Cần đánh giá đúng vai trò phản biện của Mặt trận trước khi ban hành Luật
Ngày 19/2, Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Ngô Sách Thực chủ trì Hội nghị phản biện xã hội Dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Quang cảnh Hội nghị.
Kể từ khi được Quốc hội ban hành, Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 đã góp phần hoàn thiện hơn hành lang pháp lý cho hoạt động xây dựng ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Tuy nhiên, trong thực tiễn thực hiện các quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, bên cạnh những điểm tích cực thì còn có những hạn chế, vướng mắc nhất định. Trong đó, có những nội dung quy định liên quan đến sự phân công, phối hợp trong hoạt động lập pháp; quy định về vị trí, vai trò của MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội trong công tác góp ý, phản biện xã hội và xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật còn chưa thật đầy đủ, còn chung chung, chưa đủ cụ thể để thực hiện, quy định chưa thống nhất với các quy định của các luật có liên quan hoặc thiếu các biện pháp bảo đảm thực hiện.
Là người tham gia xây dựng văn bản Luật từ năm 2002, ông Hoàng Thế Liên - nguyên Thứ trưởng Bộ Tư pháp cho rằng, mục đích khi luật ban hành nhằm đề cao trách nhiệm của từng cơ quan và bảo đảm dân chủ để văn bản pháp luật đáp ứng yêu cầu xây dựng pháp luật. Tuy nhiên hiện nay, việc lấy ý kiến nhân dân trước khi ban hành văn bản còn hình thức, chưa đảm bảo tính dân chủ. Do đó, Luật cần xây dựng cơ chế cụ thể đối với việc tham gia ý kiến góp ý của nhân dân, tránh hình thức và phải giải trình việc tiếp thu ý kiến của nhân dân trước Quốc hội.
“Là những người làm luật thì cần chỉ rõ luật trước khi ban hành nhân dân có đồng tình hay không, không thể khoán trắng cho nhân dân như hiện nay; cần phải làm rõ vai trò phản biện của MTTQ đối với các văn bản quy phạm pháp luật và phải có hội nghị điều trần trước khi thẩm tra dự án luật. Hiện nay vẫn còn tình trạng Luật ban hành rồi nhưng chưa có Nghị định triển khai, cần phải có chỉ đạo quyết liệt đối với vấn đề này”- ông Hoàng Thế Liên kiến nghị.
Đề cập đến nguyên tắc xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật, TS Nguyễn Đình Quyền- nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp cho rằng, theo quy định của pháp luật hiện hành thì hoạt động xét xử, hoạt động thanh tra, hoạt đông giám sát đều có sự tham gia của nhân dân và của MTTQ Việt Nam. Do đó, việc bổ sung nguyên tắc đảm bảo sự tham gia của nhân dân và MTTQ Việt Nam trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật là cần thiết, nhất là trong tình hình hiện nay mặc dù đã qua các khâu thẩm định, thẩm tra nhưng khi ban hành các chính sách, pháp luật vẫn đang tồn tại vấn đề lợi ích nhóm, lợi ích ngành.
Theo PGS.TS Bùi Xuân Đức, thành viên Hội đồng Tư vấn Dân chủ - Pháp luật UBTƯ MTTQ Việt Nam, Luật Sửa đổi phải thể hiện rõ tinh thần đổi mới của Hiến pháp năm 2013, phải nêu rõ vai trò của Mặt trận trong quá trình tham gia phản biện đối với các văn bản quy phạm pháp luật trước khi ban hành. Bên cạnh đó có văn bản yêu cầu tiếp thu những ý kiến góp ý của Mặt trận đối với các văn bản quy phạm pháp luật.
“Việc sửa đổi cũng phải nêu rõ vai trò của Chính phủ trong ban hành chính sách và thực hiện quyền hành pháp. Đối với các vấn đề phát sinh, phải đề cập đến vai trò của Chính phủ; đồng thời phải xem xét, giải quyết những vấn đề đó” - ông Bùi Xuân Đức nhấn mạnh.
