Không để dịch chồng dịch
Dịch cúm gia cầm A/H5N6, AH5N1 đang có những diễn biến phức tạp ở nhiều địa phương. Vì vậy, việc phòng, chống dịch đang được triển khai quyết liệt, nhằm kiểm soát chặt, phát hiện sớm, không để bùng phát ra diện rộng và “không để dịch chồng dịch”. Bộ NNPTNT cũng vừa có báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ đề xuất những giải pháp mạnh để xử lý.
Tiêu độc khử trùng để chặn dịch cúm gia cầm tại huyện Mỹ Đức, TP Hà Nội. Ảnh: Quang Vinh.
Ổ dịch xuất hiện chủ yếu ở hộ chăn nuôi nhỏ lẻ
Thông tin Bộ NNPTNT, từ đầu tháng 1 đến nay, cả nước xuất hiện 34 ổ dịch cúm gia cầm. Trong đó có 29 ổ dịch do vi rút cúm A/H5N6 và 5 ổ dịch do vi rút cúm A/H5N1 tại 10 tỉnh, TP: Quảng Ninh, Hà Nội, Bắc Ninh, Thanh Hoá, Nghệ An, Trà Vinh, Thái Bình, Bình Dương, Ninh Bình và Hải Phòng (1 ổ dịch tại Quảng Ninh đã qua 21 ngày). Tổng số gia cầm chết, tiêu hủy là hơn 100.000 con.
Bộ NNPTNT dự báo trong thời gian tới, dịch bệnh có thể tiếp tục xảy ra do nhiều nguyên nhân như: Tổng đàn gia cầm rất lớn (467 triệu con); điều kiện thời tiết thay đổi bất lợi; nhu cầu vận chuyển, giết mổ, tiêu thụ phục vụ các lễ hội đầu năm tăng cao.
Trước đó, phát biểu tại Hội nghị triển khai các giải pháp phòng chống bệnh cúm gia cầm và các bệnh trên đàn gia súc, Bộ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Xuân Cường nêu những yếu tố làm dịch cúm dễ xảy ra ở Việt Nam, như: Mầm bệnh ở nhiều nơi, mật độ chăn nuôi cao, thời tiết cực đoan, tập quán buôn bán, giết mổ lạc hậu... Từ thực tế trên, Bộ trưởng đề nghị các địa phương không chủ quan vì nếu dịch xảy ra ở điểm nhỏ lẻ mà lơ là thì nguy cơ lây lan, bùng phát rất lớn.
Theo đó, ngay sau khi những ổ dịch cúm gia cầm H5N6 đầu tiên xuất hiện từ đầu tháng 2/2020, lãnh đạo Bộ NNPTNT đã ban hành hàng loạt văn bản yêu cầu các địa phương triển khai ngay các biện pháp phòng chống, cứ có ổ dịch là Bộ cử người xuống tận nơi giám sát, chỉ đạo. Hiện, những ổ dịch cúm gia cầm mới xuất hiện chủ yếu trên những nông hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, điều kiện an toàn sinh học kém.
TS. Nguyễn Văn Long, Phó Cục trưởng Cục Thú y (Bộ NNPTNT) cho biết: Nhiều năm qua, với sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế, Cục đã tổ chức triển khai lấy mẫu hàng chục ngàn con gia cầm trên phạm vi cả nước để chủ động giám sát tình hình lưu hành virus cúm gia cầm, khi phát hiện xử lý ngay. Như vậy đã giảm thiểu nguy cơ nhiễm cúm gia cầm rất nhiều. Song song với viêc đó, Cục đã khuyến cáo và đề nghị các địa phương cũng như doanh nghiệp cung ứng vacxin chuẩn bị dự phòng để đảm bảo có đủ nguồn vacxin chất lượng tốt, đáp ứng yêu cầu của từng địa phương, nhằm giúp việc tiêm phòng đạt hiệu quả cao. Gần đây nhất, Cục đã báo cáo Bộ chủ quản, Chính phủ để có quyết định xuất cấp từ nguồn dự trữ Quốc gia 4,5 triệu liều vacxin giúp các địa phương có nguy cơ cao tiêm phòng cúm gia cầm. Phải khẳng định, đến thời điểm này, việc tổ chức triển khai ngăn chặn cùm gia cầm từ Chính phủ đã rất quyết liệt. Trong năm 2020, dự kiến có khoảng 500 triệu liều vacxin cho tổ chức tiêm phòng.
