Thủ tục hành chính vẫn nhiêu khê
Không chỉ riêng các dự án nhà ở thương mại, nhiều dự án nhà ở xã hội (NƠXH), vốn là chính sách “xương sống” của nhà nước đối với các đối tượng thu nhập thấp, cũng đã và đang phải chung cảnh bị “ngâm hồ sơ” hàng năm trời.
Người dân vẫn gặp khó khăn khi giải quyết các thủ tục hành chính.
Đây là vấn đề nổi cộm được nhiều doanh nghiệp phản ánh tại buổi đối thoại của UBND TP HCM với chủ đầu tư các dự án phát triển nhà ở trên địa bàn thành phố diễn ra mới đây. Điển hình như trường hợp chủ đầu tư dự án NƠXH Lê Thành Tân Kiên tại huyện Bình Chánh phản ánh tình trạng hồ sơ của dự án này nằm trong kế hoạch phát triển nhà ở ưu tiên của thành phố giai đoạn 2016 - 2020, thế nhưng chủ đầu tư dự án đã nộp hồ sơ vào Sở Kế hoạch - Đầu tư TP từ tháng 3/2019 cho đến nay vẫn chưa được trả kết quả hồ sơ. Cũng theo chủ đầu tư dự án này thì mới đây Sở KH-ĐT có mời họp tổ liên ngành thành phố để giải quyết nhưng không hiểu sao hồ sơ chờ hoài cũng không xong. Điều đáng nói, dự án NƠXH này chỉ là một trong số hàng chục dự án NƠXH khác trên địa bàn thành phố cũng đang lâm vào tình trạng tương tự: chậm triển khai do hồ sơ, giấy tờ còn chờ chính quyền “duyệt”. Tại buổi đối thoại, sau khi nghe các doanh nghiệp phát triển nhà ở trên địa bàn nêu ý kiến, Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Thành Phong đã phải thốt lên rằng: “Chỉ có một việc nhỏ như thế thôi mà kéo dài cả năm trời. Chuyện đó chỉ cần trong một tuần thôi. Chỉ có việc trao đổi về chỉ tiêu quy hoạch mà kéo dài như thế…”. Ngay lập tức, lãnh đạo UBND thành phố yêu cầu Sở KH-ĐT có báo cáo cụ thể về từng dự án đang tồn đọng hồ sơ. Đồng thời, yêu cầu các Sở ngành liên quan tập hợp ý kiến của từng nơi, trong đó có Sở giải thích từ Sở Quy hoạch và Kiến trúc (QH-KT) về vướng mắc đối với vấn đề quy hoạch khiến hồ sơ NƠXH còn tồn đọng.
Một số lãnh đạo cấp Sở ngành thừa nhận tình trạng thực tế, sự phối hợp ở cấp Sở ngành trong giải quyết hồ sơ cho doanh nghiệp còn chưa được đồng bộ, nhiều khâu chồng chéo từ nhiều năm qua chưa tháo gỡ. Về cơ chế phối hợp của TP HCM hiện nay đối với một bộ hồ sơ cho chủ trương về phát triển nhà ở phải qua ý kiến của Sở QH-KT (về vấn đề quy hoạch). Nếu là phát triển dự án hỗn hợp phải qua 6 bước, gồm: Thủ tục quyết định chủ trương đầu tư; Trình duyệt quy hoạch chi tiết 1/500; Làm thủ tục giao thuê đất; Lập thủ tục xác định nghĩa vụ tài chính, nộp tiền sử dụng đất; Cấp “sổ đỏ” dự án; công nhận chủ đầu tư, thẩm định thiết kế, cấp giấy phép xây dựng và triển khai đầu tư xây dựng. Theo các chủ đầu tư phát triển cả nhà ở thương mại lẫn NƠXH thì việc rối rắm về các thủ tục nêu trên là nguyên nhân chính dẫn đến nhiều dự án đang bị chậm tiến độ hiện nay. Có đơn vị chủ đầu tư (S.S.G 2) nêu thực tế, đối với doanh nghiệp thì ngay cả quy trình thực hiện qua nhiều bước (6 bước) đối với doanh nghiệp bất động sản vẫn có thể kiên nhẫn thực hiện theo trình tự được nhưng quan trọng là mất bao lâu để thực hiện các bước đó thì không Sở ngành, cơ quan nào trả lời cụ thể cho doanh nghiệp được. Bởi, phần đông doanh nghiệp chỉ mong muốn được nộp tiền sử dụng đất càng nhanh càng tốt để đẩy nhanh tiến độ. Nếu không thực hiện nghĩa vụ tài chính trước thì tất yếu dẫn đến tình trạng có nhiều doanh nghiệp chưa xong thủ tục pháp lý vẫn phải “bán lúa non”.
Điều đáng suy ngẫm là những vấn đề còn tồn tại, vướng mắc về hồ sơ, thủ tục chủ trương phát triển nhà ở tại TP HCM nêu trên dù đã được doanh nghiệp phản ánh tại các buổi đối thoại với UBND TP qua từng năm, thế nhưng chưa tháo gỡ triệt để. Tại buổi đối thoại gần nhất, một doanh nghiệp phát triển bất động sản tại TP HCM là CTCP Xây dựng Địa ốc Xanh đã phản ánh thẳng thắn tới Chủ tịch UBND TP rằng: “Hiện nay, làm chậm nhất là Văn phòng UBND TP và Sở Tài nguyên - Môi trường TP, làm rất chậm”. Phía chủ đầu tư này dẫn chứng một dự án dự án nhỏ của họ (khoảng 3.700m2) dù nóng lòng được thanh toán nghĩa vụ tài chính đối với nhà nước, nhưng ngay cả việc này cũng không hề dễ dàng. Kể từ ngày có hồ sơ thụ lý tại Chi cục thuế Quận 8, sau đó chuyển đến Cục thuế TP, rồi lại gửi lên Sở Tài nguyên - Môi trường TP, cho đến nay đã 24 tháng trôi qua nhưng Đất Xanh vẫn chưa được giải quyết để đóng thuế cho Nhà nước.
Những bất cập chỉ riêng trong giải quyết hồ sơ các dự án phát triển nhà ở tại TP HCM đã và đang phản ánh nhiều bất cập, tồn tại trong công tác cải cách hành chính của đô thị đông dân nhất nước. Thiết nghĩ, cùng với sự chỉ đạo quyết liệt từ người đứng đầu chính quyền thành phố thì người đứng đầu từng Sở ban ngành của thành phố cần “chuyển động” thực sự trong công vụ, tạo dựng niềm tin và môi trường minh bạch, thông thoáng trong các lĩnh vực thu hút đầu tư.