Những đảng viên ưu tú ở buôn làng
Gia Lai có gần 700.000 đồng bào dân tộc thiểu số cùng sinh sống, cư trú chủ yếu ở miền núi, vùng sâu, vùng xa. Trong đó, số lượng đảng viên người dân tộc thiểu số chiếm gần 25% tổng số đảng viên toàn tỉnh. Đây chính là một trong những kênh tuyên truyền chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước đến với người dân; giúp bà con vùng sâu, vùng xa xóa bỏ phong tục lạc hậu, xây dựng nông thôn mới, phát triển kinh tế, củng cố quốc phòng an ninh.
Tuyên truyền chính sách của Đảng cho quần chúng. Ảnh: TTXVN.
Những năm qua, tỉnh luôn ưu tiên, dành nhiều nguồn lực tập trung đầu tư cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số, nhờ đó kinh tế vùng này đã có những chuyển biến tích cực. Các chính sách đầu tư, hỗ trợ vùng dân tộc thiểu số được thực hiện kịp thời, công khai, minh bạch, dân chủ, phù hợp với nhu cầu người dân góp phần tăng thu nhập, giảm tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh từ 19,71% năm 2015 xuống còn 10,04% năm 2018. Tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số mỗi năm giảm bình quân 6,37%; đến cuối năm 2018, số hộ nghèo dân tộc thiểu số còn 30.441 hộ, chiếm 21% so với tổng số hộ dân tộc thiểu số toàn tỉnh…Hiện tỉnh có 58 xã đạt chuẩn nông thôn mới, phấn đấu đến hết năm 2019 có thêm 14 xã đạt chuẩn nông thôn mới.
Điều đáng nói là tại Gia Lai, 99,9% thôn, làng, tổ dân phố có chi bộ; đảng viên là trưởng thôn, làng, tổ dân phố chiếm hơn 63%. Đây chính là lực lượng tuyên truyền, vận động bà con đồng bào DTTS xóa bỏ hủ tục, xây dựng nếp sống văn hóa mới, tích cực tham gia xây dựng nông thôn mới… Tại xã Chư Mố, huyện Ia Pa cuộc sống của bà con trước đây vốn gặp rất nhiều khó khăn, bà con không biết đầu tư trồng cây gì, nuôi con gì cho có hiệu quả kinh tế cao. Thế nhưng từ khi thành lập chi bộ tại các thôn, làng thì tình hình đã khác. Hơn 97% đảng viên là người dân tộc thiểu số chính là lực lượng nòng cốt giúp bà con giải bài toán thoát nghèo. Họ sâu sát cơ sở, hướng dẫn bà con áp dụng kỹ thuật vào sản xuất, nuôi trồng. Vận động người dân tham gia xây dựng nông thôn mới. Đến đầu năm 2019, số hộ nghèo toàn xã Chư Mố còn 193 hộ, đến cuối năm 2019, đã giảm được 101 hộ, đưa tỷ lệ hộ nghèo xuống còn 6,42%, đáp ứng tiêu chí hộ nghèo theo chuẩn nông thôn mới.
Theo lời của đảng viên Rô H’En, thôn Ơi H’Trông, xã Chư Mố, thì trước đây cuộc sống của gia đình rất nghèo nhưng từ khi được các đảng viên tuyên truyền đường lối, chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước và giúp phát triển kinh tế, gia đình anh đã biết vận dụng kỹ thuật vào chăn nuôi, trồng trọt nên đã thoát nghèo. Khi cuộc sống gia đình anh khá giả lên, Rô H’En nghĩ mình phải có trách nhiệm giúp đỡ các hộ gia đình khác để bà con cùng thoát nghèo, và anh đã làm được. Ngoài ra, tại thôn Ơi H’Trông có đông đảng viên nên chi bộ phát huy được trí tuệ tập thể, có nhiều sáng kiến đóng góp vào sự phát triển chung của địa phương.
Qua thực tế tại các địa phương có thể nói các đảng viên luôn hăng hái, tích cực đi đầu trong xây dựng đảng, mô hình phát triển kinh tế, vận động bà con thôn làng thực hiện tốt chủ trương đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước, xây dựng địa phương đoàn kết, vững mạnh. Chính vì vậy, công tác chăm lo, bồi dưỡng kết nạp đảng viên mới rất được chú trọng. Các chi bộ thôn luôn sâu sát cơ sở để lựa chọn quần chúng ưu tú đủ điều kiện kết nạp vào hàng ngũ Đảng. Từ năm 2015 đến nay, toàn tỉnh có gần 14.300 đảng viên được kết nạp, trong đó hơn 4.200 đảng viên là người dân tộc thiểu số, chất lượng đảng viên được nâng lên rõ rệt.
Cùng với các đảng viên, nhiều cán bộ người DTTS được tổ chức tin tưởng quy hoạch, bổ nhiệm là người đứng đầu cấp ủy, thủ trưởng cơ quan, đơn vị, địa phương, là những tấm gương sáng được nhân dân tin yêu.