Du khách Việt hậu Covid-19
Tới thời điểm này, khi Việt Nam đã là điểm đến an toàn do phòng chống, điều trị hiệu quả dịch viêm đường hô hấp cấp (Covid-19), thì ngành du lịch đã nhanh chóng lên kế hoạch khôi phục. Trong khi du khách quốc tế phần nào còn phải chờ đợi, thì việc kích cầu du lịch nội địa được coi là giải pháp quan trọng.
Do khống chế tốt dịch bệnh do Covid-19, Việt Nam đã thực sự trở thành điểm đến an toàn. Ảnh: Quang Vinh.
Liệu khách nội có cứu” được ngành du lịch?
Tới thời điểm này, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, du lịch Việt Nam gần như mất trắng thị trường lớn nhất là Trung Quốc. Các thị trường lớn khác, trong đó có Hàn Quốc khi Seoul khuyến cáo người dân xứ kim chi không nên đi du lịch một số nơi, trong đó có Việt Nam.
Tuy nhiên, do khống chế tốt dịch bệnh do Covid-19 gây ra, nên Việt Nam đã thực sự trở thành điểm đến an toàn. Vì thế, việc khôi phục, tăng tốc phát triển du lịch đã được đặt ra, nhất là với khách du lịch trong nước. Nhiều ý kiến cho rằng, khách nội địa sẽ là “nắm đấm” của ngành du lịch.
Lý do thứ nhất là quy mô thị trường với một quốc gia gần 100 triệu dân không hề nhỏ. Thứ hai, tốc độ phản hồi với các chương trình kích cầu du lịch cũng như sự bùng nổ trở lại của du khách trong nước sau ít ra là 2 tháng giảm các chuyến đi, đặc biệt lại trùng với dịp du xuân, lễ hội.
Theo Tổng cục Du lịch, năm 2019, lượng khách nội địa đạt đến 85 triệu lượt, tăng 6% so với năm 2018. Nhìn chung trong hơn 5 năm qua, khách du lịch nội địa luôn tăng trưởng. Cũng thống kê của năm 2019, mức chi tiêu bình quân của khách nội địa là 5,8 triệu đồng/lượt khách nghỉ qua đêm và 1,92 triệu đồng/lượt khách không nghỉ qua đêm. Con số này cho thấy có sự gia tăng trong chi tiêu nếu so với các năm trước (cụ thể năm 2018, các con số lần lượt là 5,1 triệu đồng và 1,7 triệu đồng).
Theo các doanh nghiệp lữ hành và khách sạn, khách du lịch nội địa có mức chi trả ngày càng tốt hơn và phân khúc khách hàng đã phát triển đa dạng. Đặc biệt, khách du lịch trong nước có phản hồi rất tốt và nhanh với các chương trình khuyến mãi, giảm giá. Theo ông Nguyễn Ngọc An (Công ty lữ hành Fiditour), gần như các chương trình giảm giá đều có hiệu quả thu hút khách ngay lập tức. Nếu có chương trình hấp dẫn, chỉ chừng 3 tháng là thị trường trong nước hồi phục. Còn ông Phan Đình Huê- Giám đốc Công ty Du lịch Vòng Tròn Việt thì cho rằng thị trường quốc tế cũng rất cần kích cầu nhưng do mảng này cần nhiều thời gian hơn mới có thể kéo khách nên du khách Việt sẽ là đích ngắm trước mắt và sẽ có hiệu quả ngay.
Nhiều doanh nhân lĩnh vực du lịch cũng cho biết đang chuẩn bị kêu gọi đối tác cùng đưa ra các sản phẩm khuyến mãi sau dịch Covid-19, vì không chỉ doanh nghiệp mà nhiều địa phương cũng muốn nhanh chóng thu hút khách để bù vào phần sụt giảm do ảnh hưởng của dịch. Theo bà Nguyễn Thị Khánh- Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch TP HCM, tới nay đã có có 40 tỉnh thành cùng nhiều doanh nghiệp hàng không, đường sắt, đường bộ, đường thủy và dịch vụ tại điểm đến đồng ý cùng tham gia kích cầu cho chương trình phục hồi du lịch sau Covid-19. Các điểm đến được giới thiệu trước sẽ là Đồng bằng sông Cửu Long cùng cụm Phú Yên, Gia Lai và Kon Tum.
