Tháng 1 nóng nhất trong vòng 141 năm

T.Tú 17/02/2020 08:00

Thông tin từ các nhà khoa học của Cơ quan Đại dương và khí quyển quốc gia Mỹ (NOAA), tháng 1/2020 là tháng 1 nóng nhất trong suốt 141 năm ghi nhận nhiệt độ trên toàn cầu. Theo đó, nhiệt độ bề mặt đất liền và đại dương toàn cầu trong tháng 1 vừa qua đã tăng 1,14 độ C so với nhiệt độ trung bình của tháng 1 trong thế kỷ 20, vượt qua mức nhiệt kỷ lục trước đó được ghi nhận vào tháng 1/2016.

Tháng 1 nóng nhất trong vòng 141 năm

Một cậu bé giải nhiệt tại đài phun nước vào một ngày hè nóng nực ở Brussels (Bỉ).

Đáng chú ý, theo NOAA, đây là mức tăng nhiệt độ lớn nhất mà không chịu tác động của trạng thái thời tiết El Nino tại Thái Bình Dương. Phần lớn nước Nga, nhiều khu vực của vùng Bắc Âu và miền Đông Canada đã ghi nhận mức nhiệt cao hơn 9 độ C so với mức nhiệt trung bình hoặc thậm chí cao hơn thế. Đây được coi là bằng chứng rõ rệt về sự ấm lên toàn cầu.

Tháng 1 năm nay đánh dấu 44 tháng 1 liên tiếp có nhiệt độ cao hơn mức nhiệt trung bình của thế kỷ 20. Giới khoa học nhất trí rằng khí thải gây hiệu ứng nhà kính do con người tạo ra là nguyên nhân chính dẫn đến hiện tượng toàn cầu ấm lên. Hãng tin AFP dẫn lời nhà nghiên cứu Carlos Schaefer người Brazil ngày cho biết, kết quả này cũng được chứng minh khi mà lượng băng ở Nam Cực tan nhanh nhất trong vòng 42 năm qua. Tuy nhiên, nhà khoa học này cũng cho rằng, số liệu trên được ghi nhận tại một trạm quan sát trên hòn đảo ngoài khơi điểm cực Bắc của Nam Cực chỉ là con số riêng lẻ, chứ không phải là một loạt dữ liệu trong dài hạn, cũng như không phản ánh một xu hướng biến đổi khí hậu.

Trong một động thái khác, Cơ quan Khí tượng Thủy văn Quốc gia Anh (Met Office) cho rằng, năm 2020 sẽ là một trong những năm nóng kỷ lục, với nhiệt độ toàn cầu tăng 1,1 độ C so với mức trung bình thời kỳ tiền công nghiệp. Dự báo này dựa trên các quan sát về xu hướng trong những năm gần đây khi thế giới đã trải qua các năm có nhiệt độ cao hơn 1 độ C so với thời kì tiền công nghiệp và kèm theo những đặc điểm mà các nhà khí tượng học cho là “dấu vết rõ ràng” của sự nóng lên toàn cầu do con người gây ra. Met Office dự báo xu hướng này có thể sẽ tiếp tục vào năm 2020, không bao gồm các sự kiện không thể lường trước như một vụ núi lửa phun trào lớn mà có thể gây ra sự hạ nhiệt tạm thời.

Trước đó, năm 2005 trở thành năm nóng nhất kể từ khi các mức nhiệt được ghi lại vào năm 1850. Trong nhiều năm, điều đó là minh chứng cho những tuyên bố sai lầm từ một số phía rằng khoa học khí hậu là sai và sự nóng lên toàn cầu đã không xảy ra- theo Met Office.

“Các hiện tượng tự nhiên, như hiện tượng El Nino ở Thái Bình Dương làm ảnh hưởng đến hệ thống khí hậu. Khi không có hiện tượng El Nino, dự báo này đưa ra một bức tranh rõ ràng về yếu tố mạnh nhất khiến nhiệt độ tăng cao đó là khí thải nhà kính”- Giáo sư Adam Scaife, người đứng đầu Phòng Dự báo thời tiết dài hạn của Met Office cho biết.

Theo giới khoa học chuyên ngành, nếu dự báo là chính xác, thế giới sẽ đến gần hơn với “bờ vực” của sự cố khí hậu trong năm nay. Trong khi đó, phát thải khí nhà kính ít có dấu hiệu suy giảm- theo Met Office. Cụ thể, lượng khí thải cácbon hàng năm hiện cao hơn 4% so với năm 2015 từ khi Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu được ký kết.

Từ việc nhiệt độ tháng 1/2020 là tháng 1 nóng nhất trong suốt 141 qua, người ta nhớ lại “mùa hè nóng bỏng” của châu Âu năm 2019. Nhiệt độ trung bình toàn cầu tháng 6 tăng 0,95 độ C, so với mức nhiệt độ trung bình ghi nhận được trong cả thế kỷ 20 là 15,5 độ C; trở thành tháng 6 thứ 414 liên tiếp nhiệt độ cao hơn mức trung bình của thế kỷ 20. Trong đó châu Âu phải chịu đựng sự gia tăng nền nhiệt một cách bất ngờ nhất. Các nước Pháp, Đức, Bỉ, Tây Ban Nha… đã trải qua một mùa hè “rực lửa”, khi nhiệt độ có nơi lên tới hơn 40 độ C - hiện tượng thời tiết chưa từng xảy ra đối với châu Âu.

Trong khi đó, nạn cháy rừng ở Indonesia, Australia, Amazon… cũng được cho là có nguyên nhân từ việc nóng lên của nền nhiệt toàn cầu.

Cơ quan Khí tượng Thủy văn Quốc gia Anh (Met Office) dự báo, năm 2020 sẽ là một trong những năm nóng kỷ lục, với nhiệt độ toàn cầu tăng 1,1 độ C so với mức trung bình thời kỳ tiền công nghiệp. Đây là “dấu vết rõ ràng” của sự nóng lên toàn cầu do con người gây ra, trong đó đã loại trừ sự kiện không thể lường trước, như núi lửa phun trào. Nền nhiệt cao ảnh hưởng trực tiếp tới nhiều loài sinh vật, cũng như có thể làm phát sinh những vụ cháy rừng lớn.

T.Tú