Khi nông sản chờ thông quan
Ngày 20/2, ngày đầu tiên Cửa khẩu Tân Thanh (Lạng Sơn) thông quan hàng hóa trở lại sau gần 1 tháng tạm dừng do dịch Covid-19. Trong ngày, hơn 200 tấn hàng nông sản có hợp đồng đã được xuất qua với các biện pháp kiểm soát dịch bệnh rất chặt chẽ. Cùng đó, nhiều cửa khẩu khác vùng biên giới phía Bắc cũng thông quan trở lại. Tuy chưa thật nhịp nhàng nhưng cũng cho thấy tín hiệu tốt.
Tại Cửa khẩu Tân Thanh, tài xế nông sản phải mặc trang phục phòng chống dịch Covid-19 trước khi sang Trung Quốc. Ảnh: Chí Tuệ.
Đã thông nhưng chưa thật thoáng
Trước ngày 20/2, hàng trăm xe container ùn ứ tại Cửa khẩu Tân Thanh. Hầu hết là các loại trái cây như dưa hấu, thanh long, mít… Buổi sáng ngày 20, khoảng gần 30 xe cotainer nông sản đã có hợp đồng với phía Trung Quốc làm thủ tục thông quan.
Một lái xe từ Tiền Giang ra cho biết, xe của anh chở 26 tấn mít xuất sang Pò Chài (Bằng Tường, Trung Quốc). Hàng mang sang có chủ hàng bên Trung Quốc nhận ngay và xe có thể quay về luôn, không nằm đợi chờ như trước đây.
Theo ông Vy Công Tường- Phó cục trưởng Cục Hải quan Lạng Sơn, ngày đầu tiên thông quan trở lại, có 15 xe (trong đó có 11 xe chở thanh long ước 220 tấn) được xuất qua cửa khẩu Tân Thanh. Ở chiều ngược lại, có 3 xe hàng nhập hành, tỏi từ Trung Quốc về Việt Nam đã thông quan vào thị trường nội địa qua Tân Thanh.
Ông Tường cho biết thêm, do là ngày đầu tiên mở cửa thông quan trở lại và điểm mấu chốt nhất là hàng phải có hợp đồng, tức là khi đưa sang được đối tác phía Trung Quốc nhận thì mới xuất được, nên lượng xe hàng ít. Cùng đó, là khan hiếm lao động bốc dỡ hàng, hy vọng thời gian tới hoạt động thông quan tại Tân Thanh sẽ nhộn nhịp trở lại. Khi được thông quan, giá cả phía Trung Quốc cũng đã cao hơn hẳn: Dưa hấu đã bán được 17.000 đồng/kg, thanh long 26.000 đồng/kg.
Được biết, Ban Quản lý khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng (Lạng Sơn) và cơ quan quản lý của Bằng Tường (Trung Quốc) thỏa thuận, việc thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu tại cửa khẩu Tân Thanh - Pò Chài hoạt động từ 8h đến 17h cùng ngày.
Sang ngày 21/2, có 26 xe hàng nông sản, là thanh long, mít thông quan. Sáng ngày 22/2, xe chở nông sản được thông quan nhiều hơn.
Theo Thiếu tá Lê Văn Chất- Trạm trưởng Trạm Biên phòng Tân Thanh, để qua lại biên giới, doanh nghiệp làm thủ tục xuất nhập khẩu phải là hàng hóa có hợp đồng mua bán giữa hai bên (hợp đồng thương mại). Phía Trung Quốc yêu cầu phương tiện chở hàng của Việt Nam vận chuyển sang phía Trung Quốc phải đi về trong ngày. Công tác kiểm tra phòng, chống dịch Covid -19 được thực hiện gắt gao tại biên giới. Các lái xe, phụ xe, chủ hàng được phun tiêu độc, khử trùng cả người và phương tiện. Mọi người phải mặc bảo hộ, đeo khẩu trang nên việc thông quan mất nhiều thời gian.
Tương tự như Cửa khẩu Tân Thanh (Lạng Sơn), tại Cửa khẩu Thanh Thủy (tỉnh Hà Giang), trong hai ngày 18 và 19/2 đã có 21 xe container hàng nông sản được xuất khẩu.
