Mở rộng trận tuyến chống Covid-19
“Cập nhật thông tin về Covid-19 là điều không thể, vì con số thay đổi tính theo từng giờ, chí ít là ở 60 quốc gia, vùng lãnh thổ đã có người nhiễm SARS-CoV-2”- Michel Pattier, một chuyên gia hàng đầu của Pháp về bệnh lây nhiễm do virus nói, ngày 29/2. Khi mà virus Corona chủng mới ngày càng lan rộng thì trận tuyến chống lại nó cũng rộng ra hơn và quyết liệt hơn.
Nhân viên y tế phun thuốc tẩy khử trùng tại một khu chợ ở Seoul, Hàn Quốc.
Châu Âu “rúng động”
Nếu có một điểm chung gắn kết các tờ báo điện tử Pháp những ngày qua thì chính là từ khóa “coronavirus”. Còn với báo in, toàn bộ trang nhất của tất cả nhật báo đều “hăm dọa” với hình ảnh Covid-19. Một từ thứ hai cũng xuất hiện, đó là từ “đại dịch” trong một cấu trúc nghi vấn.
Tờ Le Monde chạy hàng tựa lớn trên 5 cột báo: “Hiện tượng lây lan bùng lên ở Italy và Iran”. Theo tờ báo này, Italy đã trở thành quốc gia châu Âu bị lây nhiễm SAR-CoV-2 nghiêm trọng nhất, với cả chục thị xã bị cách ly, các nơi công cộng bị đóng cửa, lễ hội hóa trang nổi tiếng Carnaval thành phố Venise bị bỏ ngang. Còn tờ Le Figaro trên trang nhất của một số báo in ảnh chụp hai cô gái đeo khẩu trang trên quảng trường Duomo thuộc thành phố Milano miền Bắc Italy cùng hàng tít: “Châu Âu bị nỗi sợ con virus corona chiếm lĩnh”. Vẫn theo Le Figaro, mặc dù Tổ chức Y tế thế giới còn ngần ngại chưa dám sử dụng từ “đại dịch” nhưng đà tiến triển của dịch Covid-19 đang chuyển qua một bước ngoặt đáng lo ngại, với tình trạng bùng nổ bên ngoài Trung Quốc, đặc biệt là ở Italy, Iran và Hàn Quốc”.
Trên đường phố thủ đô Roma (Italy).
Gần hơn, tờ Libération chạy hàng tít đầy nghi ngại: “Coronavirus, nước Pháp chuẩn bị đối phó như thế nào?”. Theo thống kê của Hãng tin AFP, đến nay đã có khoảng 20 quốc gia ở châu Âu chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19, trong đó Italy là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nhất, với 17 ca tử vong và 650 ca nhiễm (tính đến ngày 27/2). Trong số các quốc gia châu Âu bị SARS-CoV-2 tấn công có Đức, Pháp, Tây Ban Nha, Anh, Nga, Áo, Croatia, Hy Lạp, Phần Lan, Thụy Điển, Bỉ, Đan Mạch, Georgia, Bắc Macedonia, Na Uy, Romania, Thụy Sĩ, Hà Lan.
Riêng đối với Italy, quốc gia châu Âu hiện đang bị Covid-19 hoành hành thì với 17 người đã tử vong- nơi được coi là ổ dịch lớn nhất châu Âu- thì theo giới phân tích, dịch bệnh có thể đẩy nền kinh tế mong manh của Italy vào cuộc suy thoái thứ 4 sau 12 năm. Viện nghiên cứu Prometeia có trụ sở tại Bologna (Italy) dự báo tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Italy sẽ giảm liên tiếp từ quý 1 đến quý 2 và giảm 0,3% trong năm 2020.
Tehran (Iran) với nỗi lo Covid-19.
Iran trong “chảo lửa” Covid-19
Thông tin mới đây cho biết, Phó Tổng thống phụ trách vấn về phụ nữ và gia đình của Iran, bà Masoumeh Ebtekar, đã nhiễm SARS-CoV-2- theo Hãng thông tấn IRNA. “Bà Ebtekar có dấu hiệu nhiễm virus corona chủng mới gây dịch Covid-19 và đã được xét nghiệm với kết quả dương tính”- IRNA dẫn lời người phát ngôn của Phó Tổng thống, Fariba Ebtehaj cho biết. Bà Ebtekar là nhân vật rất nổi tiếng khi đại diện cho những nhóm bắt giữ con tin và chiếm giữ Đại sứ quán Mỹ ở Tehran năm 1979, dẫn đến cuộc khủng hoảng ngoại giao kéo dài 444 ngày- theo AP.
Chưa hết, nhiều quan chức cấp cao khác của Iran cũng được cho là đã bị Covid-19 “hạ gục”. Đáng chú ý trong số đó có Thứ trưởng Bộ Y tế Iraj Harirchi và Chủ tịch Ủy ban An ninh và đối ngoại của quốc hội Iran- Mojtaba Zonnour.
Tới nay, con số không thật chính xác, Iran đã có 30 người tử vong vì Covid-19 và hơn 350 ca nhiễm- phát ngôn viên của Bộ Y tế Kianoush Jahanpour cho biết. Trong khi đó, Iran còn bị coi là điểm nóng lây lan dịch Covid-19 sang các quốc gia khác ở Trung Đông. Tuy nhiên, phát ngôn chính thức từ giới chức cấp cao Iran cho rằng, đất nước này không hề đe dọa bất cứ quốc gia nào ở Trung Đông và rằng thông tin có 50 ca tử vong tại thành phố Qom do Covid-19 bị ém nhẹm là bịa đặt. Theo Bộ Y tế Iran, hầu hết các trường hợp tử vong và nhiễm bệnh bên ngoài thành phố Qom đều nằm trong số những người gần đây đã đến thăm thành phố linh thiêng này.
