Giá thịt gà, thịt lợn giảm sâu - giá rau tăng: Thị trường thực phẩm biến động
Giá gà, thịt lợn và rau xanh đang biến động mỗi ngày khiến người tiêu dùng (đặc biệt là tại các đô thị lớn) không thể không đặt câu hỏi: Đến khi nào thị trường thực phẩm sẽ bình ổn trở lại? Một số ý kiến cho rằng, giá rau xanh tăng cũng là “chuyện thường” sau mỗi dịp Tết và giá thịt lợn giảm do có sự tác động mạnh từ cơ quan quản lý nhà nước. Nhưng cách lý giải đó không thuyết phục vì rằng nếu miền Bắc do lạnh kéo dài, rau xanh khó phát triển, giá lên cao thì tại sao phía Nam cũng thiếu rau. Hay là, trong khi chưa tái đàn được sau dịch tả lợn châu Phi, mà giá lại giảm. Vậy, vấn đề ở đâu?
Giá thịt lợn hơi giảm xuống mức 75.000 đồng/kg.
Giá giảm sâu, người chăn nuôi mất lãi
Với mặt hàng thịt gà đang được cho là giảm sâu nhất từ trước tới nay. Ghi nhận tại siêu thị ngày 17-2: Má đùi gà giảm 5.000 đồng còn 43.000 đồng/kg, cánh gà giảm 4.000 đồng còn 82.000 đồng/kg, chân gà giảm 5.000 đồng còn 59.900 đồng/kg, gà ta CP giảm 9.000 đồng còn 66.000 đồng/kg, gà thả vườn SH giảm 10.000 đồng còn 62.000 đồng/kg. Tuy nhiên, giá gà ta nguyên lông bán tại các chợ truyền thống vẫn còn khá cao, từ 100.000 - 110.000 đồng/kg, thấp hơn thời điểm trước Tết Nguyên đán từ 10.000 - 20.000 đồng/kg. Gà công nghiệp bán tại chợ giá khoảng 55.000 đồng/kg. Tuy nhiên, so với giá thành sản xuất, với mức giá trên thì người nuôi vẫn chưa có lãi, nhất là người nuôi gà công nghiệp vẫn phải chịu lỗ.
Còn với mặt hàng thịt lợn hơi, ngày 17/2, sau khi các doanh nghiệp lớn đồng loạt hưởng ứng hạ giá lợn hơi, thị trường đã bắt đầu hạ nhiệt, xu hướng giảm giá xuất hiện ở khắp các miền, có nơi giảm sâu tới 4.000 - 5.000 đồng/kg. Tuy nhiên, những địa phương cao nhất vẫn giữ mức 80.000 đồng/kg.
Cụ thể: Ngay từ sau Tết, Công ty cổ phần chăn nuôi C.P liên tục có chính sách giảm giá, ngày 1/2, Công ty giảm giá 1.500 đồng; ngày 8/2, giảm 1.000 đồng. Ngày 13/2, giảm 1.500 đồng và ngày 15/2, Công ty giảm tiếp 3.000 đồng/kg. Tính đến thời điểm này, giá lợn hơi Công ty này bán ra là 75.000 đồng/kg.
Tương tự, Công ty cổ phần Tập đoàn Dabaco Việt Nam đang bán lợn hơi ở mức 73.000-79.000 đồng/kg, bình quân đạt 75.000 đồng/kg.
Nhìn chúng, giá thịt lợn hơi ở miền Bắc đang có những biến động mạnh nhất cả nước. Theo đó, giá lợn hơi ngày 17/2 ở Hưng Yên giảm tới 5.000 đồng/kg, từ mức 84.000 đồng/kg xuống còn 79.000 đồng/kg; Phú Thọ giảm 6.000 đồng xuống 75.000 đồng/kg. Giá lợn hơi tại tỉnh Vĩnh Phúc cũng chỉ ở mức 79.000 đồng/kg; duy nhất chỉ có Thái Bình vẫn giữ giá lợn hơi khoảng 82.000 - 83.000 đồng/kg. Giá lợn hơi tại Hà Nam cũng ở mức 80.000 - 82.000 đồng/kg.
Giá gà, thịt lợn và rau xanh đang biến động mỗi ngày khiến người tiêu dùng không thể không đặt câu hỏi đến khi nào thị trường thực phẩm sẽ bình ổn trở lại? Dự báo về tình hình giá cả, thị trường của các sản phẩm gia cầm trong thời gian sắp tới, TS Nguyễn Thanh Sơn- Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Việt Nam thông tin: Do ảnh hưởng của dịch virus corona khiến các bếp ăn tập thể, các khu công nghiệp, trường học tạm ngừng hoặc giảm tiêu thụ, trong khi nguồn cung sản phẩm gia cầm lại đang ở mức cao nên đã đẩy giá gia cầm giảm sâu trong những ngày sau Tết. “Trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp như hiện nay, trong đó đáng lưu ý là dịch cúm A/H5N6 đang xảy ra tại một số tỉnh khiến người chăn nuôi có phần e ngại và có thể bà con sẽ không tăng đầu tư vào đàn gia cầm, đây sẽ là điều kiện giúp nguồn cung gia cầm dần cân đối, do đó giá mặt hàng này có thể sẽ tăng lên trong thời gian tới”- ông Sơn dự báo.
Còn chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính) cho rằng, việc giá rau củ quả tăng cũng là theo quy luật chung của thị trường. Thông thường sau Tết, rau là mặt hàng khan hiếm vì nông dân trồng rau theo thời vụ. Thêm nữa do ảnh hưởng của trận mưa đá của ngày đầu năm Canh Tý 2020 khiến cho nhiều nơi bị mất mùa, thành ra sau Tết đến nay giá rau tăng mạnh.
Đối với mặt hàng thịt lợn, ông Thịnh cho biết, dịch tả lợn châu Phi đã khiến nguồn cung thịt lợn bị giảm nặng nề. Tuy nhiên, đối với các hộ chăn nuôi lớn hầu như không bị ảnh hưởng. Do đó, việc giá tăng cao một cách khó kiểm soát là không chấp nhận được. Bởi vì, so với tổng cung, các hộ chăn nuôi vẫn còn một sản lượng thịt lớn nên không có chuyện khan hiếm đến mức hụt hẳn so với nhu cầu. “Chính vì thế, đối với việc giá thịt lợn bị tăng phi mã thời gian qua cần phải xem lại năng lực điều hành, giám sát của nhà quản lý. Không thể để tình trạng nguồn cung tại các hộ chăn nuôi lớn vẫn còn khá đủ mà lại gây khan hiếm thị trường. Rõ ràng là có tình trạng các hộ chăn nuôi lớn găm hàng để đẩy giá”- ông Thịnh nói. Và điều này tất nhiên một phần trách nhiệm ở các Bộ quản lý về giá cả và thị trường. Do đó, vị chuyên gia này cho rằng, 3 Bộ: Công thương, Tài chính và NNPTNT cần phải ngồi lại với nhau để giám sát và quản lý chặt chẽ hơn, để xảy ra tình trạng đẩy giá cao đến chóng mặt như vừa qua, một phần vì sự lỏng lẻo trong quản lý của nhà chức trách.
Trước đó, Bộ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Xuân Cường cũng khẳng định, bằng mọi giá sẽ hạ giá thịt lợn. Sau lời kêu gọi của Bộ NN PTNT về việc giảm giá lợn hơi xuống mức dưới 75.000 đồng/kg để đảm bảo bình ổn thị trường, giữ chỉ số giá tiêu dùng ở mức ổn định, nhiều doanh nghiệp chăn nuôi lớn đã có những động thái giảm giá.
Nêu ra quan điểm của mình, Bộ Tài chính cũng nhấn mạnh, cần triển khai ngay và quyết liệt hơn các biện pháp đã được Chính phủ chỉ đạo, để điều hành cung cầu kéo mặt bằng giá thịt lợn hơi giảm ngay trong tháng 2 và tháng 3. Theo tính toán của Bộ Tài chính, nếu giá thịt lợn giảm 10% ngay trong tháng 2 sẽ giúp CPI bình quân 2 tháng đầu năm 2020 so với cùng kỳ 2019 chỉ tăng 5,67% và CPI bình quân cả năm ở mức 4,59%; nếu giá thịt lợn giảm thêm 8 – 10% trong tháng 3 sẽ giúp CPI bình quân cả năm ở mức 4,22%.
Bộ này đã đưa ra yêu cầu tăng cường chỉ đạo các doanh nghiệp trong việc thúc đẩy khâu phân phối, bán lẻ, nhằm ổn định tình hình nguồn cung. Một mặt có giải pháp sử dụng nguồn nguyên liệu sẵn có trong nước để thay thế, đẩy mạnh tìm kiếm và nhập khẩu từ các thị trường khác, đồng thời giảm bớt các thủ tục hành chính nhằm xúc tiến nhanh quá trình nhập khẩu đảm bảo phục vụ kịp thời hoạt động sản xuất kinh doanh.
Cân đối giữa cung và cầu là rất cần thiết
“So với cùng kỳ năm trước, giá hàng hóa có tăng, tuy nhiên việc một số mặt hàng tăng giá trong những ngày đầu năm chưa nói lên điều gì cho sự phát triển của nền kinh tế cũng như lạm phát. Thời gian tới, một số mặt hàng sẽ trở lại ổn định, đặc biệt là các mặt hàng thực phẩm. Tuy nhiên cũng cần nhìn nhận thực tế, đối với thực phẩm, giá cả còn phụ thuộc rất lớn vào khí hậu, thời tiết cũng như các loại dịch bệnh lây lan, chính vì vậy, việc cân đối giữa cung và cầu là rất cần thiết”- TS. Nguyễn Trí Hiếu - chuyên gia kinh tế.