Lắng nghe để thấu hiểu hoạt động Mặt trận
Làm việc với MTTQ thành phố Hà Nội, Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ cho rằng, đây là dịp để lãnh đạo thành phố được lắng nghe, thấu hiểu đầy đủ hơn, sâu sắc hơn tâm tư, nguyện vọng của các tầng lớp nhân dân Thủ đô, tạo ổn định, đồng thuận xã hội...
Quang cảnh hội nghị.
Ngày 26/2, ông Vương Đình Huệ, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội đã có cuộc làm việc với Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Hà Nội về kết quả thực hiện nhiệm vụ thời gian qua; phương hướng, nhiệm vụ thời gian tới.
Cùng tham dự, có Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký UBTƯ MTTQ Việt Nam Hầu A Lềnh; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành Ủy Ngô Thị Thanh Hằng; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung.
Tạo được niềm tin trong nhân dân
Báo cáo tình hình nhân dân, tóm tắt kết quả công tác Mặt trận và phương hướng nhiệm vụ trong thời gian tới, Phó Chủ tịch Thường trực MTTQ thành phố Nguyễn Anh Tuấn cho biết, trong thời gian qua công tác Mặt trận có nhiều đổi mới về nội dung, phương thức tổ chức; mối quan hệ giữa Mặt trận với chính quyền, các tổ chức thành viên và các cơ quan hữu quan ngày càng gắn bó chặt chẽ, hiệu quả. Các hoạt động đã hướng mạnh về cơ sở, lấy khu dân cư (KDC), tổ dân phố, thôn, làng là địa bàn để tổ chức các hoạt động.
“Vai trò Mặt trận ngày càng được khẳng định là trung tâm khối đại đoàn kết, nơi bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng, đáp ứng nguyện vọng của nhân dân”, ông Tuấn nhấn mạnh.
Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ trao đổi với các đại biểu bên lề hội nghị.
Để khẳng định hơn những đổi mới của công tác Mặt trận thành phố Hà Nội, ông Phạm Lợi, nguyên Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hà Nội, Chủ nhiệm HĐTV về Kinh tế - xã hội cho rằng, sự đổi mới của Mặt trận tập trung vào nhiều vấn đề quan trọng.
Đó là việc MTTQ Hà Nội đã đa dạng hóa phương thức hoạt động để tập hợp nhân dân xây dựng, phát huy khối đại đoàn kết toàn dân tộc. “MTTQ thành phố đã coi trọng hoạt động giám sát và phản biện xã hội, góp phần xây dựng các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Đây là hoạt động mới nhưng MTTQ thành phố đã tập trung thực hiện có kết quả. Qua đó vai trò của MTTQ được khẳng định, phát huy, được nhân dân tin cậy. Đây là những kết quả đáng mừng trong việc đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của MTTQ thành phố”, ông Phạm Lợi chia sẻ.
Làm rõ vai trò của MTTQ thành phố Hà Nội với đội ngũ trí thức Thủ đô, bà Bùi Thị An, Chủ tịch Hội Nữ trí thức Thủ đô cho rằng, trong những năm gần đây, hội đã tham gia rất nhiều hoạt động giám sát, tọa đàm, hội thảo của MTTQ. Các thành viên trong hội đều cảm thấy phấn khởi vì thấy trí thức được tôn trọng, được lắng nghe, được phản hồi.
“Đây là món quà vô giá của trí thức Thủ đô. Trong đó, MTTQ thành phố đã luôn chủ động, đề xuất, tạo điều kiện để trí thức cống hiến”, bà An nhấn mạnh.
Để từng bước nâng cao hiệu quả hoạt động của MTTQ với trí thức, theo bà Bùi Thị An, hoạt động mà MTTQ cần hướng tới và đạt được mục tiêu cao nhất là tạo sức mạnh tổng hợp với đúng nghĩa của nó.
“Sức mạnh đó không dừng lại ở các văn bản ký kết, hội nghị mà phải thể hiện trên các hoạt động thực tiễn, phải cải thiện được chất lượng cuộc sống của người dân, làm thay đổi diện mạo của từng cơ sở và toàn thành phố” - bà Bùi Thị An khẳng định.
Cũng theo bà An, với đội ngũ trí thức cần một môi trường làm việc thông thoáng, bình đẳng phù hợp với chức năng, sở trường để đóng góp công sức, trí tuệ, những ý kiến xây dựng, phản biện có tính khoa học cao, phù hợp với xu thế thời đại cũng như sự đổi mới của đất nước, phù hợp với Hiến pháp và Luật pháp của Nhà nước. Tránh tình trạng mỗi người một tham luận, đọc xong lại giải tán, không có tranh luận, phản biện, không tạo được tiếng nói chung.
Mặt trận góp phần làm trong sạch đội ngũ cán bộ
Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Hầu A Lềnh cho rằng, trong những năm qua, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô đã thực hiện đồng bộ các Nghị quyết của Trung ương, của thành phố theo cả chiều rộng lẫn chiều sâu. Với tinh thần chủ động, sáng tạo, Mặt trận Hà Nội đã tổ chức nhiều hoạt động có trọng tâm, trọng điểm, làm sáng tỏ thêm nhiều hoạt động từ lý luận đến thực tiễn, khơi dậy tinh thần sáng tạo của nhân dân.
Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Hầu A Lềnh phát biểu tại hội nghị.
MTTQ thành phố tổ chức nhiều sự kiện, nhiều hoạt động kiểu mẫu của cả nước; đơn vị điển hình trong thực hiện các phong trào thi đua, các CVĐ, nhất là tổ chức tốt ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc ở khu dân cư. Đến nay, ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc đã đi vào nền nếp, trở thành đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng, được Bộ Chính trị đánh giá cao.
Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Hầu A Lềnh mong muốn, MTTQ thành phố tiếp tục xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc ngày càng vững mạnh, chủ động tham gia Đại hội Đảng các cấp tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII; tham gia kỷ niệm các ngày lễ lớn của đất nước; dự báo tình hình, giải quyết những việc khó của nhân dân Thủ đô và đất nước…
“Năm 2020 là năm đất nước có nhiều sự kiện lớn. Theo kết luận của Bộ Chính trị sẽ có 6 hoạt động chính, trong đó có 2 hoạt động diễn ra rên địa bàn Thủ đô, đó là kỷ niệm 90 năm ngày truyền thống Mặt trận và tổ chức ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc cấp quốc gia. Đề nghị, Thành ủy - HĐND - UBND - Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố sẽ cùng với Mặt trận Trung ương xây dựng kế hoạch, cùng triển khai những nội dung cụ thể”, Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Hầu A Lềnh nói.
Đến thăm và làm việc với MTTQ thành phố để nắm bắt tình hình công tác Mặt trận trong thời gian qua và phương hướng của Mặt trận trong năm 2020, Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ cho rằng, đây là dịp để lãnh đạo thành phố được lắng nghe, thấu hiểu đầy đủ hơn, sâu sắc hơn tâm tư, nguyện vọng của các tầng lớp nhân dân Thủ đô, tạo ổn định, đồng thuận xã hội trong nhân dân, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của thành phố.
Mặc dù còn nhiều khó khăn, thách thức trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế toàn cầu, diễn biến dịch bệnh phức tạp nhưng kinh tế Việt Nam nói chung và Thủ đô Hà Nội nói riêng tiếp tục phát triển, đạt được nhiều thành tựu quan trọng, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế tăng lên.
Hà Nội cũng đã triển khai quyết liệt các giải pháp, thực hiện các nhiệm vụ có trọng tâm, trọng điểm, kinh tế duy trì tăng trưởng khá, trong đó có đóng góp không nhỏ của Mặt trận.
Ông Vương Đình Huệ phát biểu.
Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ mong muốn, trong thời gian tới, Mặt trận Hà Nội tiếp tục làm tốt vai trò cầu nối giữa cấp ủy Đảng, chính quyền với nhân dân, góp phần xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền vững mạnh; đẩy mạnh các hoạt động giám sát và phản biện xã hội để nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân Thủ đô.
“Mặt trận phải là nơi để người dân gửi gắm niềm tin, phản ánh, tố giác tội phạm tham nhũng, tố giác cán bộ, đảng viên có biểu hiện suy thoái, tiêu cực, nhũng nhiễu nhân dân, góp phần làm trong sạch bộ máy và đội ngũ cán bộ”, ông Vương Đình Huệ nhấn mạnh.
Ông Vương Đình Huệ cũng đề nghị, toàn hệ thống chính trị từ thành phố đến cơ sở cần nhận thức sâu sắc hơn vai trò, vị trí của nhân dân, “dân là gốc” và nhân dân làm chủ.
“Cần phải lắng nghe nhân dân đề điều chỉnh chính sách , củng cố tổ chức, điều chỉnh chính mình; dựa vào nhân dân để triển khai các chủ trương, chính sách phát triển kinh tế - xã hội để bảo vệ Đảng, bảo vệ chế độ. Từ đó, mọi hành động và việc làm đều hướng vào lợi ích chính đáng của nhân dân, đúng như lời di huấn của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Cán bộ phải là công bộc của dân, việc gì có lợi cho dân phải hết sức làm”, có như vậy mới nhận được sự đồng thuận của nhân dân và có sự đồng thuận của nhân dân thì chúng ta mới thành công” - Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ khẳng định.
Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung phát biểu.
Tại cuộc họp, ông Nguyễn Đức Chung, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội đã giải đáp một số vấn đề mà MTTQ các cấp quan tâm như: Vệ sinh môi trường, xử lý nước thải, di dời các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm, sắp xếp đội ngũ cán bộ cơ sở, khuyến khích phát triển doanh nghiệp...Để nâng cao hơn nữa hiệu quả hoạt động của Mặt trận trong những năm tới, ông Nguyễn Đức Chung cho rằng, Chính quyền và Mặt trận các cấp cần rà soát lại chương trình phối hợp hành động, kịp thời cập nhật, bổ sung đáp ứng yêu cầu thực tiễn và chỉ đạo của Trung ương, Thành ủy, nhất là trong bối cảnh năm 2020 Thủ đô có nhiều sự kiện quan trọng. Cùng với đó, thường xuyên phối hợp, nắm chắc tâm tư, nguyện vọng của người dân, doanh nghiệp, huy động sự đóng góp của các tổ chức, cá nhân trong kinh tế xã hội và đảm bảo quốc phòng, an ninh.