Tránh tình trạng bùng phát
Theo đó, vấn đề chính bây giờ là việc đề nghị các địa phương chủ động triển khai theo đúng Luật và chỉ đạo của Chính phủ, Bộ NNPTNT, tránh tình trạng bệnh dịch bùng phát và lây lan diện rộng.
Là địa phương xuất hiện ổ dịch sớm, bà Nguyễn Thị Hồng Minh, Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Bắc Ninh nhấn mạnh: Nhằm tăng cường phòng, chống dịch bệnh, Chi cục phối hợp chặt chẽ với các Trung tâm dịch vụ nông nghiệp huyện, thị xã, thành phố, các xã, phường, thị trấn tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn, vận động nhân dân thực hiện các biện pháp tiêu độc, khử trùng bằng cách rắc vôi bột, phun hóa chất tại các điểm giết mổ, chợ đầu mối, cơ sở chăn nuôi. Đồng thời, hướng dẫn các cơ sở, hộ chăn nuôi thực hiện chăn nuôi an toàn sinh học để phòng ngừa dịch bệnh.
Tuy nhiên, với Hà Nội, ông Nguyễn Ngọc Sơn - Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y lại lo ngại: Tổng đàn gia cầm của Hà Nội khoảng 31 triệu con, trong đó, chăn nuôi nhỏ lẻ chiếm tỷ lệ khoảng 60%. Thời tiết diễn biến phức tạp cùng với môi trường bị ô nhiễm làm giảm sức đề kháng của vật nuôi và tạo điều kiện cho mầm bệnh phát sinh. Trong khi đó, nhận thức của người dân về chăn nuôi an toàn sinh học cũng như việc chủ động phòng, chống dịch bệnh cho đàn gia cầm còn thấp. Mặt khác, lượng gia cầm từ các địa phương vận chuyển vào thành phố khá lớn và rất khó kiểm soát. Đáng lo ngại, một số chủng cúm gia cầm có thể lây nhiễm sang người.
Còn ông Phạm Văn Tuấn - Trạm trưởng Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện Thanh Oai, Hà Nội nêu thực tế: Hiện nay vẫn còn tình trạng các điểm kinh doanh gia cầm sống không đúng nơi quy định, giết mổ gia cầm ngay tại chợ dân sinh, trong khi công tác khử trùng tiêu độc môi trường tại chợ chưa được tiến hành thường xuyên nên nguy cơ bùng phát dịch bệnh rất lớn. Lực lượng cán bộ thú y tại các xã, thị trấn rất mỏng khó có thể vừa rà soát đàn gia cầm nhập nuôi mới ở từng hộ dân, kiểm soát công tác tiêm phòng cho đàn gia cầm, vừa ngăn chặn việc giết mổ không đúng quy định…
Do đó, để ngăn chặn dịch cúm bùng phát, TS. Nguyễn Văn Long đặc biệt lưu ý: Một giải pháp rất quan trọng là các địa phương sớm kiện toàn lại hệ thống thú y cơ sở. Thực tế giám sát trong việc phòng chống dịch tả lợn châu Phi, dịch cúm gia cầm thời gian qua cho thấy, thiếu hệ thống chân rết thú y cơ sở khiến việc phát hiện dịch, kiểm soát dịch bệnh vô cùng khó khăn, ngay cả tỷ lệ tiêm phòng trên đàn gia cầm ở một số địa phương còn thấp cũng là do thiếu hệ thống thú y cơ sở.
Cục Thú y lên kịch bản ứng phó Covid-19 lan trên động vật
Nói về kịch bản ứng phó nguy cơ dịch Covid-19 có thể xảy ra trên động vật nuôi và động vật hoang dã, TS.Nguyễn Văn Long - Phó Cục trưởng Cục Thú y (Bộ NNPTNT) cho biết: Dù bằng chứng khoa học chứng minh Covid - 19 lây lan trên động vật là chưa có nhưng với phương châm phòng bệnh là chính, chúng ta không thể chờ đến khi có bệnh trên động vật mới có động thái ứng phó thì chậm và muộn mất.
Giống như với dịch tả lợn châu Phi, ngay khi dịch có nguy cơ cần phải xây dựng ngay các kịch bản ứng phó. Với Covid - 19 cũng vậy, chúng ta phải có kế hoạch để chủ động vì theo Tổ chức Y tế thế giới có đến trên 75% các bệnh mới nổi ở người có nguồn gốc từ động vật. Có thể kế hoạch này không dùng đến trong tương lai nhưng cũng phải xây dựng, đặt ra các tình huống và giải pháp ứng phó phù hợp.