Đấu giá quyền khai thác khoáng sản: Cần nâng cao hiệu quả
Ngày 25/2, Bộ TNMT tổ chức cuộc họp báo cáo kế hoạch triển khai xây dựng Nghị định thay thế Nghị định 22/2012/NĐ-CP quy định về đấu giá quyền khai thác khoáng sản.
Theo Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam, sau 7 năm triển khai Nghị định 22/2012/NĐ-CP, đến nay, Bộ TNMT, các địa phương đã phê duyệt kế hoạch đấu giá với 582 khu vực khoáng sản, trong đó đã đấu giá thành công 304 khu vực (gồm 13 loại khoáng sản), đạt 52,23% kế hoạch. Các địa phương đã cấp phép khai thác khoáng sản 152 mỏ, đạt 50% kế hoạch.
Nghị định 22/2012/NĐ-CP được ban hành trên cơ sở Nghị định số 17/2010/NĐ-CP của Chính phủ về bán đấu giá tài sản và đã hết hiệu lực, được thay thế bằng Luật Đấu giá tài sản năm 2016, có hiệu lực từ ngày 1/7/2017. Mặt khác, một số quy định về trình tự thủ tục đấu giá tại Nghị định 22/2012/NĐ-CP không còn phù hợp, cụ thể như: Các quy định về tiền đặt trước; đối tượng tham gia đấu giá; bán hồ sơ mời tham gia đấu giá; thành lập Hội đồng đấu giá quyền khai thác khoáng sản; công khai danh sách tổ chức, cá nhân được tham gia phiên đấu giá…
Tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ TNMT Trần Quý Kiên nhận định: Dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 22/2012/NĐ-CP xây dựng phải đáp ứng được những mục tiêu như: phù hợp với quy định Luật Đấu giá tài sản số 01/2016/QH14 ngày 17/11/2016; đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp của người có tài sản đấu giá, người tham gia đấu giá, người trúng đấu giá và các tổ chức cá nhân liên quan. Đồng thời, đảm bảo tạo hành lang pháp lý nhằm nâng cao hiệu quả của công tác đấu giá quyền khai thác khoáng sản; hiệu quả quản lý Nhà nước trong hoạt động khoáng sản.
Ông Trần Quý Kiên lưu ý Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam cần rà soát, nghiên cứu để hoàn thiện khung Nghị định; họp Ban soạn thảo trong khoảng cuối tháng 3/2020, sau đó trình Chính phủ vào tháng 10/2020.