Khen thưởng theo kiểu 'chia phần'
Phát biểu tại phiên họp tổng kết công tác năm 2019 và bàn phương hướng nhiệm vụ công tác năm 2020 của Hội đồng Thi đua khen thưởng Trung ương mới đây, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn - Phó Chủ tịch Hội đồng Thi đua khen thưởng Trung ương nhấn mạnh: Cần nâng cao chất lượng công tác khen thưởng. Làm sao khen thưởng thực chất, đúng người, đúng việc, đúng thành tích, tạo niềm tin trong nội bộ và nhân dân. Bởi vừa qua có trường hợp khen trước, phê sau, hôm nay trao huân chương, ngày mai, tập thể cá nhân ấy có vấn đề.
Trong thực tế, công tác thi đua khen thưởng (TĐKT) suốt những năm qua đã góp phần đáng kể vào việc khơi dậy tinh thần dám nghĩ dám làm, dốc lòng vì việc chung. Từ việc bình xét TĐKT, công lao, đóng góp của nhiều tập thể, cá nhân đã được ghi nhận; từ đó vừa có tác dụng nêu gương, vừa có sức lan tỏa. Theo bà Trần Thị Hà- Thứ trưởng Bộ Nội vụ, Trưởng Ban Thi đua khen thưởng Trung ương thì gần đây đã triển khai có hiệu quả 4 phong trào thi đua do Thủ tướng phát động. Đó là các phong trào: “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”; “Cán bộ, công chức, viên chức thi đua thực hiện văn hóa cơ sở”; “Doanh nghiệp Việt Nam hội nhập và phát triển” và phong trào “Cả nước chung tay vì người nghèo- Không để ai bị bỏ lại phía sau”.
Khẳng định công tác TĐKT có nhiều đổi mới, đi vào chiều sâu tuy nhiên Chủ tịch Trần Thanh Mẫn cũng cho rằng một số nơi, cấp ủy Đảng, chính quyền chưa thực sự quan tâm, thường xuyên chỉ đạo công tác này. Có những nơi vẫn khoán cho cơ quan chuyên trách là Ban TĐKT nằm ở các sở nội vụ của các tỉnh. Đáng chú ý, việc khen thưởng trực tiếp cho công nhân, nông dân còn ít. Cũng về vấn đề này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, thực tiễn hiện nay xuất hiện rất nhiều những tấm gương người tốt việc tốt, nhiều tấm gương hy sinh gây xúc động cho toàn xã hội. Công tác thi đua khen thưởng rất cần cổ vũ, động viên được những nhân tố tốt đẹp đó.
Như đã nói, TĐKT có tầm quan trọng lớn, nhưng ở đây chỉ xin đề cập đến 2 việc. Thứ nhất, tránh tình trạng “khen trước, phê sau”. Và thứ hai, cần chú ý đến khen thưởng những cá nhân là người lao động “thấp cổ bé họng”.
Về việc thứ nhất, thời gian qua xã hội đã day dứt không ít về việc có những người, những tập thể từng được khen thưởng, được tôn vinh; nhưng rồi sau đó lại bị phê phán. Có người còn bị vào tù. Có tập thể bị thi hành kỷ luật. Điều này cho thấy việc xem xét, làm hồ sơ, phê duyệt TĐKT chưa chặt chẽ, việc giám sát quy trình này cũng lỏng lẻo. Vì thế đã để lại không ít cá nhân, tập thể dù được tôn vinh nhưng lại là tôn vinh nhầm, không có tác dụng nêu gương, cũng không thể có sức lan tỏa, nếu không muốn nói là còn gây hậu quả tiêu cực khi tạo ra bức xúc, triệt tiêu tinh thần phấn đấu của những tập thể, cá nhân chân chính.
Về việc thứ hai, thực tế cũng cho thấy số người lao động trực tiếp (có thể hiểu là những người không có chức, có quyền) thường lép vế khi bình xét thi đua tại nơi mình làm việc. Không phủ nhận vai trò đầu tàu của lãnh đạo đơn vị, nhưng cũng cần khách quan thừa nhận sự đóng góp rất thiết thực của người lao động. Họ là những người thực việc, thu nhập thấp, lại cũng không có tiếng nói trong các hội đồng khi bình xét TĐKT. Vậy thì ai sẽ bảo vệ họ đây? Rất cần có sự công tâm từ người đứng đầu cơ quan, bên cạnh đó phải là tiếng nói trung thực của cán bộ công đoàn cơ sở. Trong hội đồng TĐKT, nếu “hai vị này” công tâm, thì mọi chuyện sẽ khác. Khác có nghĩa là cá nhân người lao động nào có đóng góp thực sự sẽ được nhìn nhận, đánh giá đúng. Như thế, TĐKT mới có tác dụng.
Cũng rất cần loại bỏ tư tưởng TĐKT theo kiểu “chia phần”, mà phần trước tiên thuộc về nhóm lãnh đạo đứng đầu cơ quan, sau đó thì thỏa thuận đơn vị anh mấy suất, đơn vị tôi mấy suất. Nếu cứ chia phần theo cách đó thì có thể nói người lao động được phần thưởng chỉ là sự may rủi, vì “các suất” đã chia cho lãnh đạo đơn vị còn chưa đủ thì lấy đâu đến dân.
Vậy nên mới nói, TĐKT rất quan trọng vì thế cần phải được tiến hành cho đúng, thật sự khách quan. Những cá nhân, tập thể được tôn vinh phải thực sự tiêu biểu. Mà muốn thế thì cần phải đổi mới hơn nữa công tác này. Cũng không có gì quá cao siêu, quá khó để đổi mới. Vì suy cho cùng, đổi mới ở đây cũng đồng nghĩa với việc chỉ cần làm cho công tâm, làm cho đúng.