Có nên đưa nước mặn vào vùng ngọt hoá?
Người dân ở Đồng bằng sông Cửu Long thường nói, nếu 1 năm bị mặn tràn vào đồng ruộng phải nghèo ít nhất 3 năm. Trước thông tin Cà Mau muốn đưa nước mặn vào vùng ngọt hoá đang nhận được nhiều ý kiến, TS Dương Văn Ni (Khoa Môi trường và tài nguyên thiên nhiên, Đại học Cần Thơ) đã chia sẻ với PV báo Đại Đoàn Kết.
TS Dương Văn Ni.
PV:Mùa khô hạn năm 2020 khiến cho vùng bán đảo Cà Mau thiệt hại nặng nề, sụt lún đất diễn biến phức tạp, ông nghĩ sao về điều này?
TS Dương Văn Ni: Bao đời nay người dân sinh sống và lớn lên ở ĐBSCL không ai sợ chuyện nước nhiều hay nước ít. Những người dân sống ở các tỉnh đầu nguồn như An Giang, Đồng Tháp mùa mưa, mùa nước nổi nước có thể ngập sâu 4 đến 5 mét, nơi đây còn có giống lúa mùa nổi, mặc dù năng suất tuy thấp nhưng bù lại mùa nước nổi người ta thu hoạch được vô số tôm cá, ăn tươi không hết mới nghĩ ra cách làm mắm, nước mắm, bột cá...
Còn ở những vùng ảnh hưởng mặn - ngọt, như bán đảo Cà Mau, thì hàng trăm năm qua khi mùa khô đến, người ta vẫn đưa nước mặn vào ruộng, vừa để “ém phèn” và nuôi tôm cua; khi mùa mưa đến, thì độ mặn giảm nên người dân rửa mặn để trồng lúa hay trồng màu. Đặc biệt là không nơi nào dám để khô đồng ruộng vì sợ “xì phèn”, cũng không ai dám để cạn kiệt ao hồ hay sông rạch vì sợ đất bị sụt lún.
Theo báo cáo của UBND tỉnh Cà Mau từ đầu mùa khô đến nay toàn tỉnh đã xảy ra trên gần 1.000 vụ sụt lún, sạt lở đất. Trong đó, có những vị trí sụt lún, sạt lở gây thiệt hại nghiêm trọng các tuyến đường huyết mạch của tỉnh. Qua đó cho thấy tình trạng sụt lún đất ở vùng này đang diễn ra rất phức tạp. Cà Mau vừa phải đối diện với tình trạng khô hạn, lại phải tính toán với chuyện tìm cách này để giảm thiểu tình trạng sụt lún đất.
Mới đây Cà Mau đề nghị đưa nước mặn vào để giảm thiểu sụt lún đất và cứu các công trình, ông thấy ý kiến này như thế nào?
- Có một điều mà Cà Mau phải xác định, khi đã đưa nước mặn vào thì việc rửa mặn sẽ rất khó, vì ngày xưa khi trên bề mặt bị khô nhưng dưới tầng ngầm vẫn giữ được các mạch nước ngọt. Trong khi hiện nay trên bề mặt thiếu nước, nguồn nước ngầm lại bị khai thác cạn kiệt, đất sẽ bị khô rỗng, nếu mà cho nước mặn vào thì nước mặn sẽ thấm vào vùng đó và sẽ trở thành nước mặn vĩnh viễn. Nếu muốn cải tạo lại nước ngọt phải ít nhất 4 đến 5 năm sau mới cải tạo được. Người dân vùng này hay truyền tai nhau câu nói, “nếu 1 năm bị mặn tràn vào đồng ruộng phải nghèo ít nhất 3 năm”.
Việc cho nước mặn hay nước ngọt vào cần phải tính toán kỹ, trước tình hình thực tế khô hạn như hiện nay, liệu có nguồn nước ngọt nào để bổ sung không, trên thực tế là không. Lúc này địa phương cần thực hiện theo Nghị quyết 120 của Thủ tướng Chính phủ (gọi tắt là NQ120), chọn lựa giải pháp sống “thuận thiên”, chấp nhận có 1 mùa mặn và 1 mùa ngọt và lựa chọn nuôi và trồng con gì cho phù hợp với từng mùa và tính toán tới chuyện thị trường, đầu ra cho các sản phẩm đó để người dân đảm bảo cuộc sống.
Nói như vậy theo ông vùng bán đảo Cà Mau cần hạn chế đầu tư các công trình mà đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu sản xuất theo hướng “thuận thiên”?
- Vấn đề đặt ra cho Cà Mau thay vì dồn tiền cho các công trình “khủng” tốn tiền để đối phó lại thì phải đầu tư nghiên cứu đa dạng hoá cây trồng vật nuôi, nghiên cứu ra nhiều giống cây trồng thích nghi với vùng tranh chấp mặn, ngọt. Tuy nhiên vẫn phải đầu tư các công trình nhưng chỉ cần vừa đủ để giảm những thiệt hại không đáng có.
Giải pháp căn cơ nhất vẫn là đầu tư vào cây trồng vật nuôi và biện pháp canh tác cho phù hợp. Nếu địa phương nào tập trung vào nguồn lực này sẽ không phải gặp vào các tình huống tréo ngoe và bị động như bây giờ. Trong khi hiện nay vùng đã ngọt hoá rồi mà lại đề xuất đưa mặn trở lại thì còn đâu là mục tiêu của Nhà nước đặt ra. Tôi rất mong địa phương phải nhận ra điều này. Trên thực tế Chính phủ đã thấy được điều này nên cho ra đời NQ120, các địa phương và người dân cần chủ động và uyển chuyển thực hiện, NQ120 chỉ nói tổng thể và nói chung là cho phép các địa phương sống thuận thiên, nhưng việc thuận thiên giữa địa phương này sẽ rất khác với địa phương khác, không thể nào đánh đồng chủ trương này và thực hiện một cách máy móc một công thức nhất định.
Ví như các công trình cống đập ngăn mặn ở khu vực này, nếu thấy khả năng giữ ngọt không thể nào thực hiện được vào những năm khô hạn cực đoan như năm 2015-2016, hoặc năm nay 2019-2020, thì nên thông báo cho người dân biết sớm, để người ta chủ động thu hoạch sớm mùa vụ hay né giai đoạn thiếu nước ngọt bằng cách xuống giống muộn hơn. Ngoài ra, ở những vùng kiểm soát được nguồn nước thì có thể đưa nước mặn vào nuôi trồng thủy sản, bảo đảm không làm ảnh hưởng mặn tới vùng lân cận và giữ không cho đồng ruộng hay kênh rạch bị khô cạn, thì đất sẽ không bị “xì phèn” hay sụt lún như hiện nay.
Tôi xin nhấn mạnh lại rằng việc đưa mặn hay ngọt vào chuyện đó hiện đang nằm trong tầm tay của chính quyền và người dân địa phương những người hiểu rất rõ điều kiện hiện tại, đất đai của họ. Điều này lại đặt ra địa phương và ngành chức năng cần xây dựng phương án thuận thiên như thế nào cho phù hợp mỗi địa phương phải có một công thức và cách tính toán phù hợp với địa phương mình, nhưng vẫn phải theo hướng thích nghi và đa dạng hoá cây trồng vật nuôi, như vậy sẽ an toàn hơn rất nhiều với việc chúng ta chỉ chọn một phương án duy nhất mà lâu nay chúng ta cố gắng chống lại đó là việc đầu tư xây dựng các công trình.
Trân trọng cảm ơn ông!