Trần Đại Nghĩa, kỹ sư Việt kiều theo Bác về nước với 1 tấn tài liệu
Sau khi dự lễ khai giảng của Khóa 1 trường Võ bị Trần Quốc Tuấn, ngày 31/5/1946, Bác lên đường sang Pháp theo lời mời chính thức của Chính phủ Pháp. Cùng thời gian này, ông Phạm Văn Đồng là trưởng đoàn Chính phủ ta sang dự Hội nghị Fontainebleau. Sau 5 tháng ròng ở Pháp, tiếp xúc với nhiều người, nhiều tầng lớp, cả bà con Việt kiều… và thấy hội nghị bất thành nên tháng 10/1946, Bác trở về nước cùng 3 kĩ sư: Phạm Quang Lễ, Võ Quý Huân, Võ Đình Quỳnh và bác sĩ Trần Hữu Tước.
Tuổi trẻ ham học hỏi
Đại tá Trần Dũng Triệu, con trai thứ của ông, chia sẻ: “Quê tôi ở tỉnh Vĩnh Long, Nam Bộ. Gia đình ông bà nội tôi là nhà giáo nghèo. Sinh ba tôi năm 1913, ông bà đặt tên là Phạm Quang Lễ. Ông nội mất khi ba mới 6 tuổi, được má và chị Hai chăm sóc, cho ăn học. Giữa năm 1933, ông thi đỗ đầu cả 2 bằng tú tài (Việt và Pháp) nhưng vì nhà nghèo, không có tiền ra Hà Nội học mà ông đi làm giúp má, giúp chị, chờ thời cơ.
Sau 2 năm làm việc tại các sứ quán, cơ may gặp nhà báo Dương Quang Ngưu, giúp ông có được học bổng Chasseloup-Laubat du học ở Pháp. Vì ham mê khoa học mà ba tôi xin học chương trình của 5 trường: Bách khoa Paris, Sorbonne, Mỏ, Điện, Cầu đường. Ông tốt nghiệp với bằng cử nhân Toán và các bằng kỹ sư.
Sau đó, ông ở lại làm việc tại Viện Nghiên cứu Hàng không – vũ trụ quốc gia. Năm 1942, ông sang Đức làm việc trong xưởng chế tạo máy bay và Viện Nghiên cứu vũ khí. Bom bay Vê-oong V1, Vê-đơ V2 từng gây kinh hoàng cho dân Anh - cũng là sản phẩm của Viện ông…”.
Quyết định hồi hương
Hè năm 1946, Phạm Quang Lễ cùng đông đảo bà con Việt kiều ở Paris ra sân bay Le Bourget đón Cụ Hồ sang thăm theo lời mời của Chính phủ Pháp. Nghe tên Nguyễn Ái Quốc đã lâu nhưng nay ông mới được tận mắt thấy “một cụ già hơi gầy, có bộ râu đen và thưa, trang phục giản dị với bộ ka-ki màu vàng nhạt, trên ngực không đeo huân chương. Đặc điểm hấp dẫn nhất với tôi là Người có đôi mắt sáng, vầng trán rộng, cử chỉ nhanh nhẹn, hoạt bát, luôn chủ động” (ông Lễ ghi trong hồi kí của mình khi vào tuổi 80).
Thời gian này, phái đoàn Chính phủ ta do ông Phạm Văn Đồng là trưởng đoàn cùng các ông Tạ Quang Bửu, Phan Anh... tham gia Hội nghị Fontainebleau với Chính phủ Pháp. Bác thường xuyên gặp gỡ, trao đổi với phái đoàn ta. Cũng dịp này, ông chủ tịch Hội Việt kiều ở Paris đã giới thiệu một số trí thức yêu nước với Bác. Vậy là ông Lễ được gặp và trò chuyện với Người, thậm chí được tháp tùng Bác đi thăm một số nơi trong nội, ngoại thành Paris. Nhân cách, đức độ của Người đã thu phục ông.
Cuộc đàm phán ở Hội nghị bị phía Pháp cố tình kéo dài. Ngày 10/9/1946, Bác cho gọi ông Lễ tới thông báo: “Hội nghị Fontainebleau không thành công, Bác sắp về nước. Chú chuẩn bị, vài ngày nữa, chúng ta lên đường. Chú đã sẵn sàng chưa?”. “Thưa Bác, cháu đã sẵn sàng về nước”, ông Lễ trả lời. Lúc đó, ông đang làm việc tại xưởng sản xuất máy bay, chỉ cần viết đơn xin nghỉ việc.