“Nếu hành động tốt sau dịch thì có thể sẽ tạo nên một lực đẩy mới cho thị trường nội địa”- bà Khánh nói.
Giảm bao nhiêu thì đủ kích cầu?
Cho dù dự đoán du lịch trong nước sẽ “bùng nổ” sau Covid-19, nhưng nhiều doanh nghiệp cho rằng để người dân nhanh chóng “bước qua tâm lý sợ dịch” thì không chỉ dựa vào tuyên truyền mà quan trọng hơn đó phải là giảm giá để kích cầu. Giá phải giảm sâu, với tour trọn gói phải từ 30% trở lên mới có thể nhanh chóng thu hút khách- đó là ý kiến của nhiều doanh nghiệp lữ hành.
Ngành du lịch tỉnh Ninh Bình đã lên kế hoạch sẵn sàng khai thác du khách nội địa sau Covid-19.
Theo bà Đoàn Thị Thanh Trà (Công ty Dịch vụ lữ hành Saigontourist), với thị trường nội địa, cần chuẩn bị sản phẩm phù hợp cho mùa này để kích cầu, thu hút đối tượng khách quan trọng là nhóm khách gia đình đi du lịch hè với trẻ em. Nói như bà Trà thì “điều quan trọng của kích cầu sau dịch là phải chọn “món cỗ” đúng vị thèm của khách”. Còn theo ông An (Fiditour) thì trước tiên hãy nhắm vào giới trẻ vì những vị khách này cũng sẽ là những “kênh truyền thông tích cực” tự bản thân nó vẫy gọi các những nhóm khách hàng khác lên đường.
Theo Hiệp hội Du lịch TP HCM, muốn kích cầu du lịch khi điều kiện cho phép thì doanh nghiệp lĩnh vực này cần được hỗ trợ bằng các hình thức như giảm thuế VAT, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, giảm lãi suất ngân hàng... Trong Văn bản kiến nghị của Hiệp hội gửi Tổng cục Du lịch và Hiệp hội Du lịch Việt Nam, Hiệp hội cho rằng thiệt hại của ngành du lịch TP HCM trong đợt dịch Covid-19 lần này sẽ lớn hơn nhiều so với đợt sụt giảm khách do virus SARS gây ra vào năm 2003. Vì thế, Hiệp hội đề nghị Tổng cục Du lịch và Hiệp hội Du lịch Việt Nam kiến nghị Chính phủ hỗ trợ bằng các hình thức như miễn, giảm 50% thuế VAT; giảm 50% thuế thu nhập doanh nghiệp cho cả năm 2020; giảm thuế đất phần không xây dựng trong các khu du lịch; kéo dài thời gian ân hạn và giảm lãi suất ngân hàng. Tương tự, bà Khánh (Hiệp hội Du lịch TP HCM), cũng cho biết, quỹ dự phòng chỉ có thể xoay xở trong vòng 2-3 tháng tới. Vì phần lớn thành viên là doanh nghiệp có quy mô nhỏ và vừa nên quỹ dự phòng không lớn, nếu dịch kéo dài hơn nữa - chừng 6 tháng, nhiều công ty sẽ phá sản. Vì thế cần có chính sách kinh tế thiết thực hỗ trợ doanh nghiệp du lịch.
Trong một diễn biến khác, việc dời thời gian tổ chức Festival Huế 2020 (dự kiến đầu tháng 4, sang tháng 9 hoặc năm 2021) được cho là sẽ ảnh hưởng lớn đến ngành du lịch Huế khi số lượng lớn du khách quan tâm và diễn viên đến Huế sẽ sụt giảm đáng kể, ước khoảng 500.000 lượt. Theo ông Nguyễn Văn Phúc- Phó Giám đốc Sở Du lịch Thừa Thiên-Huế, các công ty lữ hành và khách sạn sẽ bị thiệt hại nặng nhất. Tuy nhiên, đại diện Sở Du lịch Thừa Thiên-Huế cũng cho biết, dự kiến nếu dịch kết thúc vào cuối tháng 3 thì các hoạt động truyền thông, xúc tiến du lịch sẽ bắt đầu khởi động vào tháng 4. Trong trường hợp này, ngành du lịch Thừa Thiên - Huế có thể thúc đẩy hoạt động du lịch nội địa, vốn thường bắt đầu vào cao điểm từ cuối tháng 5.