Nhắc lại, trong tháng 1 và nửa đầu tháng 2, xuất khẩu nông sản, đặc biệt là ngành rau quả sụt giảm đáng kể (giảm khoảng 20,6% so với tháng 1/2019). Tác động của dịch Covid-19 khiến cho giao thương biên giới phía Bắc giữa Việt Nam và Trung Quốc ngừng trệ. Điều đó khiến cho giá nhiều mặt hàng nông sản trong nước sụt giảm. Nếu như trước Tết Nguyên đán, 1kg thanh long ruột đỏ có giá 35.000 đồng, tì vào đầu tháng 2/2020 chỉ còn 5.000 đồng/kg.
Trong nhiều năm qua, Trung Quốc vẫn luôn là thị trường xuất khẩu quan trọng đối với ngành hàng rau quả của Việt Nam, với tỷ trọng chiếm tới 64,8% tổng trị giá xuất khẩu trong năm 2019. Thế nhưng, theo Cục Xuất Nhập khẩu (Bộ Công thương), tỷ trọng xuất khẩu hàng rau quả sang thị trường Trung Quốc giảm từ mức 72,6% trong tháng 1/2019, xuống còn 61,8% trong tháng 1/2020.
Theo Hiệp hội Rau quả Việt Nam, Trung Quốc là thị trường xuất khẩu rau quả chủ yếu của Việt Nam. Kể từ khi có dịch Covid-19, một số doanh nghiệp xuất khẩu chưa thích nghi được với những quy định mới mà phía Trung Quốc đưa ra, như việc hạn chế xuất khẩu tiểu ngạch, đồng thời tăng cường giám sát các quy định về xuất xứ hàng hóa…Mặc dù đã chính thức thông quan tại nhiều cửa khẩu, song việc thông quan các xe hàng vẫn khá nhỏ giọt.
Trong khi đó, việc xuất nhập khẩu hàng hóa theo hình thức trao đổi cư dân biên giới qua cửa khẩu Tân Thanh hiện chưa được phía Trung Quốc đồng ý.
Những diễn biến nói trên cho thấy, xuất khẩu hàng nông sản, đặc biệt là các loại trái cây vẫn chưa hết khó khăn. Giới chuyên gia trong ngành cho rằng, nếu cứ tiếp tục trông chờ vào thị trường này “mở cửa” rồi lại “đóng cửa” khi có sự cố xảy ra, thì ngành nông sản nước nhà khó có thể bứt phá mạnh mẽ.
Tận dụng các FTA thế hệ mới
Đáng chú ý, trong khi xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc sụt giảm vì dịch Covid-19 thì xuất khẩu hàng nông sản, trái cây sang các thị trường khác như Thái Lan, Lào… tăng mạnh trong tháng 1. Như vậy, xuất khẩu rau quả vẫn còn rất nhiều cơ hội sang các thị trường khác. Đặc biệt, ngày 12/2, Nghị viện châu Âu (EP) đã chính thức bỏ phiếu phê chuẩn Hiệp định Thương mại tự do (EVFTA) và Hiệp định Bảo hộ đầu tư (EVIPA) giữa Việt Nam và EU, đây là cơ hội lớn cho doanh nghiệp mở rộng thị trường xuất khẩu nông sản, trong đó có ngành hàng rau củ quả. Với nông sản, EU sẽ giảm thuế quan về 0% lần lượt năm đầu tiên và sau 10 năm là 74,6% và 97,3% số dòng thuế nông nghiệp cam kết. Đối với mặt hàng rau củ quả, EU cũng cam kết xóa bỏ thuế khi EVFTA có hiệu lực, với mặt hàng thủy sản, khoảng 50% số dòng thuế sẽ được xóa bỏ, 50% dòng thuế còn lại cũng sẽ được xóa bỏ trong lộ trình 5 - 7 năm.
Giới chuyên gia kinh tế nhận định, Việt Nam có rất nhiều cơ hội đẩy mạnh xuất khẩu sang thị trường châu Âu, châu Á cũng như các thị trường khác, kể cả khu vực Trung Đông. Do đó các doanh nghiệp Việt cần phải tận dụng cơ hội đến từ các FTA, tránh việc phụ thuộc quá vào một thị trường đến khi có biến cố là thua thiệt đủ đường.
Về những cơ hội mà Việt Nam có được khi EVFTA chính thức thực thi, Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh cho biết, thông qua EVFTA, nông sản có cơ hội tiến sâu hơn vào thị trường EU với 500 triệu dân. Đồng thời, các doanh nghiệp nông nghiệp Việt Nam cũng dễ dàng tiếp cận, tiến hành trao đổi mua bán với những thị trường khác có thỏa thuận thương mại tự do với EU. “Đây chính là thời điểm để các DN Việt Nam mở rộng thị trường, thúc đẩy kim ngạch xuất khẩu đối với ngành hàng nông sản”- ông Trần Tuấn Anh nhấn mạnh.
