Thương mại điện tử nhộn nhịp
Dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới virus corona (Covid-19) vẫn phức tạp. Nắm được tâm lý của người tiêu dùng, nhiều thương nhân đã chuyển sang kinh doanh mua sắm trực tuyến (thương mại điện tử) thay vì bán hàng truyền thống. Chính bởi vậy, trong vòng khoảng 1 tháng trở lại đây, dịch vụ bán hàng, kinh doanh trên sàn thương mại điện tử (TMĐT) tăng trưởng mạnh.
Nhiều người tiêu dùng thành thị chọn kênh mua sắm trực tuyến.
Doanh thu tăng vọt
Khác với thông lệ, vào các dịp cuối tuần, các trung tâm mua sắm, cửa hàng, quán ăn,… rất đông khách, nhưng những ngày gần đây lại rơi vào tình trạng vắng vẻ, ảm đạm bởi phần lớn người tiêu dùng lo sợ lây nhiễm dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona gây ra ở những chỗ đông người. Thay vào đó, nhiều người tiêu dùng đã lựa chọn các kênh mua sắm trực tuyến để hạn chế thấp nhất việc tiếp xúc với đông người. Nắm bắt tâm lý này của người tiêu dùng, nhiều doanh nghiệp (DN) lập tức đã phát triển dịch vụ mua bán, giao dịch trên các kênh TMĐT và thực tế, các DN, thương nhân đã đạt được doanh thu đáng kể.
Chủ một cửa hàng bánh pizza tại Hà Đông (Hà Nội) cho biết, trong gần một tháng qua, do dịch bệnh Covid-19 khiến cho các trường học đều nghỉ học. Dịp này, mặc dù lượng khách đến mua trực tiếp tại cửa hàng giảm đáng kể thì bù lại, lượng khách mua hàng online tăng mạnh. “Nếu như ngày thường doanh thu của cửa hàng chỉ khoảng 5-7 triệu đồng/ ngày thì “tháng dịch”, cửa hàng đạt doanh thu trên 20 triệu đồng/ ngày và chủ yếu là khách đặt hàng online”- vị chủ tiệm bánh pizza chia sẻ và cho biết thêm, để tăng lượng khách hàng mua sắm thời bệnh dịch, nhà hàng có nhiều hình thức khuyến mại như miễn phí tiền vận chuyển, mua một tặng hai và nhiều hình thức kích cầu khác như tặng khẩu trang, nước rửa tay cho khách mua hàng. Với các hình thức khuyến mại này, vị chủ cửa hàng bánh pizza cho biết, lượng khách tăng mạnh trong một tháng vừa qua.
Cũng nhằm kích cầu mua sắm trực tuyến trong mùa dịch, anh Nguyễn Văn Thế- chủ một cửa hàng thời trang trên phố Thái Hà (Hà Nội) cho hay, lượng khách đến cửa hàng trực tiếp xem hàng giảm rõ rệt. Chính bởi vậy, anh Thế cũng đã giao bán, chào hàng trên các trang mạng xã hội. Doanh thu nhờ đó không bị ảnh hưởng bởi bão dịch. “Thời trang là mảng rất nhiều DN cạnh tranh, bởi vậy, nếu cứ bán theo kiểu truyền thống, DN sẽ rất khó sống trong thời buổi cách mạng công nghiệp 4.0, đặc biệt là trong bão dịch Covid-19 hiện nay”- anh Thế chia sẻ. Song để thu hút người tiêu dùng, chủ cửa hàng thời trang này đã thực hiện nhiều giải pháp kích cầu mua sắm như miễn phí vận chuyển hoặc giảm giá 30%-50% đối với khách hàng chia sẻ thông tin trên mạng xã hội qua tài khoảng face book cá nhân.
Theo ghi nhận của phóng viên, không chỉ các cửa hàng, người bán online có số lượng đơn hàng tăng vọt, mà ngay tại các hàng ăn có tiếng của Hà Nội, số lượng người mua đặt hàng qua các ứng dụng Grab, GoViet… cũng tăng vọt. Chủ một cửa hàng bún chả trên phố Lê Văn Hưu (Hà Nội) cho biết, lượng đơn hàng đặt qua dịch vụ này tăng mạnh so với thời điểm không có dịch, mỗi ngày tăng khoảng 40-50 đơn hàng so với trước.
Những rủi ro tiềm ẩn
Dù có nhiều lợi thế, song bên cạnh đó, các kênh giao dịch TMĐT cũng tiềm ẩn không ít rủi ro. Giới chuyên gia trong ngành nhận định, do nền tảng pháp lý chưa hoàn thiện nên loại hình kinh doanh này vẫn đang bộc lộ nhiều bất cập, rủi ro. Tình trạng chạy đua kinh doanh giữa các đơn vị bán hàng để chiếm thị phần khiến cho nhiều người tiêu dùng lâm cảnh “mất cả chì lẫn chài” khi mua hàng trên mạng.
Chị Nguyễn Thu Thủy (phố Hàng Chiếu, Hà Nội) cho biết, chị là một trong những nạn nhân của việc mua sắm online khi sản phẩm quảng cáo một đằng nhưng khi đến tay khách hàng lại … ra một nẻo. “Tôi có đặt mua một số đôi hoa tai mỹ ký, hàng chụp trên mạng rất đẹp, rất lung linh, nhưng khi nhận hàng thì không thể sử dụng được luôn”- chị Thủy cho biết.
Trước những bất cập này, giới chuyên gia khuyến cáo, người tiêu dùng nên tìm đến những địa chỉ mua sắm trực tuyến uy tín, đáng tin cậy để mua hàng. Bên cạnh đó, người tiêu dùng cần nâng cao cảnh giác, không được cung cấp thông tin bảo mật cho bất kỳ ai để tránh tình trạng tài khoản bị hack dẫn đến cảnh “tiền mất tật mang”.
Nói về thực trạng này, ông Tiêu Quang Khánh- Phòng Kiểm soát tập trung kinh tế, Cục Cạnh tranh và bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công thương) cho biết, trong lĩnh vực kinh tế TMĐT, hầu hết các nhà cung ứng thường đưa ra các thông tin sai lệch nhằm thu hút khách hàng. “Đây là hình thức tương đối phổ biến trong lĩnh vực TMĐT. Trong trường hợp nếu người tiêu dùng hoặc khách hàng phát hiện những hành vi gian dối này, hoàn toàn có thể thông báo cho Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng hoặc Cục TMĐT (Bộ Công thương) để cơ quan chức năng vào cuộc điều tra, xử lý”- ông Khánh nói.