Cấp bách phòng cháy, chữa cháy rừng
Hiện nay, nắng nóng, khô hạn diễn biến phức tạp, đặc biệt là khu vực Tây Nguyên và Nam bộ, hầu hết những diện tích rừng của các địa phương có nguy cơ cháy rất cao, thường xuyên ở cấp V (cấp cực kỳ nguy hiểm). Thực tế cháy rừng đã xảy ra tại một số tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Thuận, Lâm Đồng…
Nhiều diện tích rừng ở các địa phương có nguy cơ cháy cao.
Để chủ động phòng cháy, chữa cháy rừng, giảm thiểu thiệt hại tối đa do cháy rừng gây ra, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo chủ rừng rà soát kỹ phương án phòng cháy, chữa cháy rừng. Địa phương xác định cụ thể các khu vực trọng điểm có nguy cơ xảy ra cháy rừng cao để bố trí các nguồn lực, đảm bảo ngăn chặn và xử lý kịp thời các tình huống mới phát sinh, không để xảy ra cháy rừng và cháy lớn.
Các địa phương tổ chức lực lượng, phương tiện, trang thiết bị , tăng cường lực lượng tại khu vực có nguy cơ xảy ra cháy và cháy lớn; đảm bảo lực lượng ứng trực 24/24 giờ; bố trí lực lượng canh phòng, kiểm soát chặt chẽ người vào những khu vực rừng có nguy cơ cháy cao, tạm dừng các hoạt động xử lý thực bì bằng dùng lửa trong suốt thời kỳ cao điểm cháy rừng.
Các tỉnh tăng cường cán bộ Kiểm lâm xuống các trọng điểm về cháy rừng để tham mưu cho cấp chính quyền cơ sở thực hiện công tác phòng cháy, chữa cháy rừng; đồng thời thường xuyên theo dõi thông tin cảnh báo cháy rừng trên hệ thống thông tin cảnh báo cháy sớm của Cục Kiểm lâm tại địa chỉ website: kiemlam.org.vn; thông tin ngay khi cháy rừng về Cục Kiểm lâm để phối hợp chỉ đạo và huy động lực lượng chữa cháy rừng trong trường hợp cần thiết.
Các địa phương, đơn vị tăng cường tuyên truyền, giáo dục nâng cao ý thức, trách nhiệm trong phòng cháy, chữa cháy rừng, thực hiện phương châm 4 tại chỗ trong chữa cháy rừng. Các tỉnh chỉ đạo các lực lượng liên ngành (kiểm lâm, công an, quân đội) thực hiện quy chế phối hợp trong công tác phòng cháy, chữa cháy rừng; bảo đảm lực lượng, vật tư, trang thiết bị và hậu cần, thường trực, sẵn sàng phối hợp các lực lượng ứng phó, xử lý khi có cháy rừng xảy ra. Nếu để xảy ra cháy rừng, địa phương điều tra làm rõ nguyên nhân, đối tượng gây cháy rừng, xử lý nghiêm người có hành vi vi phạm và trách nhiệm quản lý của người đứng đầu.