Tuy nhiên, phát biểu trong một phiên họp nội các tại Tehran, Tổng thống Hassan Rouhani cho biết các chuyên gia nước này đang chuẩn bị tiến hành khâu thử nghiệm cuối cùng đối với thiết bị xét nghiệm virus SARS-CoV-2 và sẽ đưa vào sản xuất hàng loạt trong tương lai gần. Ông Rouhani khẳng định tất cả các cuộc thử nghiệm ban đầu đối với thiết bị này đã cho kết quả “tích cực và đáng tin cậy”, đồng thời nói thêm rằng thiết bị này sẽ được đưa vào khâu thử nghiệm cuối cùng trong vài ngày tới.
Nhưng, theo giới truyền thông Mỹ, trong khi Iran vẫn là “lò lửa chiến sự có thể bùng nổ bất cứ lúc nào” thì Covid-19 đã làm xuất hiện thêm “chảo lửa” ở đây.
Hàn Quốc: Daegu “giống như bị bỏ hoang”
Cùng với Trung Quốc, hiện dịch bệnh Covid-19 đang “hành hạ” Hàn Quốc.
Trong một nỗ lực cao độ chống Covid -19 khi nó đang lây lan với tốc độ khủng khiếp, ngày 26/2 chính quyền nước này đã bắt đầu xét nghiệm toàn bộ 210.000 tín đồ của giáo phái Shincheonji (Tân Thiên Địa), giáo phái có rất nhiều người bị lây nhiễm - theo Hãng tin Yonhap vì “đây là tâm điểm của dịch Covid-19 tại Hàn Quốc”.
Hiện tại, nhà nước Hàn Quốc đã nâng mức cảnh báo cao nhất về bệnh dịch. Nhà nước cấm biểu tình và yêu cầu toàn bộ thành viên giáo phái Tân Thiên Địa, có nghĩa là từng thành viên của giáo phái cách ly tại nhà, ít nhất là 14 ngày.
Trong khi đó, Tổng thống Moon Jae In đã đến trung tâm vùng dịch để chỉ đạo và hạn chế tự do đi lại ở các khu vực trung tâm dịch. Ở Seoul, dù rằng mọi người vẫn đi lại bình thường nhưng tất cả những người đi tầu điện ngầm thì đều đeo khẩu trang.
Tới 8 giờ sáng ngày 28/2, Hãng tin Reuters dẫn thông báo của Trung tâm Phòng ngừa và kiểm soát dịch bệnh (CDC) của Hàn Quốc cho biết, nước này ghi nhận thêm 256 ca nhiễm mới, nâng tổng số ca nhiễm cho đến nay lên 2.022 ca. Đặc biệt, Daegu được mô tả giống như bị bỏ hoang hay bị một quả bom thả vào giữa thành phố. Daegu là thành phố lớn thứ tư của Hàn Quốc chỉ sau Thủ đô Seoul, Busan và Incheon. Giờ đây các trung tâm mua sắm và rạp chiếu phim vắng vẻ, những đường phố vốn nhộn nhịp bậc nhất bỗng chốc như bị bỏ hoang, người dân ẩn náu trong nhà. Để tránh Covid-19 lan rộng, Daegu đã thực hiện các biện pháp tạm thời đóng cửa các địa điểm công cộng như thư viện, các trường học, tòa án, tạm thời chặn một số lối vào các toà nhà tổ hợp và lắp đặt camera hồng ngoại... Lực lượng quân đội cũng được giới hạn trong các doanh trại. Chỉ còn ngoại lệ là các siêu thị, cư dân thành phố bắt đầu xếp hàng để mua thực phẩm và các vật tư khác. Anh Huh Mi-yeon sống tại Daegu nói với phóng viên AP rằng, mọi người đang rất lo lắng, thậm chí sợ gặp cả những người khác. Còn Thị trưởng Daegu Kwon Young-jin kêu gọi cư dân trong thành phố đeo khẩu trang và yêu cầu họ ở trong nhà.
Như vậy, trận chiến chống lại Covid-19 từ Trung Quốc đã lan rộng theo đà lây lan của SARS-CoV-2. Và, nó vẫn chưa cho thấy điểm dừng.
Tổng giám đốc WHO: Đại dịch Covid-19 đang ở thời điểm quyết định
Phát biểu trước báo giới ở Geneva (Thụy Sĩ), Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus nhận định dịch viêm đường hô hấp cấp Covid-19 đang ở “thời điểm quyết định” trên toàn cầu. “Chúng ta đang ở giai đoạn quyết định… Chúng ta thực sự đang ở trong một tình huống rất dễ bị tổn thương, trong đó sự bùng phát có thể phát triển theo bất kỳ hướng nào theo cách thức mà chúng ta xử lý nguy cơ đó. Đừng nước nào cho rằng sẽ miễn nhiễm với Covid-19, đó sẽ là một sai lầm chết người”- ông Tedros nhấn mạnh và thêm rằng, “Hiện tại không phải Trung Quốc mà điều tôi lo lắng nhất hiện nay là diễn biến ở phần còn lại của thế giới”.