Tiến sĩ Nghệ thuật Trần Quang Minh: Mùa tết trong ký ức

Việt Quỳnh (thực hiện) 27/01/2020 14:34

“Ngẫm lại về tuổi thơ quả là một điều thú vị, càng có tuổi thì những gì thuộc về quá khứ lại hiện hữu trở lại càng rõ nét”. Đạo diễn Trần Quang Minh chia sẻ về ký ức mùa tết xưa của anh ở Hà Nội.

Tiến sĩ Nghệ thuật Trần Quang Minh: Mùa tết trong ký ức

- Điều đầu tiên là cả nhà ngồi quây quần gói bánh chưng, tôi rất thích trò này vì chỉ có tết mới có và bằng mọi cách tập gói bằng được cho đến nhiều năm sau có đủ khả năng đi gói thuê và đã từng làm việc đó! Thời bao cấp, bà nội tôi làm ở tổ phục vụ khu phố, hằng ngày đun nước phục vụ mọi người sống quanh khu vực, tết đến có thêm nhiệm vụ nấu bánh trưng phục vụ bà con trong phố. Tôi vẫn nhớ mọi người phải mang bánh chưng đến, nhà nào phải đánh dấu của nhà đấy mà cả phố không nhà nào bị nhầm. Tôi vẫn nhớ những đồng năm xu buộc vào từng cặp bánh nhà mình đề phân biệt với nhà khác. Trong những cặp bánh ấy bao giờ cũng là những chiếc bánh rất nhỏ dành riêng cho bọn trẻ con chúng tôi, và đương nhiên nó sẽ được bóc ra đầu tiên khi thúng bánh được đem về nhà. Hình ảnh mẹ tôi buộc thúng bánh phía sau dắt bộ bằng chiếc xe đạp phượng hoàng cũ về nhà tôi vẫn nhớ như in, không bao giờ có thể quên được.

Thường vào dịp tết, khi còn thơ bé, điều gì làm anh háo hức nhất?

- Khi còn quá thơ bé thì tôi chỉ mong đến Tết để được mừng tuổi. Tôi vẫn nhớ cứ cuối giờ sáng mùng một là được bố ngồi trên một chiếc ghế mây buộc ở sau xe đạp, đèo đến nhà họ hàng, đầu tiên là ông bà, sau đến các bác... mừng tuổi thường là tiền xu, họa hoằn lắm mới được tờ tiền giấy vì tiền giấy luôn to hơn tiền xu, và đặc biệt tiền giấy thì luôn mới. Hết tết thì luôn có mục tổng kết với việc tìm chỗ kín ngồi đếm và chia sẻ chuyện nhiều ít với một vài thằng bạn thân hàng xóm.

Lớn hơn một chút, điều háo hức nhất lại nằm ở thời gian trước Tết, khi biết tự làm ra những trò chơi cho riêng mình - tự quấn pháo. Thời gian đó cả nước chưa bị cấm pháo, lũ thanh niên choai choai rủ nhau đạp xe đạp đến làng Bình Đà mua thuốc pháo về tự quấn lấy pháo đốt, thường là những quả pháo to gọi là pháo Đùng, to bự hơn nữa thì gọi là pháo Cối. Trước đó hàng tháng đã phải tập trung các loại giấy bỏ đi để ngồi quấn thân pháo, luôn phải để một cái lõi giữa dành cho thuốc pháo. Sau khi mua thuốc về thì làm từng khâu một, nhồi thuốc, gắn si…lúc đó không ai nghĩ được về sự nguy hiểm đang rình rập với cách làm pháo thủ công ấy, nhưng đã là niềm vui thì có vẻ như mọi thứ đều không quan trọng. Có lẽ hồi hộp và mong đợi nhất là được đốt quả pháo đầu tiên do mình tự tay làm ra, một cảm giác cực kỳ khó tả dù nổ hay... xịt.

Gia đình anh đã chuẩn bị tết ra sao?

- Tôi vẫn luôn nhớ đến sự chuẩn bị của cái tết ngày xưa, có lẽ vì vật chất lúc đó nó quá quan trọng. Mọi người phải dùng tem phiếu để mua hàng tết, nói là hàng nhưng thực chất chỉ là một gói hàng được mua dành cho dịp tết mà lõi bên trong nhà nào cũng giống hệt nhau, một chai rượu chanh màu vàng trong veo với vị siro nhiều hơn men, một hộp chè Hồng Đào hay Thanh Hương bằng giấy, sang hơn thì nhãn Ba Đình bằng vỏ sắt. Một bao thuốc là Sông Cầu, một vài miếng bóng… nhưng đặc biệt nhất với lũ trẻ chúng tôi là hộp mứt Tết, nó làm bằng giấy bìa hình vuông có hình hoa đào, in trên bìa nên màu thường rất sỉn, với đủ các thứ mứt tổng hợp, có lẽ chỉ hai thứ mứt là tôi còn ấn tượng là mứt lạc và mứt dừa, dừa thì dễ ăn và con gái hay thích, còn lạc thì con trai hay được ăn hơn, phần còn lại luôn là của người lớn, mấy ngày tết tiếp khách chỉ trông vào gói mứt tết đó thôi.

Giờ đây tết chuẩn bị như thế nào thì thật khó nói, tất cả đều có sẵn, ngày 30 mua vẫn được, sáng mùng 1 lên phố cổ đã có phở ngon, chẳng phải lo lắng gì. Chính vì thế mà nó lại khó đọng lại một cái gì đấy trong ký ức.

Nhà tôi đang sống trong một con hẻm nhưng từ khi tôi dọn đến ở, mười năm nay gia đình tôi chưa từng qua hang xóm chúc tết và họ cũng vậy. Điều này khác hẳng so với nơi tôi ở ngày xưa. Cuộc sống ngày càng khép kín hơn.

Hình ảnh tết nào ghi nhớ trong anh?

- Những tà áo dài trên nền xác pháo dù đã xa lắm rồi.

• Trong tác phẩm của anh, anh có hình ảnh nào về tết không? Những khung cảnh nào anh muốn ghi nhớ lại?

Khi tôi làm phim, tôi luôn muốn hình ảnh thời bao cấp được ghi dấu lại, đạo cụ, phục trang, những gam màu xưa cũ luôn gợi cho tôi những hoài niệm xa xăm. Tôi thích đặc tả những khuôn mặt trong khoảng khắc giao thừa, trong đó có sự nuối tiếc và niềm hy vọng!

Cảm ơn anh và chúc anh một mùa Tết ấm áp.

Việt Quỳnh (thực hiện)