Ô nhiễm không khí có nguy cơ lan rộng
Đầu tuần, cho dù trời hửng nắng nhưng Thủ đô Hà Nội và một số đô thị khác ở khu vực miền Bắc vẫn đang trong thời gian ghi nhận nồng độ các chất ô nhiễm trong không khí ở mức cao.
Ảnh minh họa.
Cuối tuần vừa qua, mặc dù phương tiện giao thông đi lại ít nhưng chỉ số chất lượng không khí (AQI) đo được tại 10 trạm quan trắc trên địa bàn TP Hà Nội đa phần ở mức rất xấu.
Theo Chi cục Bảo vệ Môi trường (Sở TNMT Hà Nội), trong ngày cuối tuần chất lượng không khí tại Thủ đô không có sự chuyển biến, chỉ số chất lượng không khí (AQI) vẫn rất cao, các khu vực đa phần ở mức rất xấu như: Minh Khai – 270; Hàng Đậu – 266, Trung Yên 3 – 254, Phạm Văn Đồng – 243, Thành Công – 231, Hoàn Kiếm – 210... Các khu vực Kim Liên , Tây Mỗ, Tân Mai, Mỹ Đình chỉ số AQI ở mức xấu, dao động từ 175 -194.
Tại Hà Nội, giá trị quan trắc trung bình 24 giờ thông số PM2.5 tại các trạm quan trắc cho thấy, tháng 1/2020, có 9 ngày vượt giới hạn cho phép tại QCVN (Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng không khí xung quanh). Tháng 2/2020 (từ ngày 1/2/2020 đến 20/2/2020) có 11 ngày vượt giới hạn cho phép tại QCVN.
Đánh giá chất lượng không khí theo chỉ số AQI cho thấy, từ ngày 1/1/2020 đến ngày 20/2/2020 tại một số đô thị khu vực miền Bắc, số ngày trong tháng có chất lượng không khí ở mức trung bình và mức kém chiếm tỉ lệ khá cao. Riêng tại Hà Nội, chỉ có 7 ngày chất lượng không khí ở mức tốt (AQI<50), 6 ngày chất lượng không khí ở mức xấu (AQI>150), những ngày còn lại chất lượng không khí nằm ở mức từ trung bình đến kém.
Cụ thể hơn, kết quả tính toán chỉ số AQI ngày tại các trạm tại Hà Nội từ 1/1/2020 đến 18/2/2020 cho thấy, có khoảng 50% số ngày có chất lượng không khí ở mức kém đến rất xấu (AQI>100), riêng ngày 13/1 là ngày chất lượng không khí kém nhất.
Số liệu quan trắc cho thấy, ô nhiễm không khí chủ yếu do bụi mịn PM2.5, các thông số còn lại (NO2, O3, CO, SO2) về cơ bản vẫn có giá trị đạt quy chuẩn cho phép tại QCVN 05:2013/BTNMT - Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng không khí xung quanh.
Tại một số đô thị khu vực miền Bắc (Việt Trì, Hà Nội, Hạ Long), giá trị trung bình 24 giờ thông số PM2.5 cao hơn các khu vực khác, trong đó Hà Nội có giá trị cao nhất. Tại thành phố Hạ Long, giá trị quan trắc trung bình 24 giờ thông số PM2.5 tại trạm quan trắc thành phố Hạ Long trong thời gian 2 tháng đầu năm 2020 cho thấy, có 4 ngày vượt quá giới hạn cho phép tại QCVN. Tại các thành phố ở khu vực miền Trung (Huế, Đà Nẵng, Khánh Hòa), giá trị quan trắc trung bình 24 giờ thông số PM2.5 về cơ bản đạt QCVN cho phép. Tại TP Hồ Chí Minh, kết quả quan trắc ghi nhận một số ngày có giá trị trung bình 24 giờ thông số PM2.5 vượt giới hạn cho phép tại QCVN (ngày 6/1/2020 và 16/1/2020).
Theo tổng hợp của Tổng cục Môi trường (Bộ TNMT), tại Hà Nội, trong 2 tháng đầu năm 2020, kết quả quan trắc cho thấy, có một số khoảng thời gian giá trị trung bình 24h thông số PM2.5 tăng rất cao (vượt từ 2 - 3 lần giới hạn cho phép tại QCVN, như các ngày 1/1, 13/1, 14/1, 2/2 và 20/2. Trong khoảng thời gian gần đây (từ ngày 14/2/2020 đến 21/2/2020), kết quả quan trắc cho thấy, giá trị thông số PM2.5 có xu hướng liên tục tăng, đặc biệt trong ngày 20/2 và 21/2 giá trị PM2.5 rất cao. Giá trị trung bình 24h thông số PM2.5 ngày 20/2 vượt quá gần 3 lần giới hạn cho phép tại QCVN.
Tổng cục Môi trường khuyến nghị: Chất lượng không khí có xu hướng bị suy giảm, đồng nghĩa với mức độ ô nhiễm ngày càng tăng, người dân cần theo dõi thường xuyên các bản tin về chất lượng không khí, sử dụng khẩu trang chống bụi khi ra đường, khi ở nhà thì nên hạn chế mở cửa”.