Hơn chục năm học và làm việc tại Pháp (1935-46), ông âm thầm say mê nghiên cứu chế tạo vũ khí. Bằng quan hệ và khả năng của mình, ông bí mật gom góp hơn 3 vạn trang tài liệu về vũ khí và công nghệ. Hơn 1 tấn tài liệu được đóng gói, dán nhãn “ngoại giao” theo ông về nước.
Chuyến hải trình căng thẳng
Tháp tùng Bác trên Thông báo hạm quân sự Dumont d’Urville theo đường biển về nước còn có nhà tư sản Đỗ Đình Thiện - thư kí riêng của Bác, đại tá cận vệ Vũ Đình Huỳnh cùng 4 Việt kiều (Kỹ sư đúc - luyện kim Võ Quý Huân, Bác sĩ Trần Hữu Tước, Kỹ sư mỏ Võ Đình Quỳnh và ông Lễ).
Ngày 19/9/1946, tầu rời cảng Toulon. Sau Hội nghị Fontainebleau, quan hệ Việt - Pháp trở nên rất căng thẳng, ai cũng lo chuyến đi lênh đênh trên biển dài ngày, lỡ ở nhà xảy ra chiến tranh thì cả đoàn rơi vào cảnh “cá chậu, chim lồng”. Nhưng riêng Bác vẫn tỏ ra bình thản. Người bàn bạc với các thành viên, thống nhất cách thức sinh hoạt, nghỉ ngơi, đọc sách báo, giữ nếp sống trật tự cho chuyến đi.
Khi tàu vào Địa Trung Hải, phía Pháp cho 150 binh lính, sĩ quan trên tầu “tập trận”. Còi báo động rú lên, sàn tầu rung chuyển rồi súng pháo nổ ầm ỹ, khói đạn mù trời... Phía Pháp có ý uy hiếp đoàn. Nhưng Bác vẫn tỉnh táo giữ thái độ như không có gì xảy ra. Từ thế mạnh áp đảo, nhưng do ta khéo léo trong ứng xử giao tiếp làm họ phải thay đổi thái độ. Cũng có tập trận lần 2 cho phải phép rồi thôi.
Theo đề nghị của Bác, thông báo hạm dừng tại 4 điểm: Kênh đào Suez, Ceyland (nam Ấn Độ), Nha Trang và ngoài khơi Hải Phòng. Tại đó, chỉ Bác cùng thư kí và cận vệ được phép lên bờ.
Chuyến đi dài ngày là dịp may hiếm có được sống gần Bác, một môi trường thuận lợi để ông Phạm Quang Lễ chuẩn bị đầy đủ kiến thức, kinh nghiệm trước khi bước vào cuộc đời mới. Gần 3 tháng gần Người, ông Lễ như được qua một lớp huấn luyện mà nội dung rất sinh động, được đúc kết từ tinh hoa, truyền thống dân tộc, từ các đạo lí, cả của phương Đông và phương Tây, một phương pháp luận khoa học...
Ngày 20/10/1946, tầu cập Cảng Hải Phòng. Ra đón tiếp đoàn cùng nhân dân Hải Phòng và đại diện Pháp còn có ông Phạm Văn Đồng (rời Paris sau nhưng về bằng máy bay), ông Võ Nguyên Giáp... Vị Tổng tư lệnh xúc động ôm ông Lễ trong vòng tay, ghé tai: “Ở nhà nghe tin anh về với Bác mừng lắm!”. Còn ông thì cảm động: “Cảm ơn anh! Tôi mới về nước, chưa làm được gì. Các anh ở nhà chắc vất vả lắm?”.
Không hổ danh với cái tên do Bác đặt
Vừa về tới Hà Nội, ông được Thứ trưởng Quốc phòng Tạ Quang Bửu đón ngay lên Thái Nguyên thử đạn Bazooka của cánh tình báo Mỹ OSS tặng Bác. (Bazooka lúc đó là vũ khí mới, quân đội Mỹ vừa dùng khi đổ bộ lên Normandi (Pháp) đầu năm 1944).
Khi trở về, Bác gọi ông đến giao nhiệm vụ Cục trưởng Cục Quân giới: “Kháng chiến rất cần bí mật các công xưởng. Chú cũng cần có tên bí mật với kẻ thù và giữ an toàn cho gia đình, họ hàng chú ở trong Nam”. Kỹ sư Phạm Quang Lễ xin được Bác đặt tên cho. Bác vui vẻ nói: “Phục vụ nhân dân là nghĩa lớn. Vậy Bác đặt bí danh cho chú là Trần Đại Nghĩa!”. Và cái tên đó đã gắn với ông suốt cả cuộc đời.
