Mạnh từ nội lực
Mạnh từ nội lực mới thoát khỏi tình trạng phụ thuộc hay những đợt “giải cứu”. Trong bối cảnh thương mại toàn cầu có những diễn biến phức tạp, nhất là trong những tháng đầu năm 2020, dịch Covid-19 xảy ra tác động lớn tới nền kinh tế toàn cầu thì đây cũng có thể coi là lúc để Việt Nam đẩy mạnh tái cơ cấu toàn bộ nền kinh tế.
Trao đổi với ĐĐK, PGS.TS Trần Hoàng Ngân - thành viên Tổ Tư vấn Kinh tế của Thủ tướng cho rằng, phải đẩy mạnh hơn nữa quá trình tái cơ cấu toàn bộ nền kinh tế, cũng như quan tâm đến thị trường nội địa.
PGS.TS Trần Hoàng Ngân.
PV: Thưa ông, nhiều ý kiến cho rằng trước tác động của dịch Covid-19 thì càng cho thấy chúng ta phải đẩy nhanh quá trình tái cơ cấu nền kinh tế hơn nữa. Ý kiến của ông về vấn đề này?
PGS.TS Trần Hoàng Ngân: Tái cơ cấu nền kinh tế đã được chúng ta triển khai nhiều năm. Triển khai tái cơ cấu kể cả tái cơ cấu về kinh tế, công nông, dịch vụ, thương mại, vấn đề năng suất lao động, rồi các thành phần kinh tế, các tổ chức tín dụng. Nói chung chúng ta triển khai rất đại trà nhưng dịch Covid-19 cũng cho ta nhìn nhận vấn đề rằng cần phải tái cơ cấu mạnh mẽ hơn, triệt để hơn ở một số lĩnh vực. Cụ thể như trong lĩnh vực nông nghiệp cần phải tái cơ cấu ngành nghề một cách mạnh mẽ hơn đi vào sản xuất lớn, chuyên nghiệp để tạo ra sản phẩm có chất lượng cao, sản phẩm theo tiêu chuẩn có thể xuất được vào thị trường châu Âu, xuất khẩu chính ngạch. Thực tế vừa qua cho thấy hàng nông sản của ta phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc, xuất khẩu theo dạng tiểu ngạch biên giới. Nếu bên đó có trục trặc hàng hóa bị đọng lại không xuất đi đâu được, cuối cùng trong nước phải giải cứu. Nói chung tái cơ cấu nông nghiệp cần phải mạnh mẽ, triệt để, và phải đảm bảo theo mô hình sản xuất lớn, mô hình hợp tác xã, và có chính sách khuyến khích để doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao.
Nhưng nhìn nhận quan trọng là ở đây chúng ta phải quan tâm đến độ mở của nền kinh tế. Lâu nay suốt 10 năm qua, tôi đều đề cập đến việc cần kiểm soát độ mở của nền kinh tế. Độ mở của nền kinh tế tức là giá trị xuất nhập khẩu/GDP thì tỷ lệ này ở Việt Nam ngày càng lớn. Hiện nay nằm trong top 7 nước có độ mở lớn nhất thế giới, tức là 200% GDP. Khi độ mở lớn như vậy nếu kinh tế thế giới có “vấn đề”, nếu thế giới có “trục trặc”, thí dụ như dịch Covid-19 đang diễn ra chẳng hạn thì kinh tế Việt Nam bị tác động rất lớn.
Cho nên đặt ra vấn đề chúng ta phải kiểm soát độ mở của nền kinh tế theo hướng quan tâm tới thị trường nội địa, quan tâm cả vấn đề đầu ra, đầu vào, tức là phải quan tâm đến nguồn nguyên vật liệu phục vụ cho sản xuất. Phải có những nơi trồng nguyên vật liệu, phải có công nghệ chế biến. Đầu ra là thị trường Việt Nam với gần 100 triệu dân làm sao cho người Việt Nam cảm thấy rất thích dùng hàng Việt Nam với chất lượng và mẫu mã. Vì thu nhập bình quân đầu người Việt Nam hiện nay đã ở mức khá, với 3.000USD/năm. Cho nên đòi hỏi của người Việt Nam đối với sản phẩm không phải dễ dàng nữa, mà phải có chất lượng cao, mẫu mã phải đẹp.
Nhưng chúng ta phải mạnh từ nội lực thì mới tránh được tác động từ bên ngoài, thưa ông?
- Hiện nay chúng ta không thu hút đầu tư nước ngoài bằng mọi giá mà chỉ thu hút đầu tư nước ngoài chọn lọc để phát triển các ngành. Thành phần kinh tế trong nước phải giữ vai trò chủ đạo, kể cả kinh tế Nhà nước, và kinh tế ngoài Nhà nước, thành phần kinh tế tư nhân, cá thể...Nhà đầu tư nước ngoài chúng ta vẫn cần tiếp tục thu hút nhưng thu hút có chọn lọc, chỉ ưu tiên cho những lĩnh vực nào có công nghệ cao, thân thiện với môi trường, góp phần hỗ trợ cho sản xuất ở trong nước, rồi có thể chuyển giao công nghệ chứ không thu hút đại trà giống như trước đây. Tôi xin nhấn mạnh rằng chúng ta đã có những nghị quyết về vấn đề này rồi, có điều bây giờ cần làm mạnh lên.
