Khi phụ huynh tham gia lựa chọn sách giáo khoa
Theo thông tư hướng dẫn lựa chọn sách giáo khoa (SGK) trong cơ sở giáo dục phổ thông (GDPT) do Bộ GDĐT đã ban hành, thành phần Hội đồng lựa chọn SGK bao gồm: Người đứng đầu cơ sở giáo dục, cấp phó người đứng đầu, tổ trưởng tổ chuyên môn, đại diện giáo viên dạy các môn học, hoạt động giáo dục (gọi chung là môn học) có SGK được lựa chọn, đại diện Ban đại diện cha mẹ học sinh (phụ huynh).
Nên đa dạng thành phần lựa chọn SGK.
GS.TS Đinh Quang Báo – nguyên Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Hà Nội khẳng định sự xuất hiện của Ban đại diện cha mẹ học sinh là cần thiết. Bởi phụ huynh ngày nay khá gắn bó với việc hướng dẫn, dạy con học tại nhà, như vậy họ cũng cần biết SGK ra sao để hướng dẫn con học. Mặt khác, các vấn đề liên quan đến kiến thức lịch sử, địa lý, văn hóa, phong tục tập quán… địa phương, chắc chắn phụ huynh có sự am hiểu nhất định. Với những kiến thức, hiểu biết của mình, họ hoàn toàn có thể đóng góp tốt cho việc lựa chọn SGK.
Ghi nhận từ thực tế cho thấy, theo yêu cầu đến cuối tháng 3 các nhà trường phải báo cáo bộ sách lựa chọn, nhưng hiện tại không ít trường chưa được tiếp cận đầy đủ các bản mẫu SGK để mua rồi phát cho giáo viên và các thành viên có trong Hội đồng. Theo chia sẻ của những người trong nghề: Giáo viên đọc SGK mà có chi tiết phải nghiên cứu đi nghiên cứu lại, huống chi đại diện phụ huynh học sinh không phải ai cũng có đủ chuyên môn, thời gian để đọc, so sánh các sách rồi đưa ra lựa chọn… Chưa kể, có một cái khó khác đó là hiện tại, các trường chưa tuyển sinh nên không thể cử đại diện phụ huynh là cha mẹ học sinh lớp 1 sắp tới.
Trước những băn khoăn về việc nếu các thành viên của Hội đồng không đạt quá 50% khi đồng ý lựa chọn SGK, tại điểm 2- Điều 8 của Thông tư hướng dẫn lựa chọn SGK cũng đã quy định rõ: Trường hợp SGK không được trên 1/2 số thành viên của Hội đồng bỏ phiếu đồng ý lựa chọn, Hội đồng thảo luận, phân tích các SGK với các tiêu chí lựa chọn SGK và bỏ phiếu lựa chọn lại. Sau lần bỏ phiếu thứ hai, nếu vẫn không được trên 1/2 số thành viên của Hội đồng bỏ phiếu đồng ý lựa chọn thì Hội đồng quyết định lựa chọn SGK có số phiếu đồng ý cao nhất trong danh mục SGK do tổ chuyên môn báo cáo theo quy định tại khoản 1 Điều này. Hội đồng tổng hợp kết quả lựa chọn SGK thành biên bản, có chữ ký của Chủ tịch, Phó Chủ tịch, Thư ký và các Ủy viên tham dự.
Theo GS Đinh Quang Báo: Hội đồng chọn lựa SGK phải tạo điều kiện để phụ huynh được tiếp cận với bản mẫu SGK mới để họ cùng tìm hiểu, nghiên cứu và đóng góp ý kiến, quan điểm của mình. Hội đồng lựa chọn SGK cũng có trách nhiệm giải thích, tập huấn, thảo luận… để phụ huynh học sinh tham gia lựa chọn SGK có được hướng tiếp cận, định hướng khoa học, đúng hướng. Từ đó, sẽ có sự lựa chọn đúng đắn.