Học trực tuyến khó đạt hiệu quả như trên lớp
Chúng tôi tìm gặp TS Lê Thống Nhất- người sáng lập dự án giáo dục trực tuyến BigSchool giữa những ngày ca khúc “Đánh giặc Corona” do ông sáng tác đang thu hút người nghe trên internet. Ông cho rằng giai đoạn học sinh nghỉ học vì dịch Covid-19 cũng chính là cơ hội để phụ huynh gần con em mình. Điều quan trọng lúc này là học sinh nên tạo thói quen đọc sách, rèn luyện các kỹ năng sống cần thiết...
TS Lê Thống Nhất.
PV: Thưa ông, bước sang tuần thứ 3 học sinh nghỉ học vì dịch bệnh Covid-19, mặc dù các nhà trường phổ thông hiện nay áp dụng nhiều hình thức khác nhau để việc học của học sinh không bị gián đoạn, song nhiều bậc phụ huynh cũng bày tỏ lo lắng việc học từ xa sẽ không thể đảm bảo hiệu quả như học trên lớp?
TS Lê Thống Nhất: Phụ huynh lo lắng như thế là đúng. Theo dõi tình hình này tôi thấy một số nhà trường đi theo hướng: Dạy trực tuyến bài học mới; Giao bài tập củng cố kiến thức đã học. Yêu cầu học sinh gửi bài làm để thầy cô kiểm tra việc thực hiện bài tập, chữa cho học sinh những lỗi sai; Tạo video dạy kiến thức mới.
Theo tôi cả 3 cách này đều không nên bởi vì: Việc dạy kiến thức mới là không nên vì hầu hết các trường trên cả nước đều nghỉ học bởi vậy Bộ GDĐT sẽ có giải pháp để điều chỉnh về thời gian khung năm học đảm bảo thực hiện nội dung chương trình. Việc dạy trực tuyến hay dạy qua video chỉ là hỗ trợ cho việc dạy trên lớp chứ không thể thay thế việc dạy trên lớp. Việc củng cố kiến thức qua hình thức gửi mail cũng khá vất vả cho thầy cô soạn đề bài, chấm bài làm. Thậm chí nhiều phụ huynh đã kêu trên mạng xã hội là thầy cô giao nhiều bài tập quá tạo áp lực cho học sinh và cả phụ huynh. Theo tôi với việc củng cố kiến thức đã học nên tận dụng các trang thi trực tuyến, đã có sẵn kho đề kiểm tra từng phần nội dung kiến thức, hệ thống chấm tự động ngay khi học sinh làm bài xong và còn chỉ ra những câu học sinh làm sai. Phần thi trên BigSchool (https://exam.bigschool.vn/ ) hoàn toàn có thể giúp học sinh tự kiểm tra đánh giá kiến thức như thế. Việc này không nên ép về số lần làm bài mà nên để học sinh tự giác, tuỳ theo việc học sinh đã nắm vững kiến thức đến đâu.
Học trực tuyến không phải là khái niệm xa lạ nhưng để áp dụng với phần đông học sinh phổ thông hiện nay, nhất là ở các vùng sâu vùng xa là điều khó khả thi. Vậy có thiệt thòi cho các em thời gian nghỉ này không được học trực tuyến?
- Ngay cả ở thành phố lớn thì không phải gia đình nào cũng có điều kiện để con em học trực tuyến. Nếu bị ép học thì rất có thể phụ huynh lại đưa con ra quán internet, tập trung đông người là điều mà chúng ta đang khuyến cáo không nên trong giai đoạn phòng chống dịch.
Thông tin từ Bộ GDĐT cho biết những trường đã tổ chức việc học trực tuyến theo đúng thời khóa biểu và dạy kiến thức mới thì sau này vẫn phải tổ chức dạy bù. Ông có đồng tình với quan điểm này?
- Việc dạy trước chương trình hiện nay chỉ là hiện tượng lẻ tẻ, việc quản lý việc dạy học cần đồng bộ từ Bộ GDĐT, Sở GDĐT, Phòng GDĐT và nhà trường. Giải pháp nào nhà trường cũng cần tuân theo sự chỉ đạo của đơn vị quản lý trực tiếp. Bởi việc dạy trực tuyến khó thay thế việc dạy trực tiếp trên lớp nên theo tôi các thầy cô dù đã dạy trực tuyến cũng nên củng cố lại những kiến thức đã dạy trực tuyến.
Sát trùng lớp học để sẵn sàng đón học sinh trở lại trường.
Là một giáo viên đã từng có những bài giảng trực tuyến thu hút lượng người truy cập rất đông, ông có thể chia sẻ kinh nghiệm của mình để việc thiết kế một bài giảng trực tuyến khác với việc lên lớp trực tiếp như thế nào? Các giáo viên cần làm gì để giờ học trực tuyến hoặc bài giảng online trở nên hiệu quả nhất đối với người học?
- Tôi đã dạy trực tuyến ngay từ khi trang dạy trực tuyến đầu tiên ra đời, trang Trường Thi, khi đó chỉ là video đưa bài soạn như viết trên bảng cùng lời giảng của mình. Tất nhiên tới nay việc dạy trực tuyến đã có những tính năng tốt hơn nhiều nhưng cũng không thay được việc dạy trên lớp, đây chỉ là hỗ trợ hoặc học sinh tham khảo thêm mà thôi. Kịch bản dạy trực tuyến cần làm khác với dạy trực tiếp và đặc biệt khi giáo viên không quan sát được việc học sinh học.
Bài giảng cần phải chia nhỏ từng đoạn, sau mỗi đoạn cần có cách tương tác như là giáo viên đặt câu hỏi để kiểm tra sự tiếp thu của học sinh, căn cứ vào kết quả của việc này để cho học sinh học tiếp phân đoạn sau. Muốn làm việc này cần có phần mềm đã tạo sẵn hình thức này, nếu chưa có phần mềm hỗ trợ thì giáo viên sẽ gặp nhiều khó khăn để tạo hiệu quả cho bài giảng. BigSchool (https://class.bigschool.vn/ ) đã có sẵn hệ thống hỗ trợ để giáo viên làm việc này. Trên BigSchool, các bài giảng mà giáo viên thiết kế được lưu lại để học sinh có thể học bất cứ lúc nào và học lại khi cảm thấy chưa hiểu hết. Đồng thời cũng có rất nhiều bài giảng của các thầy cô trên cả nước mà học sinh có thể vào học ngay. Tuy nhiên cũng nhắc lại, việc học trực tuyến khó đạt hiệu quả như học trên lớp.
Theo ông, giai đoạn này học sinh phổ thông nên làm gì?
- Theo tôi giai đoạn này lại là cơ hội để phụ huynh gần con em mình và điều quan trọng lúc này là học sinh nên tạo thói quen đọc sách, tất nhiên phụ huynh phải hướng dẫn con nên đọc những loại sách nào (có thể trao đổi để hỏi ý kiến những ai có kinh nghiệm về việc này). Ngoài ra nhân dịp này phụ huynh nên rèn luyện con em mình về kỹ năng sống. Từ những việc giúp đỡ gia đình đến những kỹ năng thoát hiểm, bảo vệ và tự phục vụ bản thân, những kiến thức về phòng chống dịch bệnh. Chúng ta biến hoàn cảnh bất thường này thành cơ hội dạy những kiến thức về xã hội, về tình người.
Trân trọng cảm ơn ông!