Không đưa lao động đi đúng hạn, doanh nghiệp phải trả lại phí
Đây là một trong nội dung đáng chú ý của Dự thảo Luật người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài (sửa đổi) đang được Bộ LĐTB&XH xây dựng.
Ảnh minh họa.
Theo Bộ LĐTB&XH, nhiều nội dung sẽ phải sửa đổi một cách toàn diện, từ phạm vi, đối tượng điều chỉnh của Luật, những vấn đề mới và cả những vấn đề còn vướng mắc trong thời gian qua để đảm bảo Luật mới được xây dựng một mặt giải quyết được tất cả những vướng mắc đang đặt ra, đồng thời, vừa đảm bảo quản lý nhà nước vừa thích ứng với thị trường lao động.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, Dự án Luật người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi) tập trung vào 6 nhóm nội dung chính: Sửa đổi, bổ sung các loại hợp đồng đi làm việc ở nước ngoài trên cơ sở các hình thức đi làm việc ở nước ngoài của Luật hiện hành; Minh bạch hóa quy định và nâng cao điều kiện đầu tư kinh doanh đối với ngành nghề hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài; Tuyển chọn, đào tạo lao động và chuẩn hóa nguồn lao động đi làm việc ở nước ngoài; Chi phí đối với người lao động đi làm việc ở nước ngoài phù hợp với thực tế thị trường, xu hướng quốc tế, đảm bảo trách nhiệm của doanh nghiệp với người lao động; Các quy định về hình thức tổ chức và mở rộng phạm vi hỗ trợ của Quỹ Hỗ trợ việc làm ngoài nước; Quy định về quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm pháp lý đối với người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.
Đánh giá về việc cần thiết phải ban hành Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi), tại cuộc họp Hội đồng thẩm định Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài, Thứ trưởng Bô Tư pháp Phan Chí Hiếu cho rằng: Việc ban hành Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng năm 2006 (Luật số 72) đã tạo ra hành lang pháp lý đồng bộ để điều chỉnh hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài, phù hợp với điều kiện trong nước và quốc tế, tạo thuận lợi cho hoạt động của các doanh nghiệp, bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động, đồng thời tăng cường công tác quản lý người lao động đi làm việc ở nước ngoài. Bên cạnh những kết quả đạt được, thực tiễn hơn 12 năm thi hành Luật số 72 cho thấy, một số quy định không đảm bảo sự đồng bộ và phù hợp với các Luật mới được Quốc hội ban hành trong thời gian gần đây; nhiều hình thức hợp tác, dịch chuyển lao động mới trong thời gian gần đây chưa được quy định trong Luật số 72; điều kiện cấp giấy phép hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài còn chưa chặt chẽ…Vì vậy, việc sửa đổi Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng là cần thiết để nhằm bảo vệ tốt hơn đối với người lao động làm việc ở nước ngoài. Tuy nhiên để xây dựng được Luật đáp ứng với yêu cầu, đồng thời đảm bảo quyền lợi cho NLĐ cũng như của doanh nghiệp, đại diện Bộ Tư pháp cho rằng, cơ quan chủ trì soạn thảo cần rà soát kỹ các chính sách mới; đồng thời làm rõ hơn mục đích, yêu cầu trong dự thảo Tờ trình.