Ngay sau ngày Toàn quốc kháng chiến 19/12/1946, sắt thép vụn, đường ray xe lửa được chuyển về các lò luyện gang Quân giới (do ông Võ Quý Huân thiết kế, xây dựng phù hợp hoàn cảnh VN), chế tạo những khẩu Bazooka. Ngay sau Tết Đinh Hợi, sáng 5/3/1947, khi cánh quân Pháp từ thị xã Hà Đông có xe tăng yểm trợ tấn công ra vùng chùa Trầm. Đang lừ lừ tiến, huơ nòng pháo bắn đì đòm thị uy thì “oành! oành”, 2 quầng lửa bất ngờ trùm lên 2 chiếc đi đầu. Rồi đạn trong xe bị kích nổ dữ dội. Cuộc hành quân tấn công Chương Mỹ, Quốc Oai bị dừng lại. Giặc Pháp phải hốt hoảng lui quân.
Không chỉ xe tăng, mà tất cả lô cốt, ụ xạ kích, các nhà cửa kiên cố cũng bị đạn Bazooka xuyên thủng, lính trong căn cứ cháy thành than... gây bao nỗi kinh hoàng. Đặc biệt, hàng chục tầu chiến Pháp bị bộ đội ta bắn chìm trên sông Lô, bẻ gãy “gọng kìm phía tây” của giặc Pháp tấn công lên Căn cứ địa cách mạng, trong Chiến dịch Việt Bắc Thu đông 1947.
Với chiến công này của quân dân ta, đầu năm 1948, Hồ Chủ tịch đã kí quyết định phong quân hàm cấp tướng cho 11 cán bộ cao cấp(*) trong quân đội. Trong số đó, ông Trần Đại Nghĩa nhận hàm thiếu tướng.
Chế tạo thành công súng SKZ
Trong những năm tháng gian khổ ấy, ta chưa có dàn phóng đạn Cachiusa nên ông Nghĩa chỉ mơ ước làm sao chế tạo cho được loại súng mà bộ đội ta có thể vác vai nhưng có sức công phá ngang cỗ đại bác nặng 6 tấn. Ông đã cùng các kỹ sư Hoàng Đình Phu, Bùi Minh Tiêu, Nguyễn Trinh Tiếp, Phạm Đồng Điện, Nguyễn Văn Hường... nghiên cứu loại vũ khí tương đương của Mỹ dùng tấn công lên đảo Okinawa (Nhật Bản).
Thế rồi, SKZ (viết tắt “súng không giật”) của Việt Nam ra đời. Đầu năm 1950, trong Chiến dịch Lê Hồng Phong, ngay trận đầu Phố Lu, bộ đội ta đã dùng SKZ phá tan các lô cốt có tường bê tông dày hơn 1m. Tiếp sau đó là công trình nghiên cứu đạn bay.
Tại Đại hội Anh hùng Chiến sĩ thi đua năm 1952, ông là trí thức Việt Nam đầu tiên được tặng danh hiệu Anh hùng lao động. Những năm sau này, Nhà nước phong tặng ông Giải thưởng Hồ Chí Minh đợt 1 cho “Cụm các công trình nghiên cứu và chỉ đạo kĩ thuật chế tạo vũ khí” trong thời kì chống Pháp.
Cống hiến đến hơi thở cuối cùng
Ông từng đảm đương các chức vụ: Cục trưởng Cục Pháo binh, Phó chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần, Phó chủ nhiệm Tổng cục Kỹ thuật, Chủ nhiệm Ủy ban Kiến thiết Cơ bản, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học và Kỹ thuật, Viện trưởng Viện Khoa học Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Công thương, Chủ tịch đầu tiên Liên hiệp các Hội Khoa học và Kĩ thuật Việt Nam, Hiệu trưởng đầu tiên Đại học Bách khoa Hà Nội, Đại biểu Quốc hội khoá II, III. Năm 1966, ông được bầu làm Viện sỹ nước ngoài của Viện Hàn lâm Khoa học Liên Xô.
Để vinh danh người có công với nước, ông được Nhà nước trao tặng Huân chương Hồ Chí Minh và danh hiệu Anh hùng lao động. Ông mất vào 16 giờ 20 phút ngày 9/8/1997, hưởng thọ 85 tuổi.