Ở góc độ khác, bà Bùi Thị Hòa- Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam cho rằng, quyền tham gia xây dựng pháp luật là nhóm quyền thể hiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của người dân. Pháp luật phải thực sự thể hiện ý chí, nguyện vọng của nhân dân. Quyền tham gia xây dựng pháp luật của người dân đã được quy định trong Hiến pháp…Theo đó, nhân dân có quyền tham gia vào xây dựng pháp luật thông qua ý kiến trực tiếp hoặc thông qua đại biểu Quốc hội, các tổ chức đại diện. Trong thực tế, chúng ta đã tổ chức việc lấy ý kiến nhân dân thông qua Cổng Thông tin điện tử Chính phủ. Tuy nhiên cũng có những Luật người dân không có ý kiến nào. Do đó, cần làm sao để thực chất hơn, người dân quan tâm và có nhiều ý kiến đóng góp hơn. MTTQ Việt Nam tổng hợp ý kiến của người dân thông qua HĐTV, các tổ chức thành viên cũng như việc tập hợp ý kiến nhân dân thông qua ý kiến của cử tri nhưng việc tiếp thu cần được chú trọng và bài bản hơn.
“Đối với những vấn đề liên quan đến bình đẳng giới trong xây dựng pháp luật, chúng ta chưa thực sự thống nhất trong xây dựng luật. Rõ ràng với quy định như vậy các cơ quan soạn thảo nhận thức vấn đề này một cách chung chung, có cơ quan có, có cơ quan không. Cơ quan soạn thảo rất dễ bỏ qua đánh giá tác động giới trong xây dựng quy phạm pháp luật vì đánh giá vấn đề giới là một quá trình khó khăn, không dễ nhận diện”- bà Hòa chia sẻ.
Phát biểu tại Hội nghị, Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Ngô Sách Thực nhấn mạnh, thời gian qua, vai trò phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam đối với việc xây dựng văn bản quy phạm pháp luật ngày càng được quan tâm, lần đầu tiên trong Hiến pháp năm 2013 quy định chức năng, nhiệm vụ phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam, quy định này đã được cụ thể hóa thành một chương riêng trong Luật MTTQ Việt Nam năm 2015.
Tuy nhiên, Phó Chủ tịch Ngô Sách Thực cho rằng, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 lại không có bất cứ một quy định nào về thẩm quyền và trách nhiệm phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam. Hạn chế này trên thực tế cũng đã ảnh hưởng rất bất lợi đến việc thực hiện chức năng phản biện xã hội đối với các dự án văn bản quy phạm pháp luật của MTTQ Việt Nam trong những năm qua. Bên cạnh đó, một số văn bản góp ý gửi tới Mặt trận thời gian quá gấp; các văn bản góp ý liên quan đến nhiều lĩnh vực; tài liệu gửi đến chưa thực sự đầy đủ và đáp ứng yêu cầu nghiên cứu góp ý; đồng thời, việc tiếp thu và phản hồi ý kiến phản biện của Mặt trận chưa rõ ràng.
Phó Chủ tịch Ngô Sách Thực đề nghị trong Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật cần bổ sung hình thức Nghị quyết liên tịch ba bên giữa Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam với Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ; bổ sung các quy định về phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam, về giám sát văn bản của MTTQ Việt Nam để phù hợp với quy định của Hiến pháp năm 2013 và Luật MTTQ Việt Nam năm 2015. Đặc biệt, đối với những dự án luật có tác động lớn đến quyền và lợi ích cơ bản của nhân dân và xã hội, có nhiều ý kiến khác nhau thì phải lấy ý kiến phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam hoặc các tổ chức chính trị - xã hội trước khi thông qua và cần quy định rõ quy trình, thời gian, hồ sơ gửi lấy ý kiến phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam.
Những ý kiến phát biểu tại Hội nghị sẽ được Ban tổ chức tiếp thu, chỉnh sửa cho hoàn chỉnh để gửi tới Ban Soạn thảo dự án luật của Quốc hội trước khi ban hành - Phó Chủ tịch Ngô Sách Thực cho biết.