Không ngại đối mặt với hiểm nguy
Hiện 14/16 bệnh nhân mắc Covid-19 đã được chữa khỏi và từ ngày 15/2 đến nay Việt Nam không ghi nhận ca mắc mới. Mặc dù chưa thể lạc quan, nhưng chúng ta đang làm rất tốt công tác phòng, chống dịch bệnh.
Các bác sĩ điều trị cho bệnh nhân nhiễm Covid-19.
Là những người trực tiếp tham gia vào công tác khám, điều trị cho bệnh nhân nhiễm Covid-19, các bác sĩ (BS) tại Bệnh viện (BV) Nhiệt đới Trung ương phải đối diện với áp lực rất lớn. BS Nguyễn Viết Nam - khoa Cấp cứu, BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương chia sẻ: Chúng tôi xác định đã làm BS chuyên ngành truyền nhiễm thì không được nề hà trong lúc có dịch bệnh. Những ngày qua chúng tôi làm việc với cường độ và áp lực rất lớn, hầu như không có ngày nghỉ.
Tại xã Sơn Lôi, huyện Bình Xuyên (Vĩnh Phúc), BS. Hoàng Hữu Việt - Trưởng Khoa Truyền nhiễm, BV Đa khoa tỉnh cho biết, công suất làm việc của các y, bác sĩ, điều dưỡng tại Khoa Truyền nhiễm cao gấp 2,5 lần so với ngày thường. Ngoài thường xuyên cập nhật phác đồ chẩn đoán, hướng dẫn công tác dự phòng lây nhiễm bệnh tật, Khoa Truyền nhiễm đã phân thành 3 khu riêng biệt gồm: Khu cách ly điều trị đặc biệt, khu khám bệnh lý hô hấp cấp tính và khu khám, điều trị các bệnh truyền nhiễm. Đặc biệt, để tránh gây tâm lý hoang mang, trốn viện của các bệnh nhân nghi ngờ mắc bệnh dịch đang theo dõi tại đây, Khoa đã giao nhiệm vụ cụ thể cho từng kíp trực, thường xuyên kiểm tra, động viên bệnh nhân, chăm sóc dinh dưỡng chu đáo để họ nâng cao sức đề kháng.
Trong khi các BS tại tuyến đầu thành công điều trị khỏi cho bệnh nhân thì tại “hậu phương”, các nhà khoa học của Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương đã nuôi cấy và phân lập thành công Covid-19 trong phòng thí nghiệm sau 72 giờ và là nước thứ 4 trên thế giới nuôi cấy phân lập thành công virus Covid-19.
Đây là một bước tiến của ngành Y tế Việt Nam, với việc nuôi cấy phân lập thành công virus Covid-19 sẽ giúp các nhà khoa học rút ngắn khoảng cách, tạo tiền đề trong việc nghiên cứu và phát triển vaccine trong tương lai, cũng như đưa ra các biện pháp dự phòng hiệu quả hơn. Bên cạnh đó, mẫu Covid-19 nuôi cấy thành công còn được sử dụng làm mẫu chuẩn trong sản xuất các bộ sinh phẩm chẩn đoán nhanh virus corona.
TS. Hoàng Vũ Mai Phương - Trưởng khoa Virus, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương chia sẻ: Đêm 28 Tết Canh Tý, chúng tôi nhận được thông báo có trường hợp nghi ngờ mắc Covid-19 đầu tiên. Lúc đó, trong Khoa virus còn lại 18 người nhận nhiệm vụ đi đến nơi cách ly để gặp bệnh nhân và lấy mẫu bệnh phẩm.
Nuôi cấy, phân lập Covid - 19 được Khoa Virus – Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương tiến hành tại Trung tâm Cúm Quốc gia và phòng an toàn sinh học cấp 3 – cấp cao cấp nhất tại nước ta với những nhà khoa học có đầy kinh nghiệm, cũng chính những nhà khoa học này đã thành công phân lập virus SARS 2003.
Nhưng, đằng sau những thành công ấy, là sự cố gắng của cả tập thể các nhà khoa học của Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương. Áp lực là rất lớn khi chỉ một sơ sẩy nhỏ, chính họ cũng nhiễm phải Covid - 19. Ths Ứng Thị Hồng Trang - Khoa Virus, BV Nhiệt đới Trung ương tâm sự: Áp lực, tâm lý với tất cả mọi người, đặc biệt với những người trực tiếp làm việc với mẫu bệnh phẩm như chúng tôi. Vì đây là một loại virus mới, nên ai cũng lo lắng. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn phải trấn an người thân rằng chủng virus mới này không quá nguy hiểm và chúng tôi đang được làm việc trong điều kiện an toàn sinh học...
Sự hy sinh thầm lặng của họ - những người chiến sĩ áo trắng thật đáng trân trọng.