Mùa hoa ô môi
Về miền Tây Nam bộ, ngoài những miệt vườn trái cây châu thổ bạt ngàn, những chợ nổi Ngã Năm, Ngã Bảy nhộn nhịp… du khách còn được chìm đắm vào những ngày nắng tuyệt đẹp của mùa hoa được mệnh danh là “hoa anh đào miền Tây”.
Ô Môi được ví như anh đào miền Tây.
1. Hoa ô môi được trồng nhiều nhất là ở vùng Cao Lãnh (Đồng Tháp) và Phú Tân (An Giang), là loài hoa nở tự nhiên nhưng rộ nhất khi vừa vào hạ, đã gắn liền với bao thế hệ người dân miền Tây Nam bộ. Một dạo, Khải Đơn- phóng viên thường trú một tờ báo tại Cao Lãnh dẫn chúng tôi men theo con đường sâu hút đi vào khu trại giam Cao Lãnh, con đường này được trải thảm bởi một màu hồng ô môi gây thương nhớ. “Nó dễ khiến bạn nghiện ngay lần đầu chứng kiến”- tiếng người bạn đồng nghiệp thoảng trong gió chiều.
Những người dân địa phương cho chúng tôi biết, gốc tích của hoa ô môi thì không ai biết chính xác có từ bao giờ, thế nhưng đã từ nhiều đời qua loài hoa này đã gắn bó với họ và được ví như “hoa anh đào miền Tây”. Cây ô môi có thân gỗ, cây phát triển cao chừng 15 - 20m, lại rất phù hợp với thổ nhưỡng của vùng Cao Lãnh (Đồng Tháp). Riêng ở An Giang thì ô môi lại hợp với vùng Long Xuyên và Phú Tân, chẳng hạn như như ở Phú Tân trước kia còn có địa danh phà Ô Môi do người bản địa đặt tên, và có những khu vực người dân ưa chuộng và trồng rất nhiều loài cây đặc biệt này.
Ô môi có đặc tính dễ thích nghi, dễ trồng, không cần nhiều công chăm sóc, chúng có thể mọc tự nhiên rồi lớn rất nhanh tương tự như cây trứng cá ở Nam bộ. Có thể bắt gặp cây ô môi ở bờ ruộng, bờ sông hay bên hiên mái nhà ở vùng Cao Lãnh hay Phú Tân. Khi hoa tàn thì hình thành trái ô môi hình trụ dẹt có độ dài khoảng 40-60 cm, hơi cong, đường kính từ 3-4 cm. Ban đầu, người bản địa chỉ trồng ô môi làm cảnh và để lấy bóng mát do loài hoa ô môi nở tự nhiên. Thế nhưng, khi vừa vào hạ, nhất là khi có cơn mưa trái mùa xuất hiện thì cũng là lúc hoa ô môi nở rộ, cây trút lá, chỉ để lại những chùm hoa rực rỡ gây thương nhớ.
2. Khi ô môi vào mùa nở rộ nhất cũng là lúc du khách thập phương kéo về miền Tây để thưởng ngoạn. Những đôi lứa rập rìu tay trong tay, những thiếu nữ trong tà áo dài tạo dáng dưới những hàng ô môi trải dài. Có giai thoại được người dân Cao Lãnh truyền miệng rất thú vị, sở dĩ loài cây này được đặt cho cái tên “ô môi” là bởi vì khi ăn trái của nó, môi sẽ chuyển sang đen thẫm (“ô” trong cách nói dân gian có nghĩa là “đen”).
Vậy nhưng, Khải Đơn kể với chúng tôi về một ý nghĩa khác của loài hoa gây “nghiện” này, đó đơn giản là vì bên trong trái ô môi chứa nhiều ô nhỏ, mà mỗi ô này chứa thịt của trái, nên người miền Tây quen gọi là ô môi. Đơn giản thế thôi. Giai thoại nào thì cũng có lý lẽ riêng, vậy nhưng điều chúng tôi say sưa nhất suốt dọc đường vẫn là những câu chuyện vui lẫn buồn man mác về ký ức tuổi thơ của người bạn dẫn đường gốc miền Tây.
Trong ký ức của Khải Đơn, cô kể mùa ô môi mỗi năm gắn với những trưa nắng hè, tụi trẻ con trong xóm rủ nhau đi lượm trái về róc ăn chóp chép; những vạt hoa màu hồng phất phơ trong gió; tiếng trẻ em cười khúc khích sau rặng ô môi; những khuôn mặt màu hồng phấn tinh nghịch hay những cánh hoa cài mái tóc hình xẻ quạt phất phơ trong gió…
Khải Đơn cũng vui vẻ khoe với chúng tôi về bộ ảnh của những mùa hoa ô môi tuổi thơ, gắn với ngày sinh nhật cũng rất đặc biệt của cô trùng với mùa ô môi gây thương nhớ ấy.
