Án mạng do 'ngáo đá': Quản lý người nghiện ra sao?
90% số người nghiện có hồ sơ quản lý và người nghiện chưa thống kê được đang sinh sống trong cộng đồng.
Dương Quang Bình, nghi phạm giết NSƯT Vũ Mạnh Dũng.
Thời gian qua liên tục xảy ra những vụ án giết người liên quan đến đối tượng sử dụng ma túy khiến dư luận xã hội bàng hoàng, người dân lo lắng về tình trạng kẻ ngáo đá sống trong khu dân cư gây ra mối tai họa bất cứ lúc nào.
Nhiều người đặt câu hỏi, vì sao ngày càng xảy ra nhiều vụ án mạng do người nghiện gây ra? Phải chăng công tác quản lý người nghiện tại cộng đồng đang bị buông lỏng hay sự thờ ơ của gia đình trước những biểu hiện không bình thường của người nghiện khiến họ dễ dàng gây tội ác?
Mới đây nhất là vụ án giết người mà nạn nhân là một nghệ sĩ nổi tiếng, một giọng opera hiếm hoi của Việt Nam bị chính anh vợ của mình, một người nghi ngáo đá sát hại vào tối 18/2. Trước đó, chiều 19/1, một người đàn ông 73 tuổi, trú xã Tân Hưng, thành phố Hưng Yên, tỉnh Hưng Yên bị đối tượng nghi ngáo đá, sát hại và phân xác. Cuối năm 2019, đối tượng Hoàng Văn Chín (SN 1976, trú xã Sơn Phú, Định Hóa, Thái Nguyên) đã giết 5 người bao gồm vợ, anh rể và 3 người hàng xóm. Tất cả những đối tượng gây án này đều nghiện ma túy đá. Đây chỉ là 3 vụ án trong số hàng chục vụ án giết người do người nghiện ma túy cho thấy tình trạng người dùng ma túy bị ảo giác, giết nhiều người và tự hại bản thân ngày càng có mật độ dày đặc và đáng báo động.
Anh Nguyễn Thanh Hải, ở Hải Phòng, một người từng nghiện ma túy tổng hợp chia sẻ, người nghiện ma túy thường không kiểm soát được hành vi. Trong cơn ngáo đá, họ có thể có những hành vi nguy hiểm cho chính bản thân hoặc giết người do bị ảo giác...
"Ma túy ảnh hưởng đến tinh thần rất nhiều. Cách đây một thời gian, tôi bị bệnh thần kinh, đi mà không ý thức được điều gì, mất kiểm soát, con người mình thành người khác hẳn. Lúc không có ma túy thấy đau người, làm cho mình phải tìm đến ma túy, các chất kích thích gây nghiện, tìm đến bằng mọi giá”, anh Hải nhớ lại.
Theo số liệu thống kê, hiện cả nước chỉ có khoảng 10% số người nghiện ma túy có hồ sơ quản lý được đưa vào các cơ sở cai nghiện tập trung. Còn lại 90% số người nghiện có hồ sơ quản lý và người nghiện chưa thống kê được đang sinh sống trong cộng đồng. Ước tính số người nghiện ma túy tổng hợp, ma túy đá chiếm hơn 70% tổng số người nghiện hiện nay và đang có chiều hướng gia tăng. Một số nơi, việc quản lý người nghiện ngoài cộng đồng dường như đang bị buông lỏng.
Bác sĩ Phạm Thành Luân, Bộ môn Tâm thần, Đại học Y Hà Nội, cho biết, phần lớn những người nghiện ma túy tổng hợp đều bị ảo giác, tâm thần và chưa có thuốc điều trị hữu hiệu.
“Khi chúng ta tiếp cận rối loạn tâm thần là chúng ta tiếp cận đầy đủ hơn xung quanh vấn đề sử dụng chất. Để làm điều này không hề đơn giản, chúng ta chưa có một hệ thống hay quy trình nào cho việc điều trị nghiện chất phải điều trị các mặt. Sắp tới có thể có những thay đổi trong cách tiếp cận điều trị, ngoài tiếp cận điều trị cai nghiện, chống tái nghiện sau cai thì còn phải quan tâm đến những khía cạnh khác nữa và cần có sự phối hợp từ nhiều đơn vị liên quan, ít nhất phải có sự phối hợp từ các bệnh viện tâm thần, từ những trung tâm điều trị nghiện chất”, bác sĩ Luân cho biết.
Bác sĩ Khuất Thị Hải Oanh, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ sáng kiến Phát triển cộng đồng, phân tích, nghiện ma túy ảnh hưởng trực tiếp lên não bộ. Những người nghiện ma túy, đặc biệt là ma túy tổng hợp, trước khi gây hại cho bản thân và người khác, họ thường có những biểu hiện bất thường như mất ngủ, nói lảm nhảm, hay la hét, cho rằng có ai đó muốn hại mình hoặc bị xui khiến làm điều xấu... Nếu gia đình phát hiện ra những dấu hiệu này có thể đưa ngay người nghiện đến bệnh viện hoặc trung tâm điều trị cai nghiện.
“Trước tiên là để cho những người sử dụng ma túy biết được tác hại của nó và biết cách làm thế nào để hạn chế được tác hại. Thứ hai là để cho những người có trách nhiệm biết cách can thiệp, điều trị, không gây tình trạng hoang mang, sợ hãi trong người dân mà bình tĩnh thực hiện các can thiệp. Có thể điều trị, chẳng qua chúng ta chưa biết cách. Để điều trị cho những người nghiện ma túy tổng hợp này thì không phải uống thuốc mà là các liệu pháp về tâm lý và hành vi”, bác sĩ Oanh cho biết thêm.
Ông Đỗ Văn Dũng, Trưởng khoa Y tế công cộng, Đại học Y dược thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, để hạn chế thấp nhất những vụ án đau lòng do người nghiện gây ra thì điều quan trọng nhất, đó là sự quan tâm, động viên của gia đình, chính quyền địa phương, thường xuyên kiểm tra sức khỏe và điều trị cho người nghiện bằng liệu pháp tâm lý.
“Chúng tôi có một thử nghiệm gọi là Bolimatex, giúp tạo ra những cách ứng xử tốt nhất cho những người nghiện trong những tình huống và củng cố về tâm lý để họ duy trì những hành vi tích cực”, ông Dũng thông tin.
Để giảm số người nghiện và những vụ thảm án do người nghiện gây ra, ngành chức năng cần tìm ra biện pháp quản lý, giúp đỡ, tiến hành điều trị cai cho người nghiện hiệu quả ngay tại cộng đồng. Nếu nơi nào, chính quyền, ngành chức năng còn thờ ơ, buông lỏng, thì các vụ thảm án đau lòng do người nghiện gây ra sẽ vẫn còn tiếp diễn.