Ngày 20/2, tại TP HCM, Tổng cục Du lịch và Sở Du lịch TP HCM đã tổ chức Hội nghị thảo luận về ứng phó với dịch bệnh Covid-19. Theo ông Đinh Ngọc Đức- Vụ trưởng Vụ Thị trường du lịch (Tổng cục Du lịch), du lịch Việt Nam đang ở thế tăng trưởng cao năm 2019 thì năm 2020 ngay lập tức rơi vào khủng hoảng do dịch bệnh gây ra bởi virus corona chủng mới. Cũng theo ông Đức, hiện nay, các doanh nghiệp du lịch Việt Nam đang tích cực liên kết phối hợp với nhau nhằm đảm an toàn cho du khách đến Việt Nam đồng thời tích cực quảng bá giới thiệu điểm đến Việt Nam đến với du khách nước ngoài để cùng nhau vượt qua khó khăn. “Hôm qua đoàn khảo sát đến Nha Trang và cũng cảm nhận thực tế dịch bệnh tác động đến ngành du lịch thế nào và hôm nay Đoàn đến TP HCM để lắng nghe ý kiến các doanh nghiệp, đơn vị lữ hành, sau đó sẽ tổng hợp các ý kiến và đề ra phương án khắc phục ứng phó với dịch bệnh”- ông Đức cho biết.
Quốc Định
Đồng bằng sông Cửu Long điểm đến du lịch an toàn- đó là nhấn mạnh của ông Vưu Chấn Hùng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đồng bằng sông Cửu Long với PV báo Đại đoàn kết. Theo ông Hùng, ngay khi xuất hiện dịch bệnh Covi-19, Ban Thường trực Hiệp hội Du lịch ĐBSCL đã họp bàn bạc, đánh giá về tình hình thiệt hại do dịch gây ra, từ đó đưa ra các hướng để tăng cường sức hút du khách đến với TP Cần Thơ và các tỉnh trong vùng. Xem xét các vấn đề khó khăn vướng mắc mà Cty, doanh nghiệp du lịch đang vướng phải. Cụ thể,Hiệp hội đã chủ động phối hợp với một số đơn vị, Cty du lịch của TP Cần Thơ, tổ chức phát khẩu trang, các chất diệt khuẩn miễn phí cho du khách đến Cần Thơ ở tại các điểm như sân bay, bến xe các nơi đông người. Mới đây Hiệp hội cũng đã chủ động tham gia với các sở ban ngành và UBND TP Cần Thơ để nắm kỹ về tâm tư, mức thiệt hại của các cty, doanh nghiệp trong mùa dịch này. Qua cuộc gặp gỡ, phần lớn các Cty, doanh nghiệp đã báo cáo sơ bộ về mức độ thiệt hại cho thấy dịch ảnh hưởng tới doanh số rất lớn trên dưới 50%. Các đơn vị lữ hành bị huỷ tour, tuyến trên 90%. Các siêu thị, điểm mua bán đều bị sụt giảm nghiêm trọng, các Cty, doanh nghiệp đều kiến nghị UBND thành phố Cần Thơ có hình thức miễn, giảm hay hỗ trợ để giúp Cty, doanh nghiệp vượt qua khó khăn giai đoạn này.
Được biết, hôm nay, 21/2, Hiệp hội Du lịch ĐBSCL sẽ thay mặt các doanh nghiệp, các đơn vị trong Hiệp hội ký kết với Hiệp đội Du lịch TP Hồ Chí Minh tham gia chương trình kích cầu đối với các hãng lữ hành ở khu vực phía Bắc và các tỉnh ở Tây Nguyên, miền Trung và TP HCM… kết nối với các doanh nghiệp ở Cần Thơ để làm sao thu hút khách du lịch đến với Cần Thơ trong mùa dịch này.
Điểm thuận lợi nhất cho du lịch Cần Thơ nói riêng và vùng ĐBSCL nói chung, đây là vùng không có dịch Covid-19, rất có lợi thế để liên kết với các địa phương kết nối đưa du khách về đây.
Quốc Trung