“Kỷ niệm nhiều về ô môi nên mỗi mùa ô môi mà không về được, chỉ cần đọc một bài về hoa ô môi trên mạng thôi nhưng lúc ấy nhớ tuổi thơ muốn khóc luôn. Cảm giác như đang cùng chúng bạn tụ tập dưới tán cây chơi trò tán u, nhảy dây tết từ lá chuối và chỉ ước gì thời gian có thể quay ngược lại”. Cũng như Khải Đơn, biết bao thế hệ người dân miền Tây đều có một phần ký ức của mình gắn với cái vị ngọt pha lẫn chát của ô môi. Dù đi làm ă ở xa, nhưng hình ảnh của những bông ô môi, vốn đã trở thành nét đẹp dân dã của miền sông nước Cửu Long được lưu giữ rất sâu đậm đối với họ. Điều mà bất cứ người dân Cao Lãnh nào cũng luôn nôn nao nhớ về tuổi thơ, nhớ về miền quê từng gắn bó của mình.
3. Hoa ô môi đẹp, nét đẹp quá thơ, có lẽ vì thế nhiều nhạc sĩ, họa sĩ đã đưa hình ảnh của loài hoa dân dã, chân quê vào tác phẩm của mình. Soạn giả Viễn Châu đã đưa hình ảnh hoa ô môi vào bài ca vọng cổ của mình, có trích đoạn rằng: “Ô môi rụng cánh ngoài sân. Mấy mùa hoa nở mấy năm đợi chờ… Ô môi rụng cánh tơi bời. Chuông tắt lâu rồi, tôi còn đứng mong ai”. Lời ca da diết, đã đi vào ký ức của những người miền Tây chân chất, mộc mạc. Một nhạc sĩ nổi tiếng khi ghé thăm vùng Đồng Tháp Mười, cũng từng phải thốt lên khi nói về loài hoa rất đặc biệt của miền Tây: Có một bài hát mà đọng lại trong tôi bao tò mò “Ai về miền Nam, qua Đồng Tháp Mười, gặp hoa ô môi, biết mùa xuân đã tới…”.
Một dạo khác, đạo diễn Trần Quốc Sơn của Hãng phim truyền hình TP Hồ Chí Minh đi chung đoàn sáng tác với chúng tôi về thành phố Cao Lãnh, anh buông lời không vui: “Tôi lo rồi đây giống hoa ô môi không còn nữa”. Chúng tôi rất ngạc nhiên khi nghe anh trình bày như vậy. “Anh lẩn thẩn gì vậy?”. Lo gì thì lo chứ lo mất giống ô môi thì thật ít người nghĩ tới. Rồi cả đoàn chợt giật mình, giờ tỉnh nào, địa phương nào cũng đua nhau làm khu đô thị, mở khu công nghiệp, liệu rằng mai đây có còn đất trồng ô môi nữa không. Tồi ai cũng chợt buồn, ánh mắt nhìn xa xăm những hàng ô môi kéo dài đường vào khu trại giam Cao Lãnh. Chiều hôm ấy, cả đoàn phải lánh lại ở nhà một người dân gần trại giam, do xuất hiện cơn mưa trái mùa ngay trước giờ lên đường trở về Sài Gòn…
Hơn cả giá trị một loài hoa, ô môi vừa gắn với ký ức tuổi thơ của những người dân miền Tây chân chất, mộc mạc, vừa là sản phẩm du lịch đặc thù của tỉnh Đồng Tháp và An Giang, đang thu hút ngày càng nhiều hơn sự quan tâm của du khách trong và ngoài nước….
Miền Tây chớm hạ là mùa hoa ô môi nở rộ nhất. Về An Giang vào dịp này, du khách phương xa có thể thưởng ngoạn những thảm hoa ô môi trải dài, vừa dịu dàng, đằm thắm tại miệt Vĩnh Trạch (huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang) hay các cung đường chạy theo tỉnh lộ 943 vào Núi Sập, gần với UBND xã Vĩnh Trạch. Ở Đồng Tháp, ô môi được trồng nhiều ở hai tuyến đường lớn là Nguyễn Huệ thuộc thị trấn Lấp Vò và tuyến đường mới 852B kết nối Lấp Vò về các huyện thị của Đồng Tháp.