu hoạch nông sản lại không thể chậm trễ khiến một số mặt hàng nông sản hư hỏng, mất giá, người nông dân bị thiệt hại.
Hiện các cấp, các ngành, địa phương và cộng đồng doanh nghiệp (DN) vẫn đang nỗ lực vào cuộc tìm cách giảm thiểu những thiệt hại cho hàng hóa xuất khẩu. Các DN phân phối, trung tâm thương mại, siêu thị thời gian qua tham gia rất tích cực trong việc thu mua nông sản cho nông dân để đẩy mạnh tiêu thụ trong nước... Ông Lê Duy Hiệp- Chủ tịch Hiệp hội DN dịch vụ logistics Việt Nam cho biết, đã thống nhất sẽ vận động các DN hội viên giảm 10-20% phí lưu kho lưu bãi, đặc biệt là kho lạnh, để hỗ trợ cho các trung tâm thương mại, hệ thống siêu thị thu mua nông sản cho nông dân. “Chúng tôi hy vọng qua đây sẽ tiếp tục tạo nên sự kết nối chặt chẽ giữa các DN logistics với DN sản xuất, kinh doanh trong nước, cùng hỗ trợ nhau và hỗ trợ nông dân để giảm thiệt hại do dịch gây ra”- ông Hiệp nói.
Tuy thế đó cũng chỉ là giải pháp trước mắt. Bởi qua đợt dịch này, không biết hoạt động xuất khẩu qua biên giới với Trung Quốc sẽ còn gặp những sự cố nào nữa. Và như vậy, mỗi lần có sự cố, xuất khẩu hàng hóa của chúng ta vào thị trường này lại gặp khó.
Ông Vũ Vinh Phú- Chủ tịch Hiệp hội Các siêu thị Hà Nội cho rằng, tới đây, giao dịch hàng hóa nông sản cần hướng đến việc thông qua các sàn giao dịch độc lập, hoặc qua các chợ đầu mối được thiết lập một cách hiện đại đủ tiêu chuẩn khu vực và quốc tế. “Khi giao dịch hàng hóa được thông qua hợp đồng sẽ không bị ép cấp, ép giá gây thua thiệt cho người sản xuất. Còn trong trường hợp bất khả kháng, khi sản xuất ra hàng hóa nếu dư thừa hoặc đang chờ bán thì nhất thiết phải có những kho dự trữ lớn”- ông Phú nêu quan điểm. Đi đôi với sản xuất hàng hóa phát triển, nguồn cung ngày càng dồi dào, thậm chí có lúc dư thừa với số lượng lớn thì phải coi trọng hệ thống phân phối quốc gia bao gồm chợ, cửa hàng lẻ, trung tâm thương mại, cửa hàng tự chọn được phát triển theo quy hoạch chung của các địa phương và trên toàn quốc. “Hệ thống phân phối này cần phải có năng lực đủ lớn để làm tốt việc tiêu thụ hàng hóa sản xuất trong nước một cách tự giác, thực hiện việc chia sẻ lợi ích một cách hợp lý, kinh doanh không mang tính lợi nhuận đơn thuần”- vẫn theo ông Phú.
Tuy nhiên, cùng với sự nỗ lực của các hộ sản xuất, các hợp tác xã và các DN đang được khuyến khích đầu tư vào lĩnh vực sản xuất, chế biến tiêu thụ hàng hóa nông sản, rất cần có sự hỗ trợ một cách hợp lý hiệu quả của Nhà nước, các bộ, ngành và các địa phương. Trong đó, việc quy hoạch xây dựng cơ sở hạ tầng thương mại, giao thông cần được chú trọng và đẩy mạnh hơn, góp phần cho giao lưu hàng hóa nhanh, giảm bớt những chi phí của logistic và các chi phí khác cho các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh. Nhà nước cần tạo điều kiện để hình thành và phát triển những tập đoàn lớn của người Việt có đủ sức dẫn dắt thị trường, làm chủ những sản phẩm của Việt Nam sản xuất trong mọi điều kiện thuận lợi cũng như lúc khó khăn.
Giới chuyên gia cũng cho rằng, để hướng đến xuất khẩu nông sản bền vững, rất cần sự chung tay của bốn nhà: Nhà nước, DN, nhà nông và nhà khoa học. Khi có sự liên kết này, chắc chắn nông sản Việt sẽ đảm bảo đủ các quy chuẩn để tìm thị trường mới, kể cả những thị trường khó tính nhất.
Ông Vũ Vinh Phú- Chủ tịch Hiệp hội Các siêu thị Hà Nội cho rằng, tới đây, giao dịch hàng hóa nông sản cần hướng đến việc thông qua các sàn giao dịch độc lập, hoặc qua các chợ đầu mối được thiết lập một cách hiện đại đủ tiêu chuẩn khu vực và quốc tế. “Khi giao dịch hàng hóa được thông qua hợp đồng sẽ không bị ép cấp, ép giá gây thua thiệt cho người sản xuất” - ông Phú nói.