Nghỉ học kéo dài: Trường nào gặp khó?

Mai Hương 01/03/2020 08:00

Tính đến ngày 29/2, 59 tỉnh, thành đã cho học sinh nghỉ phòng dịch Covid-19. Việc  nghỉ học để phòng dịch theo các chuyên gia y tế là cần thiết, song trên thực tế điều này đã và đang làm đảo lộn cuộc sống của giáo viên, nhất là giáo viên trường tư.

Nghỉ học kéo dài: Trường nào gặp khó?

Nghỉ học kéo dài, trường tư gặp khó.

Cắt giảm nhân sự, lấy tiết kiệm trả lương

Cô Nga - Hiệu trưởng một trường mầm non ở phường Thượng Đình, Thanh Xuân tâm sự, trước khi mở trường tư cô từng có nhiều năm công tác trong ngành giáo dục. Khi về hưu, cô quyết định mở trường tư thục trông trẻ em tại nhà. Dù nhà ở trong ngõ khá sâu, nhưng vì các cô trông, giữ trẻ ở đây rất có tâm vả lại học phí tương đối rẻ (1.500.000/tháng) nên nhiều phụ huynh đã lựa chọn để gửi con. Hiện cô dành 2 tầng và trông 4 lớp trẻ, chủ yếu trẻ từ 1- dưới 4 tuổi. Vì không mất khoản tiền thuê nhà cho nên về kinh tế cô Hằng cũng không bị ảnh hưởng gì nhiều. Bởi khi không có trẻ đến học cũng đồng nghĩa với việc các cô giáo sẽ được nghỉ dạy dù vẫn phải trả cho giáo viên một khoản tiền nhỏ để giữ chân người lao động nhưng khoản chi này có thể trong mức chịu đựng và cô Nga mong rằng dịch Covid-19 sẽ nhanh chóng được khống chế để mọi sinh hoạt sẽ trở lại bình thường.

Cô Hằng - một Hiệu trưởng của trường mầm non tư thục ở Đồng Nai cho biết, trường cô có 13 lớp với 275 học sinh, 26 giáo viên đứng lớp chưa kể bộ phận cán bộ, tài chính, bếp núc, bảo vệ… cộng với khoảng 30 triệu đồng thuê nhà/tháng thì việc nghỉ học của học sinh cũng đồng nghĩa với việc trường không có nguồn thu nhập đã gây khó cho cô.

Mới đây, cô Hằng nhận thông báo đã đến hạn đóng bảo hiểm thất nghiệp cho cán bộ, giảng viên, công nhân viên tháng 1/2020 với số tiền là 48 triệu đồng. Ngoài ra còn có bảo hiểm xã hội, y tế, tiền mặt bằng rồi thuế, điện, nước và nhiều khoản phát sinh khác. Riêng khoản phải chi trả nhiều nhất là quỹ lương cho giáo viên với hơn 200 triệu/tháng.

Trước đó, để thưởng Tết, cô Hằng đã lấy tiền dự phòng ra chi trả. Sau Tết học sinh tiếp tục nghỉ, trường không có nguồn thu. Nữ hiệu trưởng này quyết định rút tiết kiệm gia đình để thanh toán lương cho giảng viên, nhân viên nhà trường theo quy định nhà nước để giữ chân họ vượt qua thời gian dịch bệnh.

Với cô Lê Thị Bé Tuyết, chủ đầu tư Trường mầm non Đô rê mi ở Bình Dương thì Covid-19 đang gây cho cô rất nhiều khó khăn khiến cô quyết định giảm đi 1/3 số nhân sự của trường. Trước khi quyết định cắt giảm 1/3 số nhân sự của trường, cô Tuyết đã trăn trở suốt đêm. “Bỏ một cây hay để phá một vườn, cắt vài nhánh hay để chết cả cây, cả đêm cô trăn trở... Nhưng vì không thể kham nổi đội ngũ giáo viên của trường khi mà trường không có nguồn thu, cô Tuyết đành chấp nhận phương án giảm bớt đi 1/3 số nhân sự của trường.