Vừa qua Nghị viện châu Âu (EP) đã bỏ phiếu thông qua Hiệp định thương mại tự do giữa Liên minh châu Âu (EU) và Việt Nam (EVFTA). Đây cũng là cơ hội cho chúng ta chuyển hướng sản xuất gắn với tái cơ cấu nền kinh tế. Cá nhân ông có khuyến nghị gì?
- Đây là cơ hội lớn vì thị trường châu Âu lâu nay chúng ta đã xuất khẩu rồi. Xuất khẩu sang đó cũng tương đương với xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, khoảng 41,5 tỷ USD. Nhưng khả năng trong tương lai khi họ giảm thuế như vậy thì hàng Việt Nam sẽ vào đó nhiều hơn. Song vấn đề cần lưu ý là người dân châu Âu thu nhập bình quân đầu người là 36.000 USD/năm, gấp 3,6 lần Trung Quốc với bình quân 10.000 USD/năm, và gấp khoảng 10 lần Việt Nam. Như vậy cần lưu ý đến thị trường 40-50 triệu dân nhưng thu nhập cao cho nên khá khó tính. Vì thế sản phẩm của ta phải quan tâm đến chất lượng, mẫu mã, vấn đề thân thiện với môi trường. Muốn như vậy chúng ta phải tái cơ cấu, sắp xếp lại sản xuất trong nước, phải tăng cường đầu tư máy móc thiết bị công nghệ để tạo ra những sản phẩm đạt theo chuẩn cao của châu Âu.
Kể từ ngày 20/2, bắt đầu thông quan hàng hóa qua cửa khẩu Tân Thanh (Lạng Sơn).
Chúng ta không thể “giải cứu” mãi mà phải mạnh từ nội lực, quan tâm đến thị trường trong nước thì mới phát triển được, vậy theo ông làm sao có thể phát triển được thị trường nội địa, cùng với đó là thu hút đầu tư từ nước ngoài vào?
- Qua dịch Covid-19 này thấy rằng trong giai đoạn 1, hiện nay chúng ta vẫn đang làm rất tốt, tạo được niềm tin cho nhà đầu tư. Ở Việt Nam chính trị ổn định, kinh tế vĩ mô ổn định, nguồn nhân lực chất lượng cao, môi trường đầu tư thuận lợi. Tất cả những cái đó đã tạo niềm tin cho các nhà đầu tư. Qua dịch bệnh thấy rằng Việt Nam vẫn an toàn, y tế, chăm sóc sức khỏe của ta rất tốt cho nên họ cảm thấy yên tâm. Vì vậy bên cạnh việc thu hút từ châu Âu thì những nhà đầu tư tại thị trường Trung Quốc họ có thể rút đi thì một trong những điểm đến, trong đó có Việt Nam. Đây là cơ hội tốt để cho chúng ta thu hút các nhà đầu tư nước ngoài. Vấn đề còn lại là chúng ta phải tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, mô hình chính quyền điện tử, xúc tiến đầu tư, làm tốt Logistic, giao thông để giảm chi phí vận tải, hay vấn đề cảng biển, đường cao tốc, sân bay. Tất cả những vấn đề đó đòi hỏi phải tiếp tục đẩy nhanh quá trình đầu tư công, và thực hiện đầu tư cơ sở hạ tầng để giảm chi phí lưu thông trên vận chuyển hàng hóa. Đây là chỗ các nhà đầu tư quốc tế đang rất e ngại, nhất là vấn đề giao thông của Việt Nam.
Trân trọng cảm ơn ông!
Cơ hội để đổi mới ngành bán lẻ
Chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú cho rằng: Khi có dịch xảy ra, bán lẻ là một trong những ngành bị ảnh hưởng khá mạnh, việc đi lại, mua sắm của người tiêu dùng vẫn thực hiện nhưng với tần suất thấp hơn so với trước, cơ cấu tiêu dùng của từng gia đình cũng có thay đổi đáng kể. Thống kê của Aeon Việt Nam cho thấy số lượng khách đã giảm 20-35%, các mặt hàng bán đều chậm lại, chỉ riêng cho mảng sản phẩm ăn nhanh, ăn liền, sản phẩm khô, khẩu trang, nước rửa tay sát khuẩn là bán nhanh hơn và số lượng mỗi lần mua lớn hơn trước. Chậm nhất là những mặt hàng như thời trang, giầy dép, điện máy. Doanh thu nhóm hàng điện máy có siêu thị giảm đến 30-40% như Mediamart đã công bố.
Tình hình trên là một thách thức to lớn mà ngành bán lẻ phải vượt qua trong giai đoạn khó khăn này, nhưng đó cũng là cơ hội để ngành bán lẻ nhìn lại mình để đổi mới hơn nữa trong việc tổ chức thu mua nguồn hàng và bán ra phục vụ cho xã hội hiệu quả hơn.