Nâng chuẩn trình độ: Địa phương chủ động điều tiết giáo viên tham gia
Dự thảo Nghị định quy định lộ trình thực hiện nâng trình độ chuẩn được đào tạo của giáo viên mầm non, tiểu học và THCS của Bộ GDĐT sau khi đăng tải để lấy ý kiến đã thu hút sự quan tâm của dư luận, đặc biệt là với đội ngũ giáo viên.
Việc nâng trình độ chuẩn của giáo viên được thực hiện từ 1/7/2020.
Theo đánh giá, việc nâng chuẩn trình độ giáo viên vừa góp phần nâng cao chất lượng giáo dục phổ thông (GDPT), vừa làm căn cứ để thực hiện chế độ chính sách cho nhà giáo.
Vẫn hưởng 100% lương khi đào tạo nâng trình độ
Theo quy định của Luật Giáo dục 2019 (có hiệu lực từ 1/7/2020), tiêu chuẩn trình độ đào tạo của giáo viên các cấp học được nâng lên rất nhiều. Cụ thể: Giáo viên mầm non phải có bằng CĐ sư phạm; Giáo viên tiểu học và giáo viên THCS đều phải có bằng cử nhân sư phạm. Về độ tuổi của giáo viên phải nâng chuẩn trình độ, dự thảo Nghị định này quy định tính từ ngày 1/7/2020, giáo viên mầm non, tiểu học, THCS trừ thời gian đào tạo theo quy định, còn đủ 5 năm công tác tính đến tuổi nghỉ hưu.
Được biết, có khoảng 400.000 - 500.000 giáo viên mầm non, tiểu học và THCS thuộc đối tượng nêu trên trên tổng số 1,2 triệu giáo viên của cả nước phải tham gia các khóa đào tạo để nâng chuẩn trình độ.
Theo dự thảo, lộ trình thực hiện nâng trình độ chuẩn của giáo viên từ 1/7/2020 đến 31/12/2030 được nêu cụ thể tại Điều 5 của dự thảo Nghị định, cụ thể như sau: Giai đoạn 1: Từ 1/7/2020 đến hết ngày 31/12/2025: Ít nhất 60% giáo viên phải thực hiện nâng chuẩn trình độ đang được đào tạo hoặc đã hoàn thành chương trình đào tạo và đã được cấp bằng tốt nghiệp; Giai đoạn 2: Từ 1/1/2026 đến 31/12/2030: Nâng chuẩn trình độ đối với giáo viên còn lại để bảo đảm 100% số giáo viên của các cơ sở giáo dục đạt trình độ chuẩn theo quy định. Cũng theo dự thảo Nghị định, giáo viên được cử đi đào tạo nâng trình độ chuẩn, vẫn được hưởng 100% lương và các chế độ, phụ cấp theo quy định; Được tính thời gian đào tạo vào thời gian công tác liên tục; Được khen thưởng, biểu dương nếu có thành tích xuất sắc trong học tập…
Đáp ứng yêu cầu mới
Năm học 2020 - 2021, bắt đầu thực hiện chương trình GDPT mới từ lớp 1. Tuy nhiên, đến đầu năm 2020, tình trạng thiếu giáo viên ở các cấp học tại nhiều địa phương vẫn chưa được khắc phục.
Theo Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục (Bộ GDĐT), tình trạng thừa - thiếu giáo viên cục bộ vẫn chưa được giải quyết dứt điểm ở các cấp học phổ thông. Tính đến tháng 10/2019, cả nước thiếu hơn 45 nghìn giáo viên mầm non, hơn 18 nghìn giáo viên tiểu học, hơn 11 nghìn giáo viên THCS và hơn 10 nghìn giáo viên THPT. Nguyên nhân là do việc biến động về quy mô, cơ cấu lại các trường hoặc do tăng dân số cơ học tại các khu vực trung tâm, thành phố lớn, khu công nghiệp. Mặt khác, ở các địa phương, cơ quan chuyên môn là Sở GDĐT, Phòng GDĐT nhưng lại không phải là đơn vị chủ trì, đầu mối về tuyển dụng giáo viên cho nên không chủ động được trong việc điều tiết số lượng thừa - thiếu, cơ cấu đội ngũ theo môn học, cấp học.
Điều dư luận xã hội đang quan tâm nhất hiện nay là việc giải quyết bài toán giữa cử giáo viên đi đào tạo nâng chuẩn và vấn đề thiếu giáo viên, nhất là cấp học mầm non và tiểu học. Ông Đặng Văn Bình - Phó Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục (Bộ GDĐT) chia sẻ: Mục đích chính của việc nâng trình độ chuẩn được đào tạo đối với giáo viên các cấp học nêu trên là nhằm nâng cao trình độ chuyên môn, năng lực sư phạm của đội ngũ giáo viên, đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục đào tạo, nâng cao chất lượng giáo dục, góp phần hội nhập với các nước trong khu vực và trên thế giới; đồng thời làm căn cứ để thực hiện chế độ chính sách cho nhà giáo.
Theo ông Bình: Trước khi Luật Giáo dục được thông qua, Bộ GDĐT đã hoàn thành việc xây dựng cơ sở dữ liệu ngành về đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục. Vì vậy, có thể nói, khi triển khai xây dựng dự thảo Nghị định, Bộ GDĐT đã có một bức tranh khá đầy đủ về hiện trạng đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục trong toàn quốc từ độ tuổi, cấp học, môn học và trình độ đào tạo; Có đầy đủ số liệu về giáo viên mầm non, tiểu học, THCS phải thực hiện nâng trình độ chuẩn, làm căn cứ hướng dẫn các địa phương xây dựng kế hoạch và cử giáo viên tham gia đào tạo nâng chuẩn phù hợp với điều kiện thực tế của giáo viên, của từng trường, không làm tăng áp lực về việc thiếu giáo viên.
Bên cạnh đó, Bộ GDĐT cũng chỉ đạo các cơ sở đào tạo giáo viên thực hiện các hình thức đào tạo linh hoạt, phù hợp với đối tượng giáo viên vừa làm, vừa học như: Học tích lũy tín chỉ, từ xa, tập trung, trực tuyến, trực tuyến kết hợp với tập trung. Đặc biệt là việc nâng trình độ chuẩn của giáo viên được thực hiện từ ngày 1/7/2020 đến hết ngày 31/12/ 2030 (10 năm) và được chia làm 2 giai đoạn. Đây là tiền đề để các cơ sở giáo dục xác định thời điểm cử giáo viên đi đào tạo mà không làm ảnh hưởng đến việc thiếu giáo viên của các trường và tạo điều kiện thuận lợi nhất cho giáo viên vừa làm, vừa học hiệu quả, chất lượng. Theo dự tính, mỗi năm, mỗi tỉnh/thành phố chỉ cử đi đào tạo khoảng 142 giáo viên mầm non, 185 giáo viên tiểu học, 81 giáo viên THCS.