Tổng thống Mỹ thăm Ấn Độ: Một mũi tên, ngắm nhiều đích
Chuyến thăm lịch sử của Tổng thống Mỹ Donald Trump tới Ấn Độ trong ngày 24 và ngày 25/2 là cuộc ngoại giao song phương đáng chú ý nhất thế giới trong 2 tháng đầu năm 2020. Các thỏa thuận Mỹ - Ấn đạt được trong chuyến đi được giới phân tích đánh giá: “Tốt cho Mỹ, tốt cho Ấn, tốt cho Trump và tốt cho cả Modi”.
Ông Trump được ông Moditiếp đón trước sự chứng kiến của khoảng 100.000 người dân Ấn Độ.
Sau màn chào mừng nồng nhiệt của hàng trăm ngàn người dân và chính quyền Ấn Độ ở ngày đầu tiên của chuyến thăm, truyền thông phương Tây cho biết ông Trump và Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi bắt đầu các cuộc đàm phán về việc Mỹ bán vũ khí cho New Delhi cùng hàng loạt các thoả thuận thương mại khác.
“Tôi vui mừng thông báo đại diện của chúng tôi đã ký thỏa thuận mua bán trực thăng và những khí tài tối tân trị giá 3 tỷ USD cho lực lượng vũ trang Ấn Độ “- Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố cả trước và sau cuộc hội đàm.
“Thỏa thuận đạt được từ các hợp đồng mua bán vũ khí nói riêng và quân sự, quốc phòng Mỹ - Ấn nói chung trong chuyến thăm của ông Trump là thắng lợi đầu tiên gợi mở tất cả các mục đích song phương khác. Nó là chốt mở mọi vấn đề”- ông Joshua White thuộc Trường Nghiên cứu Quốc tế Johns Hopkins nói.
Bộ Quốc phòng Ấn Độ năm 2019 từng công bố kế hoạch chi 6 tỷ USD để mua 30 máy bay không người lái của Washington. Tuần trước, Chính phủ Ấn Độ cho phép mua 24 trực thăng MH-60R Seahawk của Mỹ. Và trước đó, Bộ Ngoại giao Mỹ cũng đồng ý cho cho Ấn Độ mua số tên lửa, radar phòng không cùng các khí tài khác trị giá 1,8 tỷ USD.
Trong khi đó, về các thỏa thuận thương mại giữa Mỹ - Ấn cũng được đem ra đàm phán trong chuyến thăm của ông Trump. Dù chưa có những con số và tuyên bố chính thức nhưng các nhà ngoại giao Mỹ trước cuộc đàm phán cho biết nhà lãnh đạo của 2 nước giải quyết các bất đồng về thương mại xung quanh các mặt hàng nông sản, thiết bị y tế, thương mại điện tử và các sắc thuế mới hai nước áp lên hàng hoá của nhau gần đây.
Một kỳ vọng về việc nâng mức thương mại song phương Mỹ - Ấn hiện từ 160 tỷ USD hiện tại lên 200 tỷ USD trong tương lai sẽ được đưa ra.
Còn Ấn Độ muốn được khôi phục địa vị ưu đãi về thuế quan theo Hệ thống ưu đãi thuế quan phổ cập, một hệ thống cho phép đối xử ưu tiên cho hàng hóa từ các nước kém phát triển hơn. “Dù một thỏa thuận hạn chế cũng sẽ là tín hiệu quan trọng đối với cả hai nước”- Chủ tịch Hội đồng Kinh doanh Mỹ - Ấn Độ Nisha Biswal nói.
“Dù cả 2 nhà lãnh đạo Mỹ - Ấn gặp nhau trên cương vị, vai trò quốc gia nhưng chuyến thăm của ông Trump cũng là “tiền đề chính trị” quan trọng cho cả 2 cá nhân lúc này”- Hãng tin AP bình luận.
Theo bà Tanvi Madan- Giám đốc Dự án nghiên cứu về Ấn Độ tại Viện Nghiên cứu chính sách Brookings ở Washington, Mỹ: “Chuyến thăm được đánh giá là chuyến đi dễ chịu đến một đất nước mà ông Trump không phải đối mặt với những câu hỏi khó, nhưng lại giúp ông dễ dàng ghi điểm chính trị trong nước”.
Hay nói một cách khác, một phần mục tiêu của chuyến thăm là xây dựng hình ảnh tích cực của ông Trump trước cử tri Mỹ, trong lúc ông đang nỗ lực cho cuộc đua tái tranh cử vào cuối năm nay.
“Những hình ảnh này sẽ được nhóm của ông Trump sử dụng để khẳng định rằng Tổng thống được chào đón khắp thế giới”- bà Madan nói. Đối với 4,5 triệu cử tri gốc Ấn tại Mỹ, dù có quy mô không đông nhưng những người trong cộng đồng này vẫn là lực lượng chính trị có thể tạo nên khác biệt trong các cuộc bầu tử Tổng thống.
Năm 2016, khảo sát cho thấy chỉ 16% người Mỹ gốc Ấn bỏ phiếu cho ông Trump. Trong khi số còn lại bỏ cho đại diện Đảng Dân chủ- bà Hillary Clinton. Theo ông Karthick Ramakrishnan- giáo sư về chính sách công tại ĐH California- nỗ lực của ông Trump trong chuyến thăm Ấn Độ có thể giúp ông có cơ hội tăng tỷ lệ ủng hộ nói trên.
Trong khi đó, chiều ngược lại, chuyến thăm của ông Trump cũng giúp Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi giải quyết một số vấn đề bất ổn nội bộ trong nước. Trong đó, ông Modi sẽ giảm bớt được các chỉ trích về việc nền kinh tế Ấn Độ đang gặp nhiều khó khăn, với tỉ lệ thất nghiệp cao. Đặc biệt là những chỉ trích khi ông ra quyết định xóa bỏ quy chế đặc biệt của khu vực Jammu và Kashmir vào cuối năm ngoái.
“Tuy chúng ta chưa được Ấn Độ đối xử tốt nhưng tôi lại rất thích Thủ tướng Modi”- ông Trump nói với các phóng viên ngay trước chuyến đi.