Cú hích từ EVFTA

H.Vũ (thực hiện) 17/02/2020 06:00

Tuần qua, Nghị viện châu Âu đã thông qua Hiệp định thương mại tự do Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA). Như vậy nếu biết tận dụng lợi thế, Việt Nam hoàn toàn có thể thu hút được nhiều nhà đầu tư đến nước ta. Trao đổi với ĐĐK, ông Nguyễn Quang Đồng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chính sách và phát triển truyền thông (IPS) cho rằng, Việt Nam phải tiếp tục nỗ lực cải cách mạnh mẽ hơn nữa về thể chế, thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển.

Cú hích từ EVFTA

Ông Nguyễn Quang Đồng.

PV:Thưa ông, khi EVFTA vừa được ký kết, cộng với việc Trung Quốc đang bị ảnh hưởng lớn từ dịch Covid-19, ông có nghĩ sẽ có một sự chuyển dịch đầu tư?

Ông Nguyễn Quang Đồng: Thực ra, việc dịch chuyển đầu tư và kinh doanh ra khỏi Trung Quốc đã được nhiều doanh nghiệp lớn tính đến trong những năm qua. Khi cuộc chiến tranh thương mại Mỹ -Trung nổ ra đã khiến các doanh nghiệp toàn cầu đang đặt các cơ sở sản xuất ở Trung Quốc, trong đó đặc biệt là doanh nghiệp Mỹ tích cực hơn trong chiến lược tìm kiếm các quốc gia khác để mở rộng cơ sở sản xuất của mình. Hiện dịch cúm Covid-19 đang xảy ra ở Trung Quốc, gây nhiều tác động lớn nên các nhà đầu tư sẽ tính toán lâu dài đến chuyện chuyển dịch vì Covid-19 đang khiến Trung Quốc phong tỏa các thành phố, công nhân không thể đến nhà máy làm việc khiến hoạt động sản xuất kinh doanh của nhiều tập đoàn toàn cầu bị ảnh hưởng. Nhưng điều quan trọng, có đón được các cơ hội này hay không lại do chính chúng ta.

Ông cho rằng cần chính sự thay đổi của chúng ta để thu hút các nhà đầu tư đến với Việt Nam?

Bây giờ một trong những điểm nghẽn chưa giải quyết lớn nhất chính là cơ sở hạ tầng. Cơ sở hạ tầng của ta trong 5 năm qua chưa có thêm những dự án hạ tầng lớn, trong đó có cơ sở hạ tầng về giao thông và cơ sở hạ tầng về năng lượng. Đường cao tốc Bắc-Nam chưa được giải quyết, việc đầu tư các cảng vận chuyển vẫn chưa có đột phá. Cho nên cần tháo gỡ điểm nghẽn về cơ sở hạ tầng. Thứ hai, ngân sách dành cho đầu tư ngày càng siết chặt cho nên cần phải có hợp tác công tư (PPP) để các nhà đầu tư tư nhân tham gia. Muốn vậy cần có cơ chế pháp lý rõ ràng hơn, tốt hơn để bảo vệ lợi ích của nhà đầu tư, lúc đó mới kéo được PPP vào đầu tư hạ tầng. Bên cạnh đó là các cơ chế về giải quyết tranh chấp, bảo vệ nhà đầu tư, nếu cứ dùng các quyết định hành chính sẽ không bảo vệ được nhà đầu tư mà cần có cơ chế giải quyết tranh chấp. Vì vậy Quốc hội cần nhanh chóng bàn luận, sớm thông Luật PPP trong thời gian sắp tới để giải quyết bài toán quyền lợi cho nhà đầu tư, từ đó thu hút nguồn tiền bền vững cho đầu tư cơ sở hạ tầng. Khi cơ sở hạ tầng tốt thì doanh nghiệp nước ngoài mới đẩy mạnh vào đầu tư ở nước ta.

Nhiều ý kiến cho rằng, khi EVFTA được thông qua thì chúng ta cần phải tạo dựng một môi trường đầu tư, kinh doanh thông thoáng mới thu hút được các nhà đầu tư. Theo ông chúng ta cần sự thay đổi như thế nào trong vấn đề này?

