Các cuộc đàm phán về ngân sách của EU kết thúc trong bế tắc
Thủ tướng Đức Angela Merkel cho rằng các nhà lãnh đạo EU sẽ phải sớm quay lại chủ đề ngân sách, khung tài chính dài hạn để có thể hoạt động từ năm 2021.
Toàn cảnh hội nghị thượng đỉnh EU tại Brussels, Bỉ ngày 20/2/2020. (Ảnh: AFP/TTXVN).
Hội nghị thượng đỉnh của Liên minh châu Âu (EU) bàn về ngân sách 7 năm tiếp theo (2021-2027) đã kết thúc trong bế tắc vào cuối ngày 21/2, sau khi 27 quốc gia thành viên không tìm được tiếng nói chung.
Trả lời báo chí sau ngày làm việc thứ hai, Thủ tướng Đức Angela Merkel cho biết sự khác biệt vẫn còn quá lớn để đi đến một thỏa thuận.
Bà cho biết chưa có ngày nào được ấn định cho một Hội nghị thượng đỉnh tiếp theo để đàm phán, nhưng bà cũng nói thêm rằng các nhà lãnh đạo sẽ phải sớm quay lại chủ đề ngân sách, khung tài chính dài hạn để có thể hoạt động từ năm 2021.
Trong khi đó, phát biểu tại một cuộc họp báo ngắn cùng với Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel đánh giá “thật không may, chúng tôi đã nhận thấy không thể đạt được thỏa thuận và phải cần thêm thời gian."
Bà Von der Leyen nói sự bất đồng là "một dấu hiệu dân chủ của EU" nhưng đồng thời cũng nhấn mạnh để tiến về phía trước thì những khó khăn trong đàm phán cũng là xứng đáng.
Sự khác biệt lớn vẫn tồn tại trong một số lĩnh vực, từ trần chi tiêu ngân sách, các lĩnh vực ưu tiên cho tài trợ và giảm mức đóng góp mà một số nước đóng góp ròng yêu cầu.
Trước đó, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel, người đã gặp gỡ các nhà lãnh đạo EU suốt đêm cố gắng kết nối một thỏa hiệp, đã lập một ngân sách dự thảo là 1,074% tổng sản phẩm quốc nội của khối.
Về phần mình, Nghị viện châu Âu muốn con số 1,3% trong khi Cơ quan điều hành quyền lực của EU là Ủy ban châu Âu ủng hộ mức 1,1%.
Nhóm bốn nước Áo, Đan Mạch, Hà Lan và Thụy Điển tiếp tục từ chối các đề xuất về tăng chi tiêu của EU lên mức trên 1%. Còn lại nhóm 17 quốc gia trong đó có Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Hy Lạp, Ba Lan và Hungary muốn có thêm tiền để đáp ứng tham vọng lớn của châu Âu và bù đắp sự thiếu hụt ngân sách do việc nước Anh ra đi.
Thủ tướng Hungary Viktor Orban đã nói rằng chỉ có "phép màu" mới có thể đạt được thỏa thuận về vấn đề ngân sách trong duy nhất một Hội nghị thượng đỉnh.