Về cơ hội xuất khẩu cho nông sản Việt cũng như ngành rau quả của nước nhà, chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành cho rằng, hiện EU nhập khẩu khoảng 150 tỷ USD/năm đối với mặt hàng nông sản. Trong khi đó, Việt Nam lại là nước có thế mạnh về kinh tế nông nghiệp, hiện mỗi năm chúng ta mới chỉ xuất khẩu nông sản khoảng 5 tỷ USD sang thị trường EU. “Như vậy, rõ ràng, thị trường này còn rất nhiều dư địa cho xuất khẩu rau quả cũng như các sản phẩm nông sản Việt. Vậy tại sao chúng ta lại không tận dụng để đẩy mạnh xuất khẩu sang các thị trường đó?”- ông Thành đặt câu hỏi.
Tuy nhiên, để sang được các thị trường khó tính như EU và các thị trường khác, chúng ta cần phải lưu ý đến những quy định khắt khe về chất lượng sản phẩm. Theo chuyên gia kinh tế, TS Nguyễn Đình Long, nguyên nhân có tính bao trùm cản trở khả năng và hiệu quả xuất khẩu nông sản là do chất lượng sản phẩm không cao, không ổn định, không đồng đều, khối lượng phân tán nhỏ bé, mẫu mã không hấp dẫn... Do vậy giải pháp về sản phẩm là giải pháp cơ bản có tính chiến lược lâu dài. “Quy hoạch và đầu tư một cách đồng bộ tạo vùng sản xuất hàng hóa tập trung, và vùng nguyên liệu có chất lượng cao phục vụ cho chế biến và xuất khẩu. Nâng cao đầu tư và áp dụng các tiến bộ khoa học và công nghệ, trước mắt cũng như lâu dài cần tập trung cho công tác nghiên cứu lai tạo giống, tạo ra những giống có năng suất, chất lượng cao. Bên cạnh đó là chú trọng đầu tư đổi mới công nghệ chế biến bảo quản”-TS Long nhấn mạnh.
Để tránh ùn ứ tại cặp cửa khẩu Kim Thành - Bắc Sơn (Lào Cai - Hà Khẩu), Ban Quản lý khu kinh tế Lào Cai và huyện Hà Khẩu (Vân Nam, Trung Quốc) đã thống nhất thành lập “đội xe trung chuyển chuyên biệt”, với 15 lái xe, bảo đảm sức khỏe, có bằng lái xe loại FC, để lái xe thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu- đem lại hiệu quả tích cực.
Đối với xe nhập khẩu, khi xe hàng từ bên kia biên giới sang, tất cả lái xe của Trung Quốc sẽ được cách ly tại một khu vực riêng, tại đây bố trí lều dã chiến có đủ bàn uống nước, nhà vệ sinh phục vụ trong thời gian chờ thông quan. Sau đó, xe hàng do các lái xe của Việt Nam thuộc đội lái trung chuyển trong cửa khẩu Kim Thành phụ trách làm thủ tục và đánh xe vào bãi kiểm hóa. Tương tự với xe đi xuất khẩu cũng có đội lái trung chuyển khác và phía Hà Khẩu (Trung Quốc) cũng thực hiện cách ly chống dịch như vậy. Các đội lái xe phục vụ nhập và xuất ở hai khu cách ly riêng. Phạm vi của họ chỉ hoạt động trong cửa khẩu, không vượt quá bãi kiểm hóa, việc ăn nghỉ, sinh hoạt tại chỗ. Ai có nhu cầu trở về gia đình sẽ tiếp tục được ra cách ly tại một nơi riêng biệt khác trong vòng đủ 14 ngày theo quy định.
Tuy chỉ là giải pháp tình thế, song từ đó cũng đã gia tăng tốc độ thông quan hàng hóa tại cửa khẩu: Từ ngày 6 đến 20/2, đã có hơn 2.000 xe nông sản của Việt Nam được xuất khẩu, đạt tổng kim ngạch gần 7 triệu USD; trong đó thanh long xuất hơn 6.000 tấn, dưa hấu 1.200 tấn, mít 536 tấn và xoài là 287 tấn.