Đẩy nhanh tiến độ thi công các tuyến cao tốc khu vực phía Nam
Vài năm gần đây, Tổng Công ty đường cao tốc Việt Nam đã trình Chính phủ, các bộ ngành rất nhiều dự án xây dựng đường cao tốc ở khu vực phía Nam.
Đó là các dự án đường cao tốc kết nối với TP HCM như TP HCM - Mộc Bài (53,5km), TP HCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành (69km), Dầu Giây - Đà Lạt (208km), Vũng Tàu - Biên Hoà (76km), Bến Lức - Long Thành (58km) hay Dầu Giây - Phan Thiết (98km)…
Ngoài ra, hàng loạt các dự án cao tốc ở khu vực ĐBSCL như Trung Lương - Mỹ Thuận - Cần Thơ (92km), Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng (51km), Hà Tiên - Rạch Giá - Bạc Liêu (225km), Mỹ An - Cao Lãnh (26km), Mỹ An-Rạch Sỏi (110km), Trung Lương - Bến Tre (50km) hay Hồng Ngự - Trà Vinh (166km)...
Theo quy hoạch, tới năm 2030, khu vực miền Đông Nam Bộ sẽ có khoảng 1.400km đường cao tốc và khu vực miền Tây Nam Bộ sẽ có gần 700km đường cao tốc. Tuy nhiên, thực tế từ nay tới năm 2030 chỉ khoảng 10 năm. Và trong thời gian trên việc hoàn thành được khối lượng dự án lớn với chiều dài hơn 2.000km đường cao tốc chắc chắn rất khó khăn.
Dự án cao tốc TP HCM - Trung Lương (62km) hiện hữu được khởi công năm 2004, hoàn thành năm 2010, tức là mất khoảng 6 năm để hoàn thành. Dự án cao tốc thứ 2 là TP HCM - Long Thành - Dầu Giây (55km), khởi công năm 2009 và hoàn thành năm 2015, cũng tốn khoảng 6 năm để hoàn thành. Trong khi đó, dự án cao tốc Bến Lức - Long Thành (58km), khởi công năm 2014 và dự kiến hoàn thành năm 2020. Đến thời điểm hiện nay (năm 2020), theo thông tin từ chủ đầu tư thì dự án này chắc chắn sẽ chậm tiến độ. Dự án chỉ có thể hoàn thành toàn tuyến vào thời điểm cuối hoặc sau năm 2021. Nghĩa là sẽ phải mất khoảng 6-7 năm để hoàn thành dự án này. Dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận (50km) có thời gian hoàn thành lâu hơn khá nhiều. Dự án này từng khởi công, tạm dừng và khởi công lại nhiều lần. Tới nay đã hơn 10 năm nhưng theo kế hoạch, phải đến năm 2021, dự án mới được thông tuyến. nhìn vào tiến độ các dự án đường cao tốc đã hoàn thành và đang thi công ở khu vực phía Nam có thể thấy, việc quy hoạch quá nhiều dự án chưa phải là điều quá tốt. Bởi từ khi quy hoạch tới khi khởi công và hoàn thành là một vấn đề nan giải và rất dài.
Thực tế khách quan là việc thi công và hoàn thành các dự án đường cao tốc khu vực phía Nam khó khăn và tốn kém hơn các khu vực khác, như miền Trung, miền Bắc hay Tây Nguyên. Nguyên nhân bởi địa hình khu vực phía Nam nhiều sông ngòi, nền đất bồi phù sa yếu khiến cho việc thi công khó khăn, nhiều cầu cống nên chi phí tốn kém hơn. Chính vì thế, cơ quan chức năng cần có tính toán phù hợp, nhất là chọn ra các dự án ưu tiên. Nếu không, với khối lượng công việc và tốc độ như trên, việc triển khai đồng loạt nhiều dự án cao tốc là bất khả thi.