Hiểu lòng dân để giám sát, phản biện

Trung Hiếu 17/02/2020 07:20

Những năm qua, công tác giám sát, phản biện xã hội đã trở thành một hoạt động thường xuyên, trọng tâm của MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội trên địa bàn tỉnh Cao Bằng. Từ việc chủ động nắm bắt tình hình nhân dân, các nội dung giám sát, phản biện của Mặt trận đã đi đúng và trúng những vấn đề mà người dân quan tâm.

Hiểu lòng dân để giám sát, phản biện

Giám sát thực hiện các chính sách hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững được MTTQ tỉnh Cao Bằng triển khai có hiệu quả.

Giám sát, phản biện là nhiệm vụ thường xuyên

Theo bà Nông Thị Tuyết - Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Cao Bằng để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giám sát và phản biện xã hội, hằng năm, Ủy ban MTTQ tỉnh chủ trì hiệp thương với các tổ chức chính trị - xã hội lựa chọn những vấn đề cán bộ, đoàn viên, hội viên và nhân dân quan tâm, bức xúc, xác định các hình thức giám sát, PBXH phù hợp; thống nhất với HĐND, UBND tỉnh xây dựng kế hoạch phối hợp giám sát, PBXH để báo cáo Thường trực Tỉnh ủy và triển khai đến cơ sở, các tổ chức thành viên của MTTQ tỉnh nghiên cứu, vận dụng thực hiện.

Các nội dung giám sát và phản biện xã hội của MTTQ các cấp chủ yếu là về việc thực hiện các chính sách hỗ trợ giảm nghèo giai đoạn 2009 - 2014, giám sát tình hình thực hiện các chính sách hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững giai đoạn 2014 - 2020; việc chấp hành pháp luật của các cơ sở y tế tư nhân; giám sát việc thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về hoạt động tiếp công dân, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân, giám sát việc thực hiện chính sách hỗ trợ trực tiếp cho hộ nghèo theo Quyết định 102/2009/QĐ-TTg ngày 7/8/2009 của Thủ tướng Chính phủ; giám sát quá trình triển khai, thi công các công trình, dự án xây dựng nông thôn mới được đầu tư trên địa bàn…

Đến nay, tại các địa phương trên địa bàn tỉnh, hoạt động giám sát, PBXH đã đi vào nền nếp trở thành một hoạt động thường xuyên, trọng tâm của Mặt trận và các tổ chức chính trị - xã hội.

Như tại huyện Thạch An, trong giai đoạn từ năm 2014 đến nay, Ủy ban MTTQ các cấp chủ trì tổ chức khoảng 30 cuộc giám sát. Trong đó, Ủy ban MTTQ huyện đã tổ chức giám sát trực tiếp về tình hình triển khai thực hiện quy trình rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo tại xã Minh Khai; giám sát việc tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo tại xã Kim Đồng; giám sát trực tiếp việc thực hiện pháp luật về bảo vệ môi trường và nâng cao hiệu quả thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải sinh hoạt nông thôn tại thị trấn Đông Khê và xã Lê Lai …

Còn tại cơ sở, phát huy vai trò giám sát của nhân dân, Ủy ban MTTQ các xã, thị trấn trên địa bàn huyện đã kiện toàn hoạt động của các Ban Thanh tra nhân dân. Qua hoạt động các ban này đã thực hiện giám sát 64 cuộc, từ đó phát hiện và kiến nghị với cơ quan có thẩm quyền xem xét, giải quyết một số vụ việc trong triển khai các dự án đầu tư xây dựng cơ bản tại địa phương. Tương tự như vậy, các Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng cũng đã tổ chức giám sát 64 công trình, dự án triển khai trên địa bàn xã, thị trấn. Những kiến nghị của Mặt trận sau giám sát đã được các đơn vị kiểm tra, xử lý, khắc phục những sai phạm, thiếu sót góp phần nâng cao chất lượng các công trình, dự án xây dựng.
Kênh thông tin quan trọng giúp cấp ủy, chính quyền

Thực tế cho thấy việc phát huy vai trò giám sát, phản biện của Mặt trận đã góp phần xây dựng Đảng, chính quyền vững mạnh, tạo sự đồng thuận trong nhân dân thực hiện các nhiệm vụ chính trị của tỉnh địa phương. Theo thống kê từ năm 2013 đến nay, MTTQ các cấp trên địa bàn tỉnh Cao Bằng đã chủ trì tổ chức 1.024 đoàn giám sát; phối hợp, tham gia hơn 1.300 đoàn giám sát của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, Thường trực, các ban của HĐND, UBND, các tổ chức chính trị - xã hội. Sau giám sát, ban hành 12.780 ý kiến, kiến nghị, trong đó trên 2.000 ý kiến, kiến nghị đã được cơ quan có thẩm quyền xem xét giải quyết.

Hoạt động về phản biện xã hội cũng được MTTQ các cấp thực hiện hiệu quả. Nội dung phản biện tập trung vào các mục tiêu, nhiệm vụ KT - XH của tỉnh; liên quan đến xây dựng nông thôn mới, quy hoạch thị trấn, thị tứ, kế hoạch phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội; chương trình, dự án, đề án xây dựng nông thôn mới của địa phương; chính sách đền bù, giải phóng mặt bằng các công trình, dự án phúc lợi, hạ tầng giao thông ở địa phương...

Thông qua hoạt động giám sát, phản biện xã hội, nhiều ý kiến, kiến nghị của Mặt trận, của các tổ chức chính trị - xã hội đã được tiếp thu, đánh giá cao, trở thành một kênh thông tin quan trọng giúp cấp ủy, chính quyền khi xem xét, quyết định các vấn đề trong công tác lãnh đạo, quản lý, góp phần phát huy quyền làm chủ của nhân dân trong việc tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền trong sạch, vững mạnh.

Để nâng cao hơn nữa chất lượng công tác giám sát, phản biện xã hội, bà Nông Thị Tuyết cho rằng, MTTQ các cấp cần chủ động nắm bắt tình nhân dân từ đó lựa chọn những vấn đề mà nhân dân quan tâm, bức xúc để xây dựng kế hoạch giám sát, phản biện xã hội. Và, để hoạt động này không rơi vào hình thức, Mặt trận và các đoàn thể cần quan tâm đến công tác hậu giám sát qua việc đeo bám theo dõi, đôn đốc thực hiện đến cùng các kiến nghị sau giám sát và phản biện xã hội.

Trung Hiếu