Hiểu đúng về chương trình chất lượng cao
Chương trình đào tạo chất lượng cao trong các trường đại học (ĐH) lâu nay luôn là mối quan tâm của người học. Tại Hội nghị trực tuyến tổng kết công tác tuyển sinh 2019 và triển khai công tác tuyển sinh năm 2020 vừa được tổ chức, một lần nữa chương trình đào tạo chất lượng cao lại được đặt ra. Có những ý kiến cho rằng, cần gọi là chương trình có dịch vụ chất lượng cao cho phù hợp.
Chương trình đào tạo chất lượng cao cần được hiểu đúng.
Dịch vụ chất lượng cao
Trước đó, Thông tư 23/2014/TT – BGDĐT quy định về đào tạo chất lượng cao trình độ ĐH đã tạo điều kiện cho nhiều trường mở hệ chất lượng cao. Nay điểm mới trong Dự thảo Quy chế tuyển sinh năm 2020 quy định điểm trúng tuyển chương trình chất lượng cao phải bằng hoặc cao hơn ngành học theo chương trình chuẩn đã gây ra tranh luận giữa các trường đại học và Bộ GDĐT. Theo đó, góp ý cho Dự thảo Quy chế tuyển sinh 2020, vấn đề tuyển sinh chương trình chất lượng cao nhận được nhiều ý kiến tranh luận.
Nhận định từ các chuyên gia, về cơ bản, chương trình học của hệ đại trà và chất lượng cao gần như là giống nhau. Điểm khác biệt dễ thấy nhất giữa hai chương trình này là học phí và điều kiện cơ sở vật chất có sự khác biệt đáng kể.
Góp ý cho Điều 5 của Quy chế yêu cầu điểm trúng tuyển phải bằng hoặc cao hơn chương trình chuẩn cùng ngành đào tạo, PGS.TS Bùi Hoài Thắng-Trưởng phòng đào tạo, Trường ĐH Bách khoa - ĐH Quốc gia TP Hồ Chí Minh đề nghị sửa thành “ngưỡng đảm bảo chất lượng”, vì mục tiêu tuyển sinh là đảm bảo nguồn tuyển tốt. Như vậy, nếu nguồn tuyển của chương trình chất lượng cao thông qua ngưỡng đảm bảo chất lượng nó tốt hơn hoặc bằng ngưỡng đại trà, thì đó là điều đúng. Còn điểm trúng tuyển lại phụ thuộc vào hồ sơ nộp.
PGS.TS Đỗ Văn Dũng- Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP Hồ Chí Minh phân tích: Các chương trình chất lượng cao ở phía Nam thực chất là các chương trình dịch vụ chất lượng cao. Tức là chương trình đào tạo hoàn toàn khác, điều kiện khác, phương pháp khác, đặc biệt là học phí khác, học phí cao hơn nhiều hệ đại trà. Theo đó, Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP Hồ Chí Minh sẵn sàng quy định ngưỡng đảm bảo chất lượng từ 18 điểm trở lên cho tất cả các ngành học của chương trình chất lượng cao và đại trà. Nhưng đó là ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào chứ không phải là điểm trúng tuyển.
Lắng nghe để điều chỉnh
Ông Đỗ Văn Dũng đảm bảo rằng chương trình chất lượng cao chắc chắn 100% sẽ cao hơn hệ đại trà vì học trong điều kiện tốt hơn nhiều. Học phí cao dẫn đến điểm đầu vào thấp hơn một chút chứ không phải là chất lượng học không cao. Ông Dũng cũng cung cấp thông tin: sinh viên học chương trình đại trà ra trường có tỉ lệ 86% có việc làm nhưng 100% sinh viên chương trình chất lượng cao ra trường có việc làm…
Dẫu thế, nhiều câu hỏi cũng đang được người học đặt ra, rằng có chuẩn nào cho chương trình đào tạo chất lượng cao hay không? Ghi nhận thực tế cho thấy, ở một số trường, cùng ngành nhưng khi tuyển đầu vào, điểm chuẩn của hệ chất lượng cao có thấp hơn hệ đại trà. Chỉ vì đậu cho được, nhiều sinh viên đã bỏ qua hai yếu tố quan trọng, đó là học phí và trình độ tiếng Anh, nhất là các chương trình dạy hoàn toàn bằng tiếng Anh. Trong các mùa tuyển sinh vừa qua, đã xuất hiện tình trạng nhiều thí sinh không kham nổi học phí, hoặc trầy trật mãi không nộp được chứng chỉ tiếng Anh quốc tế theo chuẩn quy định.
Liên quan tới vấn đề này, tại Hội nghị ông Phạm Như Nghệ- Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH, Bộ GDĐT cho rằng: Làm sao gọi là chương trình chất lượng cao được khi thí sinh thi chương trình thường thì không trúng tuyển nhưng thi vào chương trình chất lượng cao lại trúng tuyển? Cần phải cân nhắc điều này. Do đó, câu chuyện về tuyển sinh chương trình chất lượng cao trong quy chế mới là dự thảo, Bộ GDĐT sẽ tiếp tục lấy ý kiến.
Không phải cho đến thời điểm góp ý cho dự thảo Quy chế tuyển sinh 2020, mà từ nhiều mùa tuyển sinh trước TS Lê Thị Thanh Mai-Trưởng Ban công tác sinh viên ĐH Quốc gia TP Hồ Chí Minh đã lưu ý người học không nên nhầm tưởng bằng cấp chương trình chất lượng cao là cao hơn bằng đại trà khi sinh viên đi xin việc. Chi phí cao thì được ưu đãi hơn trong điều kiện học tập là điều đương nhiên. Tuy nhiên, có thành công hơn sau khi học theo chương trình này hay không, thì tất cả là tùy ở năng lực và tinh thần học tập của sinh viên.
Bàn về chương trình chất lượng cao, một số ý kiến cũng đề nghị không nên quy định điểm trúng tuyển đối với ngành học chương trình chất lượng cao như hiện tại, mà nên để các trường quy định chuẩn chất lượng cao. Bởi đó là sự cam kết về danh dự, uy tín của chính nhà trường. Còn chương trình và hiệu quả chất lượng cao đến đâu hãy để xã hội và thị trường đánh giá.