Môi trường kinh doanh phiền hà, bất bình đẳng nhất hiện nay vẫn là sự phân biệt đối xử giữa các doanh nghiệp. Doanh nghiệp nước ngoài họ chỉ bị hạn chế ở trong phần chuỗi cung ứng. Bởi khi dịch chuyển về Việt Nam, nguyên phụ liệu để tạo ra chuỗi cung ứng phải bắt nguồn từ các doanh nghiệp Việt Nam. Trong khi đó các điều kiện kinh doanh, hay các giấy phép con đang ảnh hưởng nhiều nhất tới doanh nghiệp trong nước, làm hạn chế sự tham gia của doanh nghiệp Việt Nam vào chuỗi cung ứng đó. Tôi nói ví dụ, nếu Samsung muốn đóng hộp xuất khẩu cũng phải có vỏ hộp, từ đó liên quan đến ngành in ấn, sản xuất bao bì. Nhưng điều kiện sản xuất trong ngành in ấn rất khắt khe, bản thân nó hạn chế sự tham gia của doanh nghiệp Việt Nam vào chuỗi cung ứng. Cho nên cần cắt giảm các giấy phép con, từ đó giúp cho doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào chuỗi giá trị. Kể cả khi doanh nghiệp nước ngoài có chuyển chuỗi sản xuất về Việt Nam thì nguyên phụ liệu cũng phải đi kèm về Việt Nam, tức là các doanh nghiệp của ta cũng phải đáp ứng được. Hay kể cả việc truy xuất nguồn gốc tỷ lệ nội địa nếu không đáp ứng được cũng không đủ yêu cầu xuất khẩu sang EU, vì hàng phải của Việt Nam chứ không phải mang từ Trung Quốc về xong xóa nguồn gốc đi và gắn mác Việt Nam. Đó là chuyện không được phép. Do đó theo tôi cần tạo môi trường thông thoáng cho doanh nghiệp ở trong nước trước. Hiện việc cắt giảm các điều kiện kinh doanh chưa đạt như mong muốn và cần giải quyết tiếp.

Từ việc hàng hóa nông sản trong nước “được mùa mất giá” cho thấy chúng ta phụ thuộc quá nhiều vào một thị trường. Nhân việc EVFTA vừa được ký kết, đã đến lúc chúng ta cần mở rộng tìm kiếm thị trường mới để tránh bị lệ thuộc, thưa ông?

Đây là vấn đề cần có lộ trình. Khi tôi nói chuyện với các doanh nghiệp xuất khẩu nông sản, họ nói rằng hiện đang dành 80% cho thị trường Trung Quốc, còn 20% cho các thị trường khác. Do đó mọi thứ phải giảm xuống dần dần, 70-30, sau đó 60-40 chứ không thể hy vọng đẩy nhanh sang EU được. Hiện các doanh nghiệp EU cũng tìm kiếm thị trường ở ta rất nhiều. Cái vướng của xuất khẩu nông nghiệp sang các thị trường EU nằm ở việc do năng lực sản xuất của doanh nghiệp Việt Nam chứ không phải thiếu thị trường. Vì tiêu chuẩn của EU và các nước phát triển, rất cao. Từ dư lượng kháng sinh, chất bảo vệ thực phẩm. Do nguồn cung ở ta không đáp ứng được nên giải pháp không chỉ nằm ở việc “chạy” đi tìm kiếm, thúc đẩy thị trường mà nên làm tốt hỗ trợ cho các doanh nghiệp trong nước đảm bảo theo tiêu chuẩn do EU và các nước phát triển đặt ra. Muốn vậy, phải thu hút được doanh nghiệp có chuyên môn và kinh nghiệm vào làm như: Trường Hải, Hoàng Anh Gia Lai... sẽ chuyên nghiệp hóa được phần sản xuất. Thu hút đầu tư cho nông nghiệp là bài toán lớn, không thể dựa dẫm vào người sản xuất nhỏ lẻ mà cần những doanh nghiệp lớn.

Trân trọng cảm ơn ông!

H.Vũ (thực hiện)