Chung tay đẩy lùi tình trạng thiếu máu
Kỳ nghỉ Tết kéo dài, thời tiết khắc nghiệt, cộng thêm dịch bệnh do Covid-19 gây ra đã khiến tình trạng thiếu máu cho điều trị càng trầm trọng hơn. Lượng máu dự trữ cạn kiện khiến Viện Huyết học – truyền máu Trung ương phải “kêu cứu” trên các kênh thông tin đại chúng.
Nhiều người đến đăng ký hiến máu.
Ngay sau đó, mỗi ngày, hàng trăm người từ các cơ quan, đoàn thể hay cá nhân đã tới, đã dang tay hiến máu để xua tan đi sự “u ám” trong những ngày thiếu máu.
Nguồn máu dự trữ kiệt quệ
BSCKII. Phạm Tuấn Dương - Phó Viện trưởng Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương, phụ trách Trung tâm Máu quốc gia cho biết: Đến ngày 1/2, lượng máu dự trữ của Viện chỉ còn 6.700 đơn vị máu. Dự trù máu từ các bệnh viện mỗi ngày lên tới 1.500 đơn vị; trong khi Viện chỉ tiếp nhận được 226 đơn vị máu trong 10 ngày. Khối hồng cầu, khối tiểu cầu là các chế phẩm bị thiếu hụt trầm trọng nhất hiện nay và dự báo tình trạng có thể kéo dài nhiều tuần, ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc cung cấp máu cho 170 bệnh viện tại 25 tỉnh, thành phố – khu vực Viện đảm nhiệm cung cấp máu.
Tình trạng khan hiếm máu cho điều trị cũng xảy ra tại TP HCM, Huế, Đà Nẵng, Cần Thơ… Theo lãnh đạo Bệnh viện Truyền máu Huyết học TPHCM (đơn vị đảm bảo cung cấp máu cho hầu hết các bệnh viện ở TPHCM), lượng máu dự trữ của Bệnh viện vào sáng 1/2 chỉ còn khoảng 4.000 đơn vị, trong khi nhu cầu sử dụng máu của các bệnh viện toàn thành phố sau kỳ nghỉ Tết tăng đột biến so với các năm trước, mỗi ngày cần 800 – 1.000 đơn vị máu.
Nhiều lịch hiến máu đã được lên kế hoạch từ trước, nhưng đã bị các đơn vị từ chối, trì hoãn trước nỗi lo ngại về ảnh hưởng của dịch bệnh; dẫn đến lượng máu dự kiến tiếp nhận trong những ngày tới cũng chỉ vài chục đến vài trăm đơn vị mỗi ngày. Con số này quá ít so với nhu cầu 2.500 – 3.000 đơn vị máu cần cung cấp cho các bệnh viện mỗi ngày ở TP Hà Nội và TP HCM, chưa kể các địa phương khác trong cả nước.
Tình hình thời tiết giá rét, tâm lý e dè hiến máu đầu năm và đặc biệt là tình hình bùng phát dịch viêm đường hô hấp do Covid-19 đã làm trầm trọng thêm nguy cơ thiếu nguồn cung cấp máu cho người bệnh ở tất cả các bệnh viện do thiếu người hiến máu.
Tình người ấm áp giữa dịch bệnh Covid-19
Ngay sau lời kêu gọi hiến máu của Viện Huyết học – truyền máu Trung ương, tình người ấm áp đã đẩy lùi nỗi e ngại dịch Covid-19 mà lượng máu dự trữ đã tăng lên nhanh chóng. Trong 11 ngày sau Tết, Viện đã tiếp nhận được 10.643 đơn vị máu. Từ đó, Viện đã cung cấp 13.241 đơn vị máu và chế phẩm máu cho 103 bệnh viện tại 20 tỉnh, thành phố.
Tính đến sáng ngày 13/2, trong kho máu của Viện Huyết học- Truyền máu Trung ương có khoảng gần 13.000 đơn vị máu. Từ ngày 10/2, Viện đã có thể cung cấp máu trở lại bình thường cho các đơn vị, trong đó đã cung cấp 1.300 đơn vị cho các bệnh viện. Ngày 12 và 13/2 cung cấp khoảng từ 1.500- 2.000 đơn vị máu cho các tỉnh và khu vực TP Hà Nội.
Tại chương trình hiến máu “Xuân hồng lần thứ XIII - năm 2020” được diễn ra từ ngày 11- 22/2/2020, TS.BS Bạch Quốc Khánh - Viện trưởng Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương chia sẻ: Câu chuyện chia sẻ tình người Việt Nam qua những giọt máu hiến tặng trong thời điểm dịch Covid-19 thật cảm động. Không phải chờ đến những ngày trong kỳ Xuân hồng thứ XIII mà nhiều ngày qua, không khí người dân đến hiến máu còn hơn cả Xuân hồng. Nhiều cán bộ y tế trên cả nước đã tiên phong trong việc chia sẻ thông tin và trực tiếp hiến máu; nhiều cơ quan, doanh nghiệp, khu dân cư đã kêu gọi tổ chức hiến máu đạt số lượng ngoài dự kiến chỉ sau vài ngày…
Vẫn còn nỗi lo thiếu nhóm máu A
TS.BS Bạch Quốc Khánh- Viện trưởng Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương cho biết, đến thời điểm hiện tại, việc cung cấp các nhóm máu khác cho các tỉnh và khu vực Hà Nội thì tạm ổn, cơ bản đáp ứng được nhu cầu, nhưng riêng về nhóm máu A chỉ đáp ứng được khoảng 1/3 nhu cầu. Ví dụ như bệnh viện cần 500 đơn vị nhóm máu A, nhưng chúng tôi không thể phát đủ được số ấy mà phải bù bằng nhóm máu khác. Người bệnh nhóm máu A hiện chỉ được truyền máu ở mức cầm chừng và gần như phải “chia nhau” từng bịch máu.
Những ngày vừa qua, Viện đã nỗ lực để có được nền tảng dự trữ ít nhất 1 tuần, từ đó sẽ đáp ứng được nhu cầu. Tuy nhiên, dịp sắp tới dự kiến vẫn thiếu nhóm máu O và A vì nhu cầu sử dụng rất cao. Hiện nay, trong cộng đồng, có khoảng 42-43% người dân có nhóm máu O, nhóm máu B chiếm 30% và nhóm máu A là 20%, còn lại là các nhóm máu khác.