Mới hóa di tích Cầu Ngói (Nam Định): Tùy tiện, tự phát

Trần Duy Hưng 21/02/2020 08:00

Di tích lịch sử văn hóa quốc gia Cầu Ngói (thôn Thượng Nông, xã Bình Minh, huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định) vừa được trùng tu từ ngân sách nhà nước và nguồn xã hội hóa do cộng đồng địa phương quyên góp. Tuy nhiên, sau khi việc trùng tu hoàn tất, di tích nổi tiếng này bị đánh giá không còn giữ được nét cổ kính như nguyên bản...

Mới hóa di tích Cầu Ngói (Nam Định): Tùy tiện, tự phát

Di tích Cầu Ngói (Nam Định) sau trùng tu.

Làm mới nhiều hạng mục

Theo hồ sơ di tích, Cầu Ngói được xây dựng từ hơn 300 năm trước, vào thời Hậu Lê. Cầu Ngói bắc qua con sông nhỏ chạy qua thôn Thượng Nông. Cầu có kết cấu, kiến trúc “thượng gia, hạ kiều” (trên là nhà, dưới là cầu) rất độc đáo. Cầu dài 17,35m, có hai cửa lên xuống, mố cầu hai bên được xếp bằng nhiều phiến đá. Phần “nhà” của cầu được chia thành 11 gian, lợp hai lớp ngói; hệ thống cột, vì, kèo đều bằng gỗ lim... Năm 2012, Cầu Ngói được nhà nước xếp hạng di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia.

Tìm hiểu thực tế tại công trình, phóng viên ghi nhận di tích này nhìn... quá mới. Trong đó, bậc thềm dẫn lên hai đầu cầu được xây mới hoàn toàn bằng đá, thay cho thềm gạch trước đây. Tường cổng lên xuống hai đầu cầu cũng được lột da, trát mới. Cách đây ít ngày tường được quét sơn màu giả đá, mới đây lại được thay bằng màu xám nhạt; mọi hoa văn, màu sắc, đường nét cổ kính trên tường đều không còn. Thành cầu cũng được thay thế bằng một số viên đá xẻ mới, đặt cạnh những viên đá cũ, do vậy nhìn “lộ cộ”, không đồng bộ. Hai mái ngói của cầu, một được lợp ngói mới hoàn toàn, một vẫn được lợp bằng ngói cũ, màu ngói mới - cũ vẫn còn rất rõ. Toàn bộ 40 cột chống bằng gỗ cùng hệ thống vì, kèo, ngói lót đều được sơn mới màu nâu thẫm, trong đó 11/40 cột chống vừa được thay mới. Bờ sông hai bên chân cầu đều được kè lại bằng gạch...

Tiền của ai, người đó làm?

Theo ông Nguyễn Văn Liêm - Chủ tịch UBND xã Bình Minh: Sau hơn 300 năm tồn tại và sau đợt trùng tu năm 1993 Cầu Ngói bị xuống cấp nặng, mái cầu bị dột nát, cột kèo bị mọt. Năm 2019, từ đề nghị của địa phương, công trình được cơ quan chức năng xét duyệt cấp 200 triệu đồng (từ nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia về bảo tồn di tích) làm kinh phí trùng tu. “Việc thi công được Ban Quản lý di tích và danh thắng tỉnh Nam Định chọn, giao cho Công ty TNHH Đào Trọng Tín thực hiện. Chính quyền xã không trực tiếp chỉ đạo, tổ chức việc này”, ông Liêm cho biết. Cũng theo ông Liêm, do chỉ có 200 triệu đồng từ kinh phí nhà nước cấp chỉ đủ để trùng tu 5/11 gian cầu, thay ngói mới phần phải thay, thay một số cột, kèo, rui mè. Những hạng mục còn lại như làm mới da tường, quét sơn giả đá, xây mới bậc thềm, kè bờ sông... là do cộng đồng thôn Thượng Nông quyên góp, tổ chức thực hiện.

Ông Nguyễn Văn Thoan - Trưởng xóm Tây Thượng trên (1 trong 4 xóm của thôn Thượng Nông, nơi có Cầu Ngói) cho biết: Sau khi Công ty TNHH Đào Trọng Tín hoàn thành phần việc trùng tu được giao thì cộng đồng dân thôn Thượng Nông cũng chi ra hơn 300 triệu đồng tham gia trùng tu Cầu Ngói. Với các phần việc như làm mới da tường, quét sơn giả đá, xây mới bậc thềm, kè bờ sông. “Kinh phí lấy một phần từ nguồn du khách ủng hộ trong ngày địa phương đón bằng công nhận Cầu Ngói là di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia. Còn lại phần lớn từ nguồn con em xa quê thành đạt ủng hộ. Chúng tôi thuê thợ xây ở địa phương thi công, giá 200 nghìn đồng/ngày công”- ông Thoan cho biết. Như vậy, việc trùng tu Cầu Ngói không có sự kết hợp hai nguồn lực ngân sách nhà nước và xã hội hóa, mà theo kiểu “tiền của ai, người đó làm”.

Theo ông Thoan, mới đây, khi kiểm tra việc trùng tu, Ban Quản lý di tích và danh thắng tỉnh Nam Định đã yêu cầu địa phương: Phải chỉnh sửa một số hạng mục, trong đó phải xóa đi phần sơn giả đá để sơn lại, khôi phục lại phần hoa văn, hạ thấp độ cao bậc thềm lên xuống... cho phù hợp với nguyên bản. Đáng nói hơn, theo Chủ tịch UBND xã Bình Minh Nguyễn Văn Liêm: Việc tham gia trùng tu lần này của cộng đồng địa phương hoàn toàn là tự phát, không tham khảo cơ quan chuyên môn, cũng chưa xin phép cấp có thẩm quyền. Trước đó, theo tìm hiểu của PV, mặt cầu, thành Cầu Ngói vốn được làm bằng gỗ nhưng trong những lần trùng tu trước đây, hai hạng mục này đã dần được thay thế bằng đá, khiến Cầu Ngói càng ngày càng bị biến dạng so với nguyên bản...

Liên quan đến sự việc, thông tin với báo chí, ông Nguyễn Tiến Dũng- Giám đốc Sở VHTTDL tỉnh Nam Định nhìn nhận: Việc cộng đồng tham gia bảo vệ, trùng tu, tôn tạo di tích là rất cần thiết và cần được khuyến khích. Tuy nhiên, liên quan đến trùng tu, sửa chữa thì cần phải tham khảo cơ quan chuyên môn và phải được phép của cấp có thẩm quyền. Do di tích Cầu Ngói bị biến dạng nhiều sau trùng tu nên Sở đang phải chỉ đạo các bên liên quan sửa chữa nhằm khôi phục lại theo hồ sơ di tích.

Trần Duy Hưng