Theo cô Tuyết, quỹ lương riêng trường (gồm lương và các khoản trích theo lương) là 350 triệu đồng/tháng. Thời gian chờ việc khi học sinh nghỉ học, lương sẽ được trả theo thỏa thuận nhưng không được dưới mức lương tối thiểu vùng (là 4.420.000 đồng) cùng chi phí bảo hiểm trường. Như vậy nếu tính sơ sơ khoản này là 240 triệu đồng mỗi tháng cho hơn 40 nhân sự. Không biết rằng thời gian nghỉ sẽ kéo dài tới đến thời điểm nào, do vậy nữ hiệu trưởng này phải cắt giảm bớt nhân sự.

Dịch Covid-19 ảnh hưởng đến đời sống của giáo viên tại các trường tư, tuy nhiên sự ảnh hưởng này vẫn còn nằm ở mức nhỏ. Bởi tình hình tài chính của nhà trường sẽ chỉ bị ảnh hưởng trong giai đoạn hiện nay chứ về tổng thể cả năm thì sự ảnh hưởng không nhiều, vì đa số học sinh đóng kinh phí theo cả năm học. Do vậy, ở đây chỉ là việc đóng trước hay đóng sau. Cụ thể, trong một năm học phụ huynh sẽ phải đóng những khoản đã quy định và chia thành 10 lần. Như vậy, nếu tháng này không đóng thì sẽ để lần sau và kéo dài tới tháng 7. Nhà trường cũng sẽ chi trả cho cán bộ giáo viên như bình thường với đầy đủ 12 tháng của năm.

Giáo viên nước ngoài đi cũng dở, ở chẳng xong

Đồng cảnh ngộ với giáo viên trường tư chính là đội ngũ giáo viên nước ngoài, họ cũng là giáo viên hợp đồng, dạy theo tiết tại trường học hay các trung tâm ngoại ngữ. Hiện nay, ở nước ta số giáo viên đến từ Philippines và 1 số nước khác. Đội ngũ giáo viên ngoại đã giúp học sinh chúng ta tiếp cận thực tế, trải nghiệm giao tiếp với người bản ngữ, trau dồi kĩ năng nghe, nói.

Cô giáo Maggie, đến từ Philippines tâm sự: “Trên thực tế tất cả chúng tôi đều buồn và sợ hãi ... lần đầu tiên chúng tôi chứng kiến một dịch bệnh bên ngoài đất nước của tôi. Và chúng tôi cũng không hiểu tất cả những tin tức được gửi bởi zalo, tôi chỉ dịch qua Google và đôi khi tôi không hiểu hết tin nhắn trên zalo đó, chắc do Google dịch chưa đúng nghĩa.

Tôi vẫn ổn định về tài chính ở Việt Nam, nhưng khi Chính phủ tuyên bố học sinh nghỉ học cả tháng, tôi cũng lo lắng vì tôi có gia đình ở đất nước mình, họ cần nguồn tài chính của tôi. Trong khi đó, phải nghỉ dạy, tôi vẫn phải trả tiền phòng là 7 triệu đồng/tháng và các khoản chi phí khác. Nhiều người nói tôi nên trở về nhà trong dịp học sinh nghỉ học nhưng điều này cũng bất tiện, vì lịch nghỉ chỉ theo tuần, rất bị động với những người có nguồn thu nhập không cao như chúng tôi. Tôi hy vọng các lớp học sẽ bắt đầu lại, bệnh dịch nhanh chóng được kiểm soát.

Thầy giáo Johan Cavanagh đến từ nước Anh cho biết: “Tôi không thể tin rằng các sinh viên phải ở nhà cho đến cuối tháng 2, nhưng dần dần tôi nhận ra rằng cần phải làm như vậy, vì Covid-19. Không làm việc trong cả tháng ảnh hưởng đến thu nhập của tôi, nhưng tôi nghĩ vấn đề này sẽ kết thúc sớm thôi”. Tâm sự của cô giáo Maggie, thầy giáo Johan Cavanagh cũng là tâm sự chung của nhiều giáo viên nước ngoài đang dạy học tại Việt Nam, mà người viết đã được trao đổi.

Dịch Covid-19 không chỉ ảnh hưởng đến giáo viên trường tư mà còn ảnh hưởng không nhỏ đến giáo viên nước ngoài đang dạy học ở nước ta. Thật ra, thu nhập của giáo viên nước ngoài so với giáo viên không dạy thêm được cũng thuộc mức cao, vì thế khi sống ở nước ta cũng không gặp nhiều khó khăn như giáo viên các trường tư thục. Thế nhưng Covid-19 cũng đang làm họ khó khăn.

Mai Hương