Nhà thơ Cao Xuân Sơn: Đau đáu nỗi hoài hương

Việt Quỳnh (thực hiện) 27/01/2020 09:29

“Bấm chân qua tuổi dại khờ” là tập thơ riêng thứ 5 của nhà thơ Cao Xuân Sơn, và được ra mắt ngay trước thềm năm mới. Đây là cuốn thơ tình chọn lọ với 101 bài từ 4 tập thơ đã in trước đó là “Tự tình” (1989), “Đêm giã biệt” (1990), “Cánh cửa khép hờ” (1994), “Chuông lá” (1999). Nhà thơ Cao Xuân Sơn chia sẻ về cuốn sách, cũng là cái tình của anh với anh trong những kỉ niệm với mùa tết phương Nam.

Nhà thơ Cao Xuân Sơn: Đau đáu nỗi hoài hương

PV:Vì sao anh quyết định ra mắt tập thơ mới này vào thời điểm năm cũ bước sang năm mới?

Nhà thơ Cao Xuân Sơn: Đúng là ngay lúc giao thời chộn rộn này, ra sách mới cũng hơi “lạc quẻ”. Vừa ra đã thành sách cũ. Tại mình cứ lần khân, lưỡng lự. Lâu quá không làm sách cho mình, cũng ngại. Rồi quyết ra cho kịp khi năm hết, cốt để đánh một dấu mốc: tròn 30 năm kể từ tập thơ đầu tay, tròn 20 năm kể từ tập thơ sau rốt. Cũng may nhờ được những anh em bạn hữu thân thiết: các nhà văn Trần Đức Tiến, Trần Nhã Thụy; các họa sĩ Trung Dũng Kqđ, Tô Hồng Thủy… mỗi người một tay phụ giúp mà cuối cùng, sách cũng kịp lúc.

Với tập thơ mới này, những quan điểm của anh về nhân quả, vô thường rõ ràng hơn rất nhiều?

- Phật tính có sẵn trong mỗi người mà em. Càng thêm tuổi, người ta càng cảm nhận rõ hơn cái mong manh hư ảo của cõi người. Người trẻ thì cả tin, mạnh mẽ, hướng thượng, duy lý hơn. Khi hết trẻ, người ta phải học “rơi” từng ngày, học mỉm cười độ lượng với xung quanh, với chính mình của ngày hôm qua, bởi khi ấy nỗi hoang mang thảng thốt mới luôn là bạn tri kỷ đồng hành. Cũng là thuận tự nhiên thôi.

Vào ngày tết xưa ở Hà Nội anh thường có thói quen gì?

- Tôi là gã nhà quê, dân đồng chiêm trũng truyền đời, không sinh ra ở Hà Nội, chỉ có mấy năm sinh viên tạt qua Hà Nội nên dấu vết Hà Nội trong ký ức khá mờ nhạt. Chỉ nhớ loáng thoáng, giáp tết, đi dọc hè phố nào nhìn lên cũng đầy những tấm biển làm bánh “Quy gai xốp” và sửa quần, vá áo. Xơ xác, lạnh lẽo, nhưng mà mùi nhang xạ tỏa ra từ những căn nhà thì ấm, sâu thăm thẳm.

Và khi sống ở phương Nam, ngày tết diễn ra với anh và gia đình như thế nào?

- Tết ở Sài Gòn nắng, nóng khủng khiếp. Nhưng phố xá thì rộng rinh bởi người tứ xứ về quê nhiều. Nhà mình vẫn giữ thông lệ chiều 30 tết đi chùa Vĩnh Nghiêm thắp nhang rồi về quây quần quanh mâm cơm tất niên. Mồng 1, mồng 2 kéo nhau đi chúc tết nội ngoại. Năm nay thì sẽ khác, chắc mình sẽ chỉ ở nhà vì bà nội của các con mới mất.

Có khi nào ăn tết phương Nam anh lại nhớ tết Bắc không?

- Đúng ra là nhớ Bắc, nhớ quê. Nỗi nhớ thành kinh niên, mạn tính, truyền đời rồi. Trong tâm tưởng mỗi người Việt ở phương Nam, hỏi mấy ai không trĩu nặng một nỗi tha hương khắc khoải. Con cá con chim còn nhớ cội nhớ nguồn, huống chi mình?

Lần đầu tiên anh đến với Sài Gòn là khi nào?

- Chính xác là xế trưa ngày 17/12/1980, tại nhà ga xe lửa Bình Triệu.

Cảm giác ấn tượng đầu tiên của anh với Sài Gòn?

- Khói bụi. Hối hả. Không vồn vã, nhưng thân thiện.

Vì sao anh quyết định đưa cả gia đình vào đây và định cư?

- Lúc đó, tôi mới 19 tuổi, đang học dở năm thứ ba đại học Sư phạm Hà Nội 2. Cả nhà vẫn ở Bắc, chỉ mình bố tôi sau khi xuất ngũ nhận công tác tại Biên Hòa. Phần muốn gần bố, phần sẵn máu xê dịch, tôi quyết định "hành phương Nam", chuyển trường vào học tiếp tại khoa Ngữ Văn, Đại học Sư phạm TPHCM. Rồi "bén rễ xanh cây" với đất phương Nam, đã ngót 40 năm, kể từ đó.

Như anh nói, mùa Tết ở Sài Gòn, chính là thời điểm này? Vì sao vậy?

- Có một thứ "đặc sản" dường như luôn lưu trú đâu đó trong những góc khuất tâm can mỗi lưu dân phương Nam: nỗi hoài hương đau đáu, truyền kiếp. Bởi vậy, Tết Nguyên đán luôn đến sớm trong tâm tưởng người Sài Gòn, ngay khi khắp nơi vừa chộn rộn đón năm mới dương lịch. Người người, nhà nhà hỏi han, nghe ngóng chuyện tàu xe ra Bắc, ra Trung... khi những cội mai vàng còn lâu mới bung nở. Thời điểm này, trời đất giao mùa, mưa vừa khép, nắng thập thò. Trước và sau Noel chừng một tuần, tiết trời thường vô cùng dễ chịu. Chút lạnh se se, chút mưa lất phất, chút sương bảng lảng đầu ngày cho người ta những xúc cảm miên man, diệu vợi... Miền Nam, vì thế không chỉ hai mùa mưa nắng, mà còn mùa thứ ba: mùa Noel hay mùa Tết.

Năm nay, thời tiết Sài Gòn có sự thay đổi khi trời trở rét dài ngày, có gió lạnh và người dân ra đường mặc áo len hoặc áo khoác, anh cảm nhận như thế nào về những điều này?

- Tôi thấy gần như năm nào cũng vậy. Phải chăng chút se sắt heo may thời điểm này chính là món quà quý của đất trời ban tặng những ai tha hương lâu ngày mà chưa thể quay về? Một cơ hội "về nguồn" tại chỗ cho những ai không có "điều kiện"? Ra đường những ngày này, nhất là sáng sớm và chiều muộn, thấy Sài Gòn đẹp một vẻ khác lạ: vẫn nồng nàn nhưng lại rất dịu dàng...

Đường phố TP HCM vào dịp cuối năm có những thay đổi gì so với ngày thường?

- Nhà cửa, biển hiệu được chỉnh trang, làm mới nhiều hơn, nhìn bắt mắt hơn. Trên phố, áo váy, khăn choàng... đa sắc hơn. Những năm gần đây, nhờ sự phổ cập của đèn LED, khu vực trung tâm thành phố và nhiều đoạn đường huyết mạch được chiếu sáng, kết hoa đăng từ rất sớm, khiến cho không khí lễ hội nao nức hơn. Tiếc là việc "xã hội hóa" hoạt động này đã và đang dẫn đến những hệ lụy không mấy vui: nhiều đoạn đường chọn màu sắc, hoa văn quá lòe loẹt, tùy tiện, đơn điệu; quảng cáo thì phô phang, thiết kế cột trụ, dây nhợ xấu xí, thi công cẩu thả, tạm bợ, gây cản trở, mất an toàn cho người đi bộ... Giá như việc "làm đẹp" này được cân nhắc một cách thận trọng, chừng mực hơn, tiết kiệm hơn, thẩm mỹ hơn... Tôi tự hỏi: có khó gì việc tổ chức hẳn cuộc thi để chọn lấy phương án tối ưu đâu nhỉ?

Khi làm thơ, anh có viết nhiều về Sài Gòn không? Điều gì gợi cảm hứng trong anh?

- Tôi rất ít đưa hai chữ Sài Gòn vào thơ, nhưng trong chừng mực nào đó, Sài Gòn hiện diện trong mỗi dòng thơ tôi, ngay cả khi tôi viết về Moscow hay Angkor Wat. Cảm hứng có thể đến bất cứ lúc nào, rất nhiều khi đến lúc tôi chạy xe trên phố, thậm chí cả khi chờ đèn đỏ.

Theo anh, những nét đẹp nào làm nên những giá trị văn hóa cho tết phương Nam?

- Câu hỏi này lớn quá, nhưng ngắn gọn nhất thì đó là sự bình dị mà sang cả, sang cả mà ấm áp, bình dị... từ cảnh sắc đến nhân quần.

Việt Quỳnh (thực hiện)