Đảm bảo an toàn cao nhất để đón học sinh trở lại trường
Sau khi Bộ GDĐT đã chính thức điều chỉnh khung thời gian năm học 2019- 2020, nhiều địa phương cho biết đã sẵn sàng đón học sinh (HS) trở lại trường vào đầu tháng 3 tới. Dẫu thế mối quan tâm lớn nhất hiện nay là làm thế nào để đảm bảo an toàn khi các em đi học trở lại.
Phun thuốc khử khuẩn trường học tại Hà Nội.
Sở GDĐT Hà Nội bàn giải pháp an toàn cho học sinh
Chiều 25/2, Sở GDĐT Hà Nội họp trực tuyến với 31 điểm cầu về phòng, chống dịch bệnh SARS-CoV-2 và chuẩn bị các điều kiện HS đi học trở lại.
Theo Sở GDĐT Hà Nội, hiện HS đã nghỉ học 4 tuần. Trong thời gian nghỉ học, thứ bảy và chủ nhật hàng tuần, các trường phun khử khuẩn. Sở GDĐT cũng đã lập 3 đoàn kiểm tra việc vệ sinh khử khuẩn tại các trường học. Đến thời điểm này, Hà Nội tiến hành khử khuẩn 4 lần. Dự kiến đợt 5 diễn ra trong ngày 29/2/2020 và 1/3/2020.
Cũng theo thống kê của Sở GDĐT Hà Nội tại cuộc họp, qua rà soát số cán bộ, giáo viên, HS đã đến và đi từ vùng có dịch Trung Quốc gồm 69 người (2 cán bộ giáo viên, HS 67 em). Cán bộ và giáo viên, HS mang quốc tịch Trung Quốc đang học tập và làm việc ở các trường học 137 người (7 cán bộ giáo viên và 130 HS).
Hiện Sở GDĐT đang yêu cầu rà soát, thống kê số cán bộ giáo viên và HS trở về Việt Nam từ ngày 10/2 trở lại đây ở các quốc gia như: Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore... Đến nay, trong toàn ngành giáo dục Hà Nội chưa phát hiện trường hợp nào mắc SARS-CoV-2.
Ông Chử Xuân Dũng- Giám đốc Sở GDĐT Hà Nội cho biết đã chỉ đạo triển khai hệ thống dạy học trực tuyến cho HS lớp 9 với 7 môn học để chuẩn bị cho kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10. Hiện hệ thống đang hoàn thiện nội dung ôn tập cho HS lớp 11,12, triển khai ôn tập từng bài, từng chương, tiếp cận cấu trúc đề thi để HS yên tâm. Nếu không có gì thay đổi, ngày 2/3 tới, HS sẽ quay trở lại trường học…
Bộ GDĐT: địa phương xem xét điều kiện cho học sinh trở lại trường
Xung quanh việc cho HS đi học trở lại, Thứ trưởng Bộ GDĐT Nguyễn Hữu Độ cho biết, Bộ đã có văn bản hướng dẫn an toàn cho HS trở lại trường và chuẩn bị cùng Bộ Y tế ban hành quy trình đảm bảo an toàn cho HS trở lại trường.
Theo ông Độ, để phòng chống dịch SARS-CoV-2, từ sau Tết Nguyên đán Canh Tý, Việt Nam đã có đợt nghỉ học kéo dài 1 tháng với quan điểm “HS đến trường phải an toàn và phụ huynh phải yên tâm”.
Vừa qua, Bộ GDĐT cũng đã ban hành quyết định điều chỉnh khung thời gian năm học 2019 - 2020, đảm bảo cho HS đi học trở lại mà không phải học bù, dồn ép. Một số địa phương như Vĩnh Phúc có thể phải học bù vào buổi chiều để đảm bảo kết thúc năm học trước ngày 30/6/2020.
Theo kế hoạch điều chỉnh khung thời gian năm học nói trên, Bộ GDĐT đề nghị các địa phương xem xét, quyết định cho trẻ em mầm non, HS, sinh viên, học viên đi học trở lại từ ngày 2/3/2020. Tuy nhiên, Bộ đã lưu ý các địa phương tùy điều kiện để quyết định cho HS cấp nào đi học trở lại.
Hiện trong số hơn 200 trường ĐH đã báo cáo về Bộ, có 65 trường ĐH đang học bình thường, một số trường sẽ đi học từ ngày 2/3, một số trường thì có kế hoạch học lại từ ngày 10/3. Trong thời gian nghỉ do dịch SARS-CoV-2, một số trường ĐH đã triển khai học trực tuyến để đảm bảo thời gian học tập cho sinh viên.
Bộ Y tế đưa ra 5 nguyên tắc khi học sinh quay lại trường
Tại cuộc họp trực tuyến sáng 25/2 do Bộ Y tế và UBND TPHCM tổ chức (họp trực tuyến với 700 điểm cầu toàn quốc để triển khai công tác năm 2020), nội dung chống dịch SARS-CoV-2 ra sao khi dịch chuyển sang giai đoạn mới là vấn đề được quan tâm.
Theo ông Doãn Ngọc Hải- Viện trưởng Viện Sức khỏe (Bộ Y tế), việc phòng chống SARS-CoV-2 phải do cộng đồng thực hiện theo hướng dẫn của ngành y tế; đặc biệt là các trường học khi đón HS, sinh viên trở lại trường.
Hiện cả nước có hơn 20 triệu HS, sinh viên các cấp. Do đó, với trường học, Bộ Y tế yêu cầu phải thực hiện 5 điều: Truyền thông và tuyên truyền để HS phải chính thống; Trước khi HS đến trường phải sàng lọc nguy cơ cụ thể, rà soát HS đã đi đâu, về đâu, đến vùng có dịch hay không có dịch; Thực hiện kiểm soát và giám sát, xây dựng nhiều lớp bảo vệ. Thực hiện đo thân nhiệt hay quan sát HS để phát hiện sớm. Vấn đề này phải giao nhiệm vụ cho giáo viên chủ nhiệm, lớp trưởng; Kiểm soát nguy cơ bao gồm vệ sinh cá nhân, các loại nước rửa tay, khử trùng phải đủ cho HS dùng. Tiêu độc đảm bảo khu vực xung quanh và bề mặt các dụng cụ học đường, phun diệt khuẩn thường xuyên. Nếu trẻ em có nguy cơ thực sự thì có khu dành riêng để phối hợp với bên y tế xử lý phù hợp. Phải có báo cáo cho cơ quan quản lý khi có vấn đề xảy ra.
Ông Vũ Mạnh Cường- Phó Vụ trưởng Vụ truyền thông (Bộ Y tế) khuyến cáo, trong thời gian ở trường giáo viên phát hiện HS sốt, ho, khó thở phải đưa đến bệnh viện ngay. “Việc đảm bảo an toàn trong trường học là sự phối hợp của địa phương, ngành y tế và trường học. Tất cả đặt trong chế độ sẵn sàng và cao hơn bình thường. Trường học không khám chữa bệnh cho HS. Cán bộ y tế học đường cũng chỉ theo dõi hiện tượng về sức khỏe và có nhiệm vụ báo với bên